Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bát Đại Sơn thoát nghèo

Thứ năm, 28/03/2013 - 07:35

(Thanh tra)- Đầu tháng 4/2013, tỉnh Hà Giang sẽ công bố Quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTCĐV). Một trong những tiêu chí lớn của Quy hoạch là nâng cao đời sống người dân các xã vùng cao nguyên đá, để từ đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị nhân văn trong đời sống, sinh hoạt bản địa. Nhiều xã trên cao nguyên đá - vùng địa chất di sản đã thoát nghèo bền vững.

Nhiều xã thuộc CVĐCTCĐV thoát nghèo bền vững, sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nhân văn trong đời sống, sinh hoạt bản địa. Ảnh: D.Th.Tùng

Từ dòng sông Tráng Kìm nằm dưới đáy thị trấn Tam Sơn đẹp như tranh vẽ của huyện Quản Bạ, ngửa đầu trông lên sẽ gặp trời xanh và những nương ngô khô cháy trên rừng đá tai mèo của xã Bát Đại Sơn.
 
Ai muốn lên với Bát Đại Sơn, đều phải ngửa mặt, len chân vào các hốc đá sắc nhọn để đu ngược lên… Đường sá khó khăn, nên Bát Đại Sơn không khác nào ốc đảo khô cằn giữa điệp trùng rừng đá. Các xã của huyện Quản Bạ đều nghèo và Bát Đại Sơn có trên 80% hộ nghèo.

Hơn 3 năm trước, khi Hà Giang vừa đón nhận danh hiệu CVĐCTCĐV, Chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn Tẩn Seo Thúng từng canh cánh chuyện đưa xã dần thoát nghèo bằng cách phổ cập kiến thức luân canh mùa vụ cho bà con người Mông, người Dao sinh sống lâu đời ở nơi này nhưng bất lực vì giao thông cách trở. 

Để giảm hộ nghèo, Bát Đại Sơn cần lắm 1 con đường và nhu cầu ấy đã được đáp ứng bằng nguồn đầu tư 36 tỷ đồng từ các Chương trình 134, 135 của Chính phủ. Tại thời điểm này, chúng tôi đã có thể thong dong phóng xe máy trên con đường nhựa phẳng phiu từ thị trấn Tam Sơn, đến Bát Đại Sơn và từ đó đến các xã xa xôi, cách trở khác. 

Tháng 3 năm nay, trở lại Bát Đại Sơn, chúng tôi gặp anh Lò Văn Sử - nguời kế nhiệm chức Chủ tịch UBND xã của ông Tẩn Seo Thúng năm xưa. Vừa chìa tay ra bắt, tôi đã nghe anh Sử hồ hởi khoe: Số hộ nghèo trong xã đã giảm từ 80% xuống còn 50%. Tất cả là nhờ nguồn vốn của Chương trình 135 và Chương trình 30a của Chính phủ.

Tại thời điểm này, vốn đầu tư từ các Chương trình 134, 135, đặc biệt là Chương trình 30a của Chính phủ, không chỉ giúp Bát Đại Sơn từng bước thoát nghèo, mà nơi này đang là một đại công trường sôi động với trên 20 công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội như trường học, trạm xá. Hơn 100 tỷ đồng được đầu tư cho các công trình phục vụ kinh tế, đời sống của Bát Đại Sơn, sẽ làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của xã nghèo trên vùng cao nguyên đá.
  
Ngoài đường giao thông cùng công trình dân sinh, hơn 100 hộ dân còn được cấp kinh phí xóa nhà tạm, hỗ trợ canh tác. Các hồ treo đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho dân, công trình nước tự chảy để phục vụ tưới tiêu cũng đồng thời được xây dựng. Nhờ hệ thống nước tự chảy mà đồng bào Mông, Dao đã chủ động được nước tưới cho cây trồng. Nhà cửa, công sở to, đẹp nhưng người dân vẫn đói và không có hướng mưu sinh lâu dài thì có xây dựng công sở to, đẹp cũng chả để làm gì - anh Lò Văn Sử bảo vậy. 
 
Bình quân lương thực đầu người của Bát Đại Sơn hiện đã nâng lên 512kg thóc/người/năm. Tỷ lệ trẻ em từ 6 - 14 tuổi trong cả xã đi học đã chiếm tới 98%.

Được biết, có 6 huyện nghèo của Hà Giang thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần. 4 huyện trong danh sách này (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) nằm trong diện tích CVĐCTCĐV. Từ năm 2009 - 2012, Chương trình 30a đã làm thay đổi diện mạo nhiều xã của 6 huyện với 11.211 hộ thoát nghèo. Ngoài các chương trình của Chính phủ, theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, Hà Giang rất cần các nguồn viện trợ khác cho chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp người dân thoát nghèo bền vững.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định 310/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTCĐV giai đoạn 2012 - 2020,  tầm nhìn 2030.

Quy hoạch đặt mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các giá trị di sản trong CVĐCTCĐV như bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dân tộc bản địa dưới dạng các công viên chuyên đề bao gồm: Công viên địa văn hóa, Công viên địa sinh học, Công viên khoa học địa chất…

  D.Th.Tùng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

Vĩnh Long: Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2025

(Thanh tra) - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa quyết định phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Đội Quản lý thị trường số 4.

Nhật Minh

19:40 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm