Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bài 1: Nhiều hạn chế trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra

Song Phương

Thứ sáu, 16/02/2024 - 15:19

(Thanh tra) - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Dương Quốc Huy vừa ký phát hành thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN); quản lý, sử dụng đất (SDĐ) đai, cấp phép khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại tỉnh Ninh Bình.

Toàn cảnh buổi công bố kết luận thanh tra tại Ninh Bình. Ảnh: LP

Chưa công khai quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo theo quy định

Kết luận thanh tra đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo thực hiện tại Văn bản số 853/VPCP-V.I ngày 3/2/2024 của Văn phòng Chính phủ, trong đó giao TTCP theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/4/2024.

Theo kết luận thanh tra, trong kỳ thanh tra, việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC, PCTN; quản lý, SDĐ đai, cấp phép khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được UBND tỉnh và sở, ngành, đơn vị, địa phương quan tâm, chú trọng; ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước; thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra kịp thời ngăn ngừa, khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN,TC và công tác PCTN đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, giúp ổn định tình hình địa phương…

Tuy nhiên, qua thanh tra, TTCP đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót. Cụ thể, công tác thanh tra, tiếp công dân, KN,TC và PCTN, giai đoạn 2016 - 2022, một số cơ quan, đơn vị không lập Kế hoạch tổ chức kiểm tra hàng năm theo quy định; còn có nội dung về chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở chưa được tuyên truyền thường xuyên; chưa chú trọng công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu; có đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thanh tra được phê duyệt; một số cuộc thanh tra chưa đảm bảo về trình tự, thủ tục theo quy định; một số cơ quan, đơn vị chậm ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; việc tiếp công dân định kỳ của một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa đủ số ngày theo quy định; công tác chỉ đạo, đôn đốc sau tiếp công dân chưa tốt, chưa kịp thời; việc phân loại, xử lý đơn còn nhầm lẫn về nội dung, chưa xem xét đúng bản chất vụ việc; một số vụ việc không ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khi công dân rút đơn; chậm thụ lý, chưa đảm bảo thời hạn giải quyết, chưa công khai quyết định giải quyết KN, kết luận TC theo quy định.

Tại buổi công bố, Phó Tổng TTCP Dương Quốc Huy đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện kết luận thanh tra, có báo cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định. Ảnh: LP

Một số cơ quan, đơn vị chưa lập kế hoạch tổ chức kiểm tra, tự kiểm tra theo quy định tại các Điều 55, 56 Luật PCTN 2018; chưa thực hiện tốt các quy định của Luật PCTN 2018 về công tác kê khai tài sản, thu nhập; công tác hướng dẫn việc kê khai chưa tốt; nhiều bản kê khai được kiểm tra chưa đúng, chưa phù hợp với hướng dẫn.

UBND tỉnh xác định nhu cầu, tiến độ SDĐ chưa chính xác

Đối với công tác quản lý SDĐ, giai đoạn 2011 - 2022, theo TTCP, UBND tỉnh Ninh Bình chậm ban hành quy định việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư có nội dung về thời gian miễn giảm tiền thuê đất không đúng quy định; phê duyệt kế hoạch SDĐ hàng năm của các huyện, TP trên địa bàn tỉnh chậm từ 0,5 đến 4 tháng; phê duyệt điều chỉnh kế hoạch SDĐ hàng năm của một số huyện, TP chưa đảm bảo theo quy định. Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch SDĐ, UBND tỉnh xác định nhu cầu, tiến độ SDĐ chưa chính xác; xác định khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch SDĐ thiếu khả thi nên các dự án (DA) đầu tư thực hiện chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu, chỉ tiêu quy hoạch SDĐ thấp, chưa đảm bảo quy định.

Một số DA sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, nhưng khi chủ đầu tư nhận chuyển nhượng không có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc chưa đủ điều kiện nhận chuyển nhượng; một số DA tại thời điểm chuyển mục đích SDĐ, giao đất, cho thuê đất không có trong kế hoạch SDĐ cấp huyện, không có quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, các DA này đã được cập nhật vào quy hoạch SDĐ thời kỳ 2011 - 2020.

Khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND các huyện, TP thực hiện giao đất ở tái định cư không thống nhất; UBND tỉnh cho thuê đất khi nhà đầu tư chưa thực hiện ký quỹ đầu tư theo khoản 2 Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận (GCN) đầu tư ghi quy mô một số DA quá chi tiết, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư khi DA có sự điều chỉnh nhỏ (phải thực hiện các trình tự, thủ tục để điều chỉnh lại GCN đầu tư).

Việc ghi trong GCN đầu tư của 3 cụm công nghiệp (CCN) nội dung: “Quá thời hạn 5 năm, chủ đầu tư không lấp đầy diện tích đất công nghiệp, không kêu gọi được nhà đầu tư thứ cấp thì UBND tỉnh sẽ thu hồi và chủ đầu tư không được bồi hoàn chi phí hạ tầng đã đầu tư” là thiếu khả thi, chưa phù hợp quy định của Điều 39 Luật Đầu tư 2014, Điều 64 Luật Đất đai 2013.

Việc chấp thuận chủ trương đầu tư Ban Quản lý các KCN cấp GCN đăng ký đầu tư cho 4 DA thương mại, dịch vụ là không phù hợp quy hoạch. Ảnh: Internet

Tại Khu công nghiệp (KCN) Phúc Sơn do Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc làm chủ đầu tư, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban Quản lý các KCN cấp GCN đăng ký đầu tư cho 4 DA thương mại, dịch vụ là không phù hợp quy hoạch chi tiết KCN Phúc Sơn (đất công nghiệp), chưa đảm bảo quy định khoản 1 Điều 51 Luật Xây dựng 2014, Khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư 2014; UBND tỉnh cho thuê đất đối với 3/4 DA thương mại, dịch vụ (nêu trên) không phù hợp với kế hoạch SDĐ, vi phạm Điều 52 Luật Đất đai 2013.

Chủ đầu tư DA hạ tầng KCN chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp GCN quyền SDĐ nhưng đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất, vi phạm khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013; Ban Quản lý các KCN cấp GCN đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện 6 DA trong KCN chưa đảm bảo hồ sơ yêu cầu theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014, điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020.

Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục DA SDĐ có lựa chọn nhà đầu tư đối với một số DA đô thị là không đúng về thẩm quyền, vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.

Cho thuê hàng nghìn ha đất không qua đấu giá

Có 65 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa với 391,86ha đất. Sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp được chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm, không thay đổi mục đích SDĐ.

Việc thực hiện bán đấu giá tài sản và quyền SDĐ đối với 62 cơ sở nhà đất khi chưa có phương án sắp xếp là không đúng quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong kỳ, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thực hiện đấu giá quyền SDĐ tại 425 khu dân cư, điểm dân cư nông thôn với tổng diện tích 708ha. Tuy nhiên, giai đoạn trước 8/2018, UBND tỉnh không phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định tại Điều 74 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Điều 3 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư các khu dân cư, điểm dân cư nông thôn. Ngoài ra, tỷ lệ xây dựng nhà tại các khu đấu giá quyền SDĐ thấp (24,74%), diện tích đất ở chưa xây dựng nhà còn nhiều (281,82ha), chưa phát huy được hiệu quả SDĐ.

Đến hết năm 2022, tổng diện tích đất công ích 5.528,07ha, chủ yếu cho các hộ gia đình, cá nhân thuê diện tích nhỏ lẻ để sản xuất nông nghiệp không thông qua đấu giá, với thời gian thuê từ 1 - 5 năm; đơn giá cho thuê không thống nhất, mà do các xã quyết định; còn lại 2.627,16ha (chiếm 48,51%) nhỏ lẻ, phân tán do UBND các xã, phường quản lý, chưa đưa vào khai thác sử dụng.

Còn 59 DA đã được giao đất, cho thuê đất nhung chưa được cấp GCNQSDĐ cho tổ chức, chủ yếu do chưa kê khai cấp GCN, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Việc dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp chưa được thực hiện tối ưu, còn diện tích đất công ích lớn bị phân tán, nhỏ lẻ, sử dụng kém hiệu quả; tiến độ thực hiện chậm, đến thời điểm thanh tra mới có 31/131 xã đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ với tỷ lệ đạt thấp (9,75%), chưa đảm bảo các nội dung quản lý nhà nước theo quy định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm