Trong đó, Cơ quan Bộ Tài chính tiếp 18 lượt với 34 người. Cấp tổng cục (các cơ quan tổng cục, các cục và chi cục ở địa phương) và các cục thuộc Bộ tiếp 116 lượt với 214 người; hệ thống thuế tiếp 104 lượt người; hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp 01 lượt người; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiếp 08 lượt người.

Nội dung công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến việc một số công ty bảo hiểm bán bảo hiểm qua kênh đối tác ngân hàng không đúng quy định của pháp luật; sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính… Phần lớn đơn tố cáo là đơn trùng lặp, không ghi tên, không có chữ ký, không ghi địa chỉ rõ ràng, nội dung tố cáo chung chung, không có bằng chứng, chứng cứ cụ thể. 

“Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đều được tiếp đón, hướng dẫn tận tình, chu đáo và xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật” - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết.

Đối với công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn, theo ông Trường, kỳ trước chuyển sang 442 đơn, tiếp nhận trong kỳ 1.621 đơn. Số đơn đã được xử lý 1.937 đơn/tổng số đơn tiếp nhận 2.063 đơn. Số đơn đủ điều kiện xử lý 1.602 đơn, số vụ việc đủ điều kiện xử lý 1.400 vụ việc.

Trong tổng số 2.063 đơn tiếp nhận có 553 đơn khiếu nại; 668 đơn tố cáo và 842 đơn kiến nghị, phản ánh, trong đó có 1.602 đủ điều kiện xử lý, đã giải quyết 1.326/1.602 đơn, còn 276 đơn đang được giải quyết.

Kết quả giải quyết khiếu nại, tổng số vụ việc đã giải quyết 268 vụ việc/tổng số vụ việc phải giải quyết 389 vụ việc; tỷ lệ giải quyết đạt 68,8%.

Kết quả giải quyết tố cáo, tổng số vụ việc đã giải quyết 167 vụ việc/tổng số vụ việc phải giải quyết 175 vụ việc; tỷ lệ giải quyết đạt 95,4%. Trong đó, tố cáo đúng 04 vụ việc, tố cáo sai 110 vụ việc, tố cáo có đúng có sai 49 vụ việc; rút đơn tố cáo 03 vụ việc.

Kết quả giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh, tổng số đơn tiếp nhận 842 đơn; trong đó, đã xử lý 782 đơn; đơn đủ điều kiện xử lý 686 đơn/631 vụ việc. Xử lý 631 vụ việc, trong đó thuộc thẩm quyền 416 vụ việc, không thuộc thẩm quyền 215 vụ việc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, đạt tỷ lệ 100%.

leftcenterrightdel
 Bộ Tài chính dự báo tình hình đơn thư năm 2024 tiếp tục “nóng” trong lĩnh vực trái phiếu. Ảnh: TQ

Nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo, theo ông Trường, đối với hệ thống thuế, trong kỳ báo cáo phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại của công dân về nội dung xác định mức thuế khoán chưa hợp lý; người nộp thuế không đồng ý về cách tính trả nợ tiền sử dụng đất; khiếu nại về việc tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với số thuế bị truy thu trong những năm trước; khiếu nại thông báo thuế thu nhập cá nhân…  

Về tố cáo, thời gian vừa qua, ngành Thuế thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, trong đó thực hiện sáp nhập chi cục thuế theo Quyết định số 520/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ Tài chính, sắp xếp lại cơ cấu các phòng thuộc cục thuế theo Quyết định số 320/QĐ-BTC ngày 28/02/2019 của Bộ Tài chính dẫn đến dôi dư nhiều lãnh đạo cấp chi cục, cấp phòng phải bố trí sắp xếp đến đơn vị khác hoặc đang từ cấp trưởng bố trí xuống làm cấp phó dẫn đến phát sinh đơn thư.

Đối với hệ thống hải quan, trong kỳ báo cáo, các nội dung của đơn khiếu nại chủ yếu xoay quanh khiếu nại các vấn đề về nghiệp vụ mà cụ thể là các quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Một số doanh nghiệp chưa nắm bắt hết hoặc chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến xuất, nhập khẩu nên chấp hành chưa tốt dẫn đến việc bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, một số doanh nghiệp chưa đồng tình với quyết định xử phạt nên thực hiện khiếu nại, sau khi cơ quan hải quan tiến hành đối thoại, giải quyết khiếu nại, có vụ việc giải quyết khiếu nại lần 2 thì doanh nghiệp mới thỏa mãn, thống nhất với quyết định xử phạt của cơ quan hải quan.

Đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong quý I/2024, số lượng đơn thư liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn lớn.  

Dự báo tình hình đơn thư năm 2024, theo Bộ Tài chính, nếu các kiến nghị của công dân, số trái chủ, chủ sở hữu trái phiếu đã mua của một số tập đoàn đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam lãnh đạo (Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát...); kiến nghị của một số công dân gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng nhưng lại bị chuyển thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ tại một số công ty bảo hiểm; cùng với việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi ngay trong năm 2024.

Tình hình chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu có thể tiếp tục gia tăng với áp lực tập trung năm 2024. Số lượng tổ chức phát hành chưa đạt được thỏa thuận với trái chủ vẫn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về dòng tiền và sản xuất kinh doanh... chậm được quan tâm, giải quyết, ban hành cáo trạng, tổ chức thi hành án đúng quy định của pháp luật… thì người dân sẽ tiếp tục kêu gọi các hoạt động tập trung đông người, căng băng rôn khẩu hiệu, diễu hành tại trụ sở các cơ quan Nhà nước nhằm gây áp lực với các cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Để làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, theo ông Trần Duy Trường, Bộ Tài chính tiếp tục quán triệt để cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW, Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Quốc hội và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trần Quý