Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bình Dương: Tập trung phát triển xanh hóa nền kinh tế

Chu Tuấn

Thứ tư, 28/08/2024 - 14:03

(Thanh tra) - Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ tập trung phát triển xanh hóa nền kinh tế với sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh… nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội…

Bình Dương sẽ tập trung phát triển xanh hóa nền kinh tế với sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh… Ảnh: A.X

Phát triển Bình Dương xanh là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển mà tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện trong quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, tỉnh Bình Dương quy hoạch phát triển theo quan điểm liên kết phát triển với các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ để xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động, trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Cùng với đó, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, dựa trên phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa ngoại lực và nội lực, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm động lực phát triển. Ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới tư duy phát triển, hình thành các trung tâm động lực, không gian phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới.

Phát triển văn hóa, con người Bình Dương, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, mục tiêu dài hạn để phát triển bền vững; nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tạo môi trường sống tốt để thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao đến sống và làm việc tại Bình Dương.

Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, công nghiệp, dịch vụ đồng bộ, hiện đại, thông minh để mở rộng không gian phát triển, phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn; khai thác và sử dụng hiệu quả không gian trên cao, không gian ngầm, không gian sinh thái, không gian số, không gian văn hóa. Đẩy mạnh hình thành các hành lang, vành đai kinh tế, công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn với các hành lang giao thông kết nối liên vùng.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế cac-bon thấp, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết…

Quy hoạch đã nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển cho tỉnh Bình Dương. Trong đó có phát triển Bình Dương xanh. Phát triển xanh hóa nền kinh tế với sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh… nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội.

Tập trung phát triển không gian đô thị xanh, hạ tầng xanh đẹp và hấp dẫn trở thành hình ảnh đặc trưng của đô thị Bình Dương. Quan tâm đầu tư thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, bền vững, phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, tái chế rác và xử lý nước thải...

Tập trung phát triển không gian đô thị xanh, hạ tầng xanh đẹp và hấp dẫn trở thành hình ảnh đặc trưng của đô thị Bình Dương. Ảnh: A.X

Bình Dương chuẩn bị tốt nền tảng để triển khai, thực hiện hiệu quả quy hoạch

Trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã quan tâm và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường…

Tỉnh Bình Dương ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, hạn chế đầu tư bên ngoài khu/cụm công nghiệp; đồng thời, Bình Dương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Qua đó, giúp cho kinh tế của tỉnh Bình Dương phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Trong năm 2023, tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2022 - 2030 với 4 mục tiêu và 18 chủ đề hành động. Trong đó, xác định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh định hướng triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái…

Tỉnh Bình Dương ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng... Ảnh: A.X

Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, hiện nay, tỉnh đã quy hoạch được 33 khu công nghiệp (với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam; 13% diện tích khu công nghiệp Việt Nam) và 12 cụm công nghiệp (với tổng diện tích 789,91 ha). Trong đó, có 28 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 1 khu công nghiệp đang tiến hành các thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng (khu công nghiệp Cây Trường); 10 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, qua đó đã đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài…

Để thu hút các khu công nghiệp theo hướng xanh hóa, tỉnh Bình Dương cũng đang tập trung triển khai thành lập khu công nghiệp khoa học và công nghệ với diện tích 400ha tại huyện Bàu Bàng; nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới. Giai đoạn tới, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp sẽ có sự chuyển biến theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và phát triển bền vững.

Hiện nay, tại Bình Dương, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn trong khu vực tư nhân đang được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Điển hình, một số mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực đã được triển khai trên địa bàn tỉnh là tại Khu công nghiệp VSIP III, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Với mục tiêu không khí thải carbon, tác động tích cực đến môi trường sẽ góp phần vào chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh.

Tương tự, Nhà máy Bia AB InBev (tại Khu công nghiệp VSIP II-A) cũng đã vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, sản xuất được 840.600kWh/năm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện đang sử dụng mỗi năm.

Mới đây, Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu USD để thành lập khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm