Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thất thoát tài sản Nhà nước tại Công ty Chè Phú Thọ, trách nhiệm thuộc về ai?

Trần Kiên

Thứ ba, 14/04/2020 - 20:02

Công ty Cổ phần (CP) Chè Phú Thọ đem gần 400ha đất trồng chè và máy móc, thiết bị… góp vốn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp tư nhân rồi sau đó lại thoái vốn, bán hết số vốn đã góp, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Trồng chè từ lâu đã là thế mạnh của tỉnh Phú Thọ

Thanh tra tỉnh Phú Thọ vừa ban hành kết luận thanh tra việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tại Công ty CP Chè Phú Thọ, đã làm rõ nhiều tồn tại, hạn chế cũng như nguy cơ làm thất thoát tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp này.

Vốn là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1993 trên cơ sở sáp nhập các nông trường chè: Yên Sơn, Ngọc Đồng, Hưng Long, Vạn Thắng và Nhà máy Chè Cẩm Khê, Công ty Chè Phú Thọ có địa bàn hoạt động trên 3 huyện miền núi: Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê.

Năm 2005, thực hiện chủ trương sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, công ty được giao cho tập thể người lao động quản lý và chuyển đổi hoạt động sang hình thức công ty cổ phần với tên gọi Công ty CP Chè Phú Thọ.

Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, Thanh tra tỉnh Phú Thọ phát hiện tại biên bản bàn giao công ty cho người lao động trong doanh nghiệp quản lý được lập năm 2006 không có thành phần là đại diện ban đổi mới tại công ty theo quy định tại Thông tư số 109/2005/TT-BTC ngày 8/12/2005 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Phú Thọ cũng chỉ ra nhiều hoạt động liên doanh, liên kết được cho là kém hiệu quả, cụ thể:

Ngày 2/7/2011, Công ty CP Chè Phú Thọ ký hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH Sản xuất thương mại trà Thăng Long để thành lập Công ty TNHH Chè Yên Sơn với tài sản được đem góp vốn là 215,6ha vườn chè tại huyện Thanh Sơn (=12,75% vốn điều lệ). Đến 31/7/2017, Công ty CP Chè Phú Thọ đã chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ đã góp tại Công ty TNHH Chè Yên Sơn cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại trà Thăng Long.

Ngày 15/7/2011, Công ty CP Chè Phú Thọ và Công ty TNHH chè Đức Thiện lập biên bản định giá tài sản góp vốn giữa 2 bên để thành lập Công ty TNHH chè Ngọc Đồng tại huyện Yên Lập. Tài sản  Công ty CP Chè Phú Thọ góp vốn là nhà cửa vật kiến trúc, máy móc thiết bị tại Xí nghiệp Ngọc Đồng và diện tích vườn chè hơn 183 ha (tài sản được các bên xác định giá trị 5.962.110.700 đồng = 36,2% vốn điều lệ). Đến năm 2018, Công ty CP Chè Phú Thọ đã bán phần vốn góp tại Công ty TNHH Chè Ngọc Đồng cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thanh Bình với trị giá 5 tỷ đồng, so với số vốn góp năm 2011 Công ty CP Chè Phú Thọ bị thiệt hại 962.110.700 đồng.

Trước đó, ngày 27/12/2016, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chè Phú Thọ cho bán thanh lý tài sản tại văn phòng gắn liền với quyền sử dụng trên diện tích đất 4.685,5 m2 tại Việt Trì với trị giá 11 tỷ đồng. Sau đó, công ty có văn bản xin trả lại diện tích đất trên cho tỉnh Phú Thọ.

Đáng chú ý, mặc dù số vốn góp tại Công ty TNHH Chè Yên Sơn và Công ty TNH Chè Ngọc Đồng đã bán hết, nhưng Công ty CP Chè Phú Thọ vẫn lập phương án đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ để giữ lại diện tích đất tại 2 công ty này.

Ngày 27/12/2018, UBND tỉnh Phú Thọ có quyết định 3660/QĐ-UBND phê duyệt phương án sử dụng đất của Công ty CP Chè Phú Thọ; trong đó, tổng diện tích đất công ty quản lý, sử dụng 1.109,42ha, bao gồm: Diện tích đất công ty đề nghị giữ lại sử dụng 769,4ha (tại Công ty TNHH chè Cẩm Khê 223,17ha, tại Công ty TNHH Chè Ngọc Đồng 178,03ha và tại Công ty TNHH chè Yên Sơn 368,2ha); diện tích công ty đề nghị bàn giao về địa phương 340,02 ha.

Cũng tại thời điểm thanh tra (tháng 10 đến tháng 12/2019), Công ty CP chè Phú Thọ còn một số khoản vay ODA, lãi vay Quỹ Hỗ trợ phát triển tỉnh, nợ ngân sách Nhà nước mà công ty và các sở, ngành của tỉnh Phú Thọ có văn bản báo cáo nhưng chưa có văn bản chỉ đạo, xử lý của các bộ, ngành Trung ương.

Thanh tra tỉnh Phú Thọ đã đề nghị Công ty CP Chè Phú Thọ chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp liên quan để rà soát, báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý đối với diện tích đất Công ty đề nghị giữ lại đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3660/QĐ-UBND.

Điều khiến dư luận quan tâm là tài sản Nhà nước có bị thất thoát không và tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi bàn giao tài sản Nhà nước gồm hàng nghìn héc - ta đất chè, máy móc, thiết bị chế biến chè… cho tập thể người lao động tại Công ty CP Chè Phú Thọ quản lý. Sau khi được cổ phần hóa, công ty hoạt động kém hiệu quả, phải bán bớt tài sản, kết quả nộp ngân sách Nhà nước thấp (doanh nghiệp nhiều năm thua lỗ), nợ nần; hơn thế, từ 2006 đến 2018, trong các hoạt động liên doanh, liên kết công ty còn làm mất vốn, giảm diện tích vườn chè gần 400ha…

Câu hỏi này xin được gửi tới các ban, ngành của tỉnh Phú Thọ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm