Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bình Dương: Đất công bị lấn chiếm hàng thập kỷ, ai chịu trách nhiệm?

Ngân Nga

Thứ sáu, 26/05/2023 - 09:07

(Thanh tra) - Tại Bình Dương, hàng loạt vị trí đất công bị lấn chiếm, sử dụng trong một thời gian dài, nhưng UBND tỉnh Bình Dương vẫn chưa giải quyết dứt điểm, khiến việc thu hồi trở nên khó khăn, có nguy cơ mất tài sản công của Nhà nước.

UBND tỉnh Bình Dương cho thuê Trụ sở Ban Tổ chức Tỉnh ủy không qua đấu giá. Ảnh: Ngân Nga

Đất công bị lấn chiếm hàng thập kỷ chưa được thu hồi

Tại Kết luận thanh tra 785/KL-TTCP ngày 22/3/2023, Thanh tra Chính phủ kết luận, công tác quản lý đất công của UBND tỉnh Bình Dương còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều thửa đất công bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.

Điển hình, tại Trường THPT Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, năm 1992, Ban Giám cho 7 hộ gia đình giáo viên mượn một phần khu đất nhà trường làm nhà ở với diện tích 1,761m2, đến nay đã gần 30 năm vẫn chưa thu hồi được.

Tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, khu đất Trường Thiếu niên 3 có diện tích hơn 87.000m2 đã bị Ban Giám hiệu phân chia đất cho học viên và sang nhượng đất cho nhiều người khác, hiện có 41 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trái phép 849.540m2.

Không những thế, nhiều thửa đất nằm ngay trung tâm thành phố, thế nhưng cơ quan quản lý Nhà nước “bỏ quên” để người dân lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Đơn cử, thửa đất 105, tờ bản đồ số 40-2 có diện tích 6.410,1m2 (tại phường Phú Hòa, thửa đất này đã giao về TP Thủ Dầu Một quản lý), hiện nay người dân lấn chiếm sử dụng làm bãi đậu xe; thửa 4278, tờ bản đồ số 2AB.3 (tại khu phố Thắng Lợi 1, đường Nguyễn An Ninh, TP Dĩ An) với diện tích 225,2m2 đã được giải tỏa bồi thường từ năm 2002, hiện đang bị 6 hộ dân lấn chiếm để sử dụng làm ki-ốt kinh doanh.

Khu đất có diện tích 30.613,2m2 tại phường An Bình (thuộc khu A gồm các mốc ranh từ 01 đến 07, số 34 đến 69 thuộc một phần thửa số 1684, tờ bản đồ 7AB), trước đây thuộc Công ty Đầu tư phát triển kinh tế Miền Núi quản lý, đã được UBND tỉnh thu hồi, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Dĩ An quản lý, nhưng hiện một số hộ dân lấn chiếm, sử dụng trái phép.

Trụ sở Sở Công thương do Sở Tài chính bán đấu giá chưa đúng quy định pháp luật về đấu giá tài sản và thẩm định giá. Ảnh: Ngân Nga

Bên cạnh đó, thửa 124, tờ bản đồ số 07 (tại xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, nay là TP Tân Uyên) có diện tích 4.299m2, hiện đang bị một số hộ dân sử dụng làm sân bóng tự phát.

Tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, khu đất di tích ấp kiểu mẫu Bến Tượng (thửa số 812, tờ bản đồ 28) có diện tích 1.772m2 bị hộ ông Trần Văn Thủ lấn chiếm trồng cây lâu năm và khu đất lô-cốt có diện tích 1.193m2 bị hộ ông Trần Đức Tuấn lấn chiếm sử dụng trồng cây lâu năm. Đến nay, UBND huyện Bàu Bàng đã tiến hành thanh tra, chỉ đạo UBND xã thu hồi diện tích bị lấn chiếm trái phép nhưng vẫn chưa thu hồi được.

Nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm, cho thuê không đúng quy định

Hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp của Bình Dương 10.633,86ha, được giao cho 7 đơn vị làm chủ rừng. Tuy nhiên, một số đơn vị quản lý rừng không chặt chẽ, không đúng đối tượng, để cá nhân, tổ chức lấn chiếm, sử dụng sai mục đích…

Điển hình, Ban Quản lý (BQL) rừng Tân Uyên giao khoán cho 5 hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú ngoài địa bàn huyện là vi phạm quy định tại khoản 2.3, mục 1, Thông tư 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ.

Ngoài ra, BQL rừng Tân Uyên còn để 34 hộ gia đình, cá nhân xâm canh với diện tích 107,5ha. Đồng thời, đơn vị này còn để dân tự ý chuyển đổi cây trồng và xây dựng nhà ở trên đất rừng với diện tích lớn 474,41ha.

Cho thuê môi trường rừng chưa đúng trình tự, thủ tục

Trong giai đoạn 2011 - 2019, UBND tỉnh Bình Dương thực hiện chưa đúng trình tự, thủ tục đối với Dự án “Trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng” do Công ty CPĐT Xuân Cầu Bình Dương làm chủ đầu tư. UBND tỉnh Bình Dương không có hồ sơ thẩm định năng lực của nhà đầu tư, không thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt chủ trương đầu tư với diện tích 797ha, thời hạn 50 năm. Sau đó, Sở Nông nghiệp ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng và bàn giao cho Công ty Xuân Cầu Bình Dương quản lý diện tích 535,85ha.

Từ khi phê duyệt dự án đến thời điểm thanh tra là 5 năm, chủ đầu tư chưa triển khai dự án, chưa nộp tiền thuê môi trường rừng, thuộc diện phải thu hồi dự án theo quy định tại Khoản 1, Điều 22, Luật Lâm nghiệp.

Điều đáng nói, đây là khu rừng phòng hộ của tỉnh Bình Dương và là lá phổi xanh góp phần trong việc điều hòa khí hậu cho các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, khu rừng còn có chức năng đặc biệt quan trọng phòng hộ, điều hòa nguồn nước cho hồ Dầu Tiếng.

Được biết, ngày 15/2/2022, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 911/QĐ-UBND thu hồi dự án này, với lý do dự án được phê duyệt chưa phù hợp quy định về trình tự, thủ tục và các quy định pháp luật hiện hành.

Mặc dù UBND tỉnh Bình Dương đã có động thái tích cực khắc phục hậu quả sau thanh tra. Tuy nhiên, để xảy ra vi phạm trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư là trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định.

Thanh tra Chính phủ còn kết luận, UBND tỉnh Bình Dương chưa kịp thời xử lý đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng theo quy định của Luật Đất đai.

6 dự án đã được UBND tỉnh kiểm tra và ban hành quyết định thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong; đối với 12 dự án được tỉnh Bình Dương cho phép gia hạn nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, trong đó có 3 dự án đã được cho phép gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng nhưng chưa xác định và thông báo tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung trong thời gian được gia hạn.

Bên cạnh đó, có 1 dự án mặc dù chưa lập thủ tục đất đai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định, nhưng vẫn được UBND tỉnh Bình Dương cho phép tiếp tục lập thủ tục đất đai từ năm 2017, đến nay chưa xử lý dứt điểm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập tại thành phố Vĩnh Long còn hạn chế

Vĩnh Long: Việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập tại thành phố Vĩnh Long còn hạn chế

(Thanh tra) - Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tổ chức kê khai, công khai tài sản, thu nhập tại thành phố Vĩnh Long còn một số hạn chế. Việc lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chưa đầy đủ, chính xác các đối tượng theo quy định. Ngoài ra, qua kiểm tra phát hiện một trường hợp được bổ nhiệm kế toán trưởng không đúng quy định.

Cảnh Nhật

20:41 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm