Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Hải Phòng đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện theo kết luận thanh tra

Kim Thành

Thứ năm, 10/10/2024 - 20:03

(Thanh tra) - Thanh tra thành phố Hải Phòng đã ban hành kết luận thanh tra trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đê điều, thủy lợi trên địa bàn, niên độ 2017 - 2023.

Phó Chánh Thanh tra thành phố Hải Phòng Lê Lương công bố kết luận thanh tra. Ảnh: Kim Thành

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố về việc thanh tra trách nhiệm của Sở NN&PTNN trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đê điều, thủy lợi trên địa bàn, Thanh tra Hải Phòng đã tiến hành thanh tra tại Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan. Qua đó, đã chỉ ra Sở NN&PTNT chưa kịp thời trong việc tham mưu cho UBND thành phố: Ban hành quy định hành lang bảo vệ đê cấp IV, cấp V trên địa bàn và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý thường xuyên, đột xuất các trường hợp vi phạm theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 6658/UBND-TL ngày 28/10/2019.

Công tác thanh tra tại 4 địa phương (Kiến An, Kiến Thụy, An Dương, An Lão) liên quan quản lý Nhà nước về đê điều, thủy lợi trên địa bàn niên độ 2017 - 2023: Có 20/143 vụ việc vi phạm chưa được lập Biên bản vi phạm hành chính; 32/59 trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa chấp hành nộp tiền theo quyết định xử phạt. Số tiền chưa thu được là 1.244.500.000 đồng; 83/143 trường hợp vi phạm đến nay còn tồn tại chưa được tháo dỡ, khắc phục hậu quả triệt để.

Trách nhiệm đối với các tồn tại nêu trên thuộc về lãnh đạo Sở NN&PTNT; Chi Cục trưởng, Phó Chi Cục trưởng phụ trách lĩnh vực đê điều, Phòng Quản lý đê điều Chi cục thủy lợi và Phòng chống thiên tai; lãnh đạo UBND 4 quận huyện, phòng NN&PTNT, phòng kinh tế các quận, huyện: Kiến An, An Lão, An Dương, Kiến Thụy; chủ tịch UBND, cán bộ địa chính, xây dựng các xã có công trình vi phạm mà đến nay còn tồn tại, chưa bị xử lý.

Qua kiểm tra 22 hồ sơ vụ việc xử lý vi phạm hành chính về đê điều trên địa bàn 4 quận, huyện, kết quả cho thấy 22 hồ sơ đều có tồn tại, hạn chế trong hồ sơ xử lý vi phạm hành chính như: Biên bản vi phạm hành chính không có nội dung về quyền, thời hạn giải trình, cơ quan tiếp nhận giải trình; có nhiều tờ không có chữ ký của những người tham dự; có hồ sơ áp dụng văn bản quy phạm phạm luật đã hết hiệu lực khi lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định đình chỉ thi công; có hồ sơ chậm trễ ban hành quyết định đình chỉ xây dựng công trình vi phạm; có hồ sơ người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để xem xét, bổ sung, làm rõ quyền và yêu cầu giải trình của người vi phạm.

Trách nhiệm thuộc về Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, lãnh đạo UBND các quận, huyện: Kiến An, Kiến Thụy, An Dương; Phòng Quản lý đê điều - Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai; phòng kinh tế, phòng NN&PTNT các quận, huyện: Kiến An, Kiến Thụy, An Dương (thời kỳ năm 2017-2023).

Về việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của Sở NN&PTNT và các công ty khai thác công trình thủy lợi thực hiện có 1/35 hồ sơ không đảm bảo thời hạn cấp giấy phép theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 21 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ, Quyết định số 2525/QĐ-BNN-TCTL ngày 29/6/2018 của Bộ NN&PTNT.

Có 9/35 hoạt động được cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã hết thời hạn được cấp phép nhưng chưa có biên bản kiểm tra việc thực hiện giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Ngoài ra còn có 14/26 biên bản kiểm tra việc thực hiện giấy phép hoạt động của dự án, công trình theo nội dung giấy phép được cấp chưa có thành phần là UBND cấp xã (phường) tham gia là chưa tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 57 Luật Thủy lợi năm 2017.

Trách nhiệm chính đối với các tồn tại nêu trên thuộc Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Phòng Quản lý công trình thủy lợi & nước sạch nông thôn còn có trách nhiệm của UBND các quận, huyện, xã, phường nơi các dự án được cấp phép (thời kỳ 2017-2023).

Thời kì 2017-2023, có 250/1.393 trường hợp vi phạm bảo vệ công trình thuỷ lợi còn tồn tại trên địa bàn 4 quận huyện được kiểm tra, nhưng UBND các xã, phường không tiến hành áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc kiến nghị UBND huyện, quận tiến hành áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hoạt động vi phạm trên, là chưa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 3, khoản 4 Điều 12, khoản 1, 2 Điều 28, Điều 85, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Trong đó, còn có 4/07 trường hợp quá thời hạn theo quy định nhưng đối tượng vi phạm không nộp tiền theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành, vi phạm vẫn đang tồn tại là chưa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Trách nhiệm chính thuộc về chủ tịch, phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực, công chức địa chính - xây dựng của UBND các xã, phường trực thuộc 4 quận, huyện để xảy ra vi phạm trên địa bàn.

Ngoài ra, còn có trách nhiệm của: Lãnh đạo UBND 4 quận, huyện; phòng kinh tế, phòng NN&PTNT của UBND 4 quận huyện được thanh tra; lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Phòng Quản lý công trình thủy lợi & nước sạch nông thôn trực thuộc Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai; Công ty Khai thác công trình thủy lợi An Hải, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ trong việc giám sát, đôn đốc xử lý sai phạm (thời kỳ 2017-2023).

Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế phát hiện qua công tác thanh tra, Thanh tra thành phố kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo: Các đơn vị được thanh tra nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra các tồn tại, hạn chế đã nêu tại kết luận thanh tra; kịp thời có biện pháp khắc phục những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.

Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện việc kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân theo quy định.

Đối với các hoạt động vi phạm trong phạm vi bảo vệ đê điều, thủy lợi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Yêu cầu đơn vị, địa phương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thực hiện cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định, tránh để thất thoát ngân sách Nhà nước.

Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan tham mưu cho UBND thành phố xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê cấp IV, cấp V trên địa bàn thành phố; bố trí kinh phí để cắm mốc đối với hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố.

Đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu dân cư tập trung ven đê: Các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND thành phố từng bước xây dựng dự án di dân tái định cư, kế hoạch di dời và thực hiện việc di dời những công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông không phù hợp với quy hoạch theo quy định tại Điều 27 Luật Đê điều năm 2006.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam

Nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam

(Thanh tra) - Qua công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty con, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn, đồng thời kiến nghị nộp ngân sách gần 12 tỷ đồng.

Trần Quý

21:00 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm