Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần xem lại thẩm quyền giải quyết

Thứ năm, 20/01/2011 - 20:33

(Thanh tra)- Ngày 20/10/2008, Cty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam, địa chỉ ở tầng 10, Tòa nhà Viglacera, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội (gọi tắt là Cty Huawei) ký Hợp đồng nguyên tắc “các dịch vụ xây dựng công trình dân dụng” số MPSVNMVN08102101GXJ của dự án chìa khóa trao tay Huawei.

Thực tế, Hợp đồng này được lập vào ngày 21/10/2008 và được gửi cho Cty Cổ phần Đầu tư phát triển Hoàng Gia, tổ 57c, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng (gọi tắt là Cty Hoàng Gia). Ngày 27/10/2008, Cty Hoàng Gia ký Hợp đồng nguyên tắc kể trên và ngày 9/3/2009, hai bên tiếp tục ký kết xây dựng 64 công trình trạm thu phát sóng viễn thông tại 4 tỉnh, gồm: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk, trị giá hơn 1,4 triệu USD. Trong đó, cho phép Cty Hoàng Gia thuê ngoài 19 đội xây dựng (tức nhà thầu phụ). Sau hơn 9 tháng thi công, ngày 17/11/2009, hạng mục công trình cuối cùng đã được Cty Huawei nghiệm thu và đưa vào sử dụng.


Về thanh toán chi phí, Cty Huawei mới chỉ thanh toán cho Cty Hoàng Gia được 933,6 ngàn USD, khoản tiền còn lại đến nay vẫn chưa chịu trả. Lý do mà Cty Huawei đưa ra là, Cty Hoàng Gia không thuê đội xây dựng mà ký Hợp đồng liên doanh với các đơn vị khác để thi công các công trình trên và Cty Hoàng Gia không hoàn thành công việc đúng thời gian, tiến độ theo Hợp đồng...


Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Cty Hoàng Gia, “việc ký Hợp đồng liên doanh với các Cty khác không hề ảnh hưởng đến chất lượng công trình, vì đây đều là các nhà thầu có tư cách pháp nhân. Còn các đội xây dựng thì không có tư cách pháp nhân, nếu thuê họ sẽ rất khó khăn trong quá trình thi công, đặc biệt khi công trình xảy ra sự cố ngoài ý muốn”. Về lý do chậm tiến độ, ông Cương rằng, do phía Cty Huawei không phát hành Lệnh đặt hàng chậm theo thỏa thuận ghi trong Hợp đồng, không có chữ ký của người đại diện hợp pháp (theo điểm 3.2 Điều 3 của Hợp đồng). Ngoài ra, Cty Huawei không giao đủ vật tư, buộc Cty Hoàng Gia phải tạm dừng việc thi công để chờ được giao bổ sung. Bên cạnh đó, Cty Huawei còn thay đổi vị trí, buộc Cty Hoàng Gia phải khởi công xây dựng lại từ đầu...


Khi Cty Hoàng Gia chưa thực hiện các biện pháp thu hồi nợ thì ngược lại, Cty Huawei đưa ra lý do Cty Hoàng Gia vi phạm Hợp đồng để kiện ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đòi bồi thường 668,3 ngàn USD. Ngày 21/9/2010, VIAC đã chính thức thụ lý đơn kiện của Cty Huawei đối với Cty Hoàng Gia.


Điều 18 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC quy định: “Ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có quyền thỏa thuận về ngôn ngữ sử dụng trong quá trình tố tụng trọng tài. Nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt. Các bên có thể yêu cầu Trung tâm cung cấp phiên dịch và phải trả chi phí”. Trong trường hợp này, theo thỏa thuận của Hợp đồng giữa Cty Hoàng Gia và Cty Huawei thì ngôn ngữ phân xử là tiếng Anh, tức trái với Điều 18 Quy tắc tố tụng của VIAC, vì vậy tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của VIAC. Mặt khác, Cty Huawei được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép kinh doanh, còn Cty Hoàng Gia được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nên đây là tranh chấp giữa 2 doanh nghiệp Việt Nam nhưng không hiểu sao VIAC vẫn đồng ý lựa chọn ngôn ngữ phân xử trong vụ tranh chấp này là tiếng Anh?


Xin nói thêm: Theo khoản 1, Điều 21 Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC cũng như khoản 1, Điều 30 Pháp lệnh Trọng tài thương mại: “Trước khi xem xét nội dung tranh chấp, nếu có khiếu nại (KN) của một bên việc Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp, vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, Hội đồng trọng tài phải xem xét, ra quyết định với sự có mặt của các bên, trừ trường hợp các bên có yêu cầu khác. Bên KN đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì được coi là rút KN, Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp”. Theo đó, ông Ma Xiaobo - Tổng Giám đốc Cty Huawei mới là người có thẩm quyền ký kết Hợp đồng, nhưng Hợp đồng giữa Cty Huawei với Cty Hoàng Gia lại do ông Yan Tongsheng ký đóng dấu mà không được ủy quyền. Dù Cty Hoàng Gia đã có đơn KN về vấn đề trên, nhưng VIAC không trả lời mà vẫn quyết định đưa tranh chấp ra phân xử vào ngày 25/1/2011 tới đây.


Căn cứ vào hồ sơ của vụ tranh chấp cũng như các quy định của pháp luật hiện hành, đề nghị VIAC xem xét lại thẩm quyền giải quyết của mình trong vụ tranh chấp nói trên.

Nguyên Phê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm