Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

UBND tỉnh Đắk Lắk nói gì sau phản ánh của Báo Thanh tra?

Ngân Nga - CTV Trần Hưng

Thứ năm, 20/04/2023 - 19:13

(Thanh tra) - Sau 2 tháng được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bất ngờ, Công ty TNHH Anh Quốc bị UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi đất. Điều đáng nói, hàng trăm ha cây trồng chết do hạn hán không được công nhận, nhiều hạng mục công trình và cây trồng trên đất không được đền bù, hàng trăm lao động là người đồng bào bỗng dưng mất việc.

Một số hạng mục Công ty Anh Quốc xây dựng trên đất bị thu hồi. Ảnh: Ngân Nga

Trước đó, Báo Thanh tra có bài viết phản ánh về việc Công ty TNHH Anh Quốc (Công ty Anh Quốc) bị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi đất sau 2 tháng chính tỉnh này cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc thu hồi khiến doanh nghiệp lao đao, công nhân mất việc, một số diện tích rừng bị lấn chiếm, chặt phá, chia lô, rao bán.

Phản hồi đến Báo Thanh tra, UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty Anh Quốc là đúng theo quy định pháp luật về đất đai. Bởi vì tại thời điểm thanh tra (sau khi đã hết thời gian gia hạn), Công ty Anh Quốc vẫn chưa đưa đất vào sử dụng để tiếp tục triển khai việc trồng rừng và cao su theo dự án đầu tư đã được phê duyệt, thuộc trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai năm 2013.

Do đó, nội dung Công ty Anh Quốc đề nghị UBND tỉnh thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 404/QĐ-UBND ngày 23/02/2017 và bồi thường thiệt hại là không có căn cứ, không có cơ sở để xem xét.

Tuy nhiên, Công ty Anh Quốc cho rằng, việc UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi đất với lý do công ty không đưa đất vào sử dụng là chưa thỏa đáng. Bởi thực tế, công ty đã đã triển khai xây dựng nhà văn phòng, nhà ăn, nhà ở cho công nhân, khai hoang 100ha đất và trồng thí điểm 94,33ha cây cao su, trồng 40ha cây keo lai ở các khoảng đất trống vào các năm 2011, 2012, 2013.

Ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Anh Quốc cho biết: "Công ty bị thu hồi hàng ngàn ha đất nhưng không được đền bù tài sản đã đầu tư trên đất. Hơn nữa, nguyên nhân cây trồng chết do hạn hán là tình trạng chung của địa phương ở thời điểm đó nhưng không được tỉnh công nhận, hỗ trợ là chưa khách quan. Đặc biệt, quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Đắk Lắk đã ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm lao động là người đồng bào đang làm việc cho công ty".

Theo phản ánh, mùa khô năm 2013-2014, nắng hạn kéo dài, đất khô cằn khiến cây trồng bị chết, thất thoát khoảng 30% trên tổng diện tích. Đến năm 2014-2015, toàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chịu đợt khô hạn kéo dài hơn 6 tháng, vườn cao su và keo lai của công ty chết khô đến 60% - 70%.

Thời điểm này, công ty đã báo cáo gửi UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình trạng cây trồng bị chết. Tuy nhiên, tỉnh và các cơ quan liên quan chưa quan tâm đến lời kêu cứu của công ty.

“Ngay sau khi được UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định cho thuê đất, công ty đã nhanh chóng đưa đất vào sử dụng đúng mục đích. Việc một tỷ lệ lớn diện tích cây trồng bị chết do hạn hán là nằm ngoài tầm kiểm soát, là nguyên nhân khách quan. Không hiểu vì sao UBND tỉnh Đắk Lắk không những không hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất mà còn bất chấp ra quyết định thu hồi đất?” ông Tùng thắc mắc.

Liên quan đến sự việc, một cán bộ xã Cư M’lan thông tin, thời điểm năm 2014, 2015 có một đợt hạn hán rất khốc liệt, riêng ở xã Cư M’lan diện tích cây trồng bị chết là 40% - 50%. Thời điểm đó, xã cũng đã báo cáo số liệu lên cấp trên và báo chí cũng viết nhiều đăng trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, ngày 12/1/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk có Quyết định số 65/QĐ-UBND, cho công ty thuê 1165,2ha đất tại tiểu khu 293, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp để sử dụng vào mục đích thực hiện dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng.

Sau khi có quyết định giao đất, ngày 14/3/2011, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Lắk cấp GCNQSDĐ số BA 674578 cho Công ty Anh Quốc, với tổng diện tích 1165,2ha.

UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi đất sau 2 tháng cấp GCNQSDĐ. Ảnh Trần Hưng.

Ngày 5/7/2013, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cấp GCNQSDĐ số BE 925601 đối với diện tích 943.335m2 gồm 8 thửa đất thực hiện dự án trồng cao su.

Đến ngày 23/12/2016 Sở TN&MT cấp lại GCNQSDĐ CG 050306 với diện tích 10.708.182,7m2, gồm 352 thửa thuộc tờ bản sồ số DC08 xã Cư M’lan, huyện Ea Súp. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 12/1/2061.

Ngày 8/12/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản số 9960/UBND-TH đồng ý cho Công ty Anh Quốc hợp tác với Công ty Đại Khánh - đại diện Tập đoàn Canadian Solar khảo sát, lập đề xuất Dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời với công suất dự kiến 350Mw, quy mô 700ha tại tiểu khu 293 xã Cư M’lan, huyện Ea Súp (diện tích đất tại thời điểm đó do Công ty Anh Quốc đang quản lý để thực hiện dự án trồng thí điểm cao su, trồng rừng và quản lý bảo vệ rừng).

Trong khi Công ty Anh Quốc đang phối hợp với đối tác, khảo sát và lập đề án theo Văn bản số 9960 của UBND tỉnh Đắk Lắk thì bất ngờ ngày 23/2/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk lại ra Quyết định số 404/QĐ-UBND, thu hồi 1.165,2ha đất tại tiểu khu 293 xã Cư M’lan, huyện Ea Súp thuộc dự án trồng cao su, trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng của Công ty Anh Quốc giao cho huyện quản lý.

Lý do gì mà sau khi vừa mới đồng ý cho Công ty Anh Quốc lập đề xuất khảo sát nhà máy điện năng lượng mặt trời rồi lại thu hồi đất? Lý do gì cùng một lúc UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho nhiều công ty khác vào khảo sát cùng vị trí thửa đất đã từng cấp cho Công ty Anh Quốc?

Phải chăng vì sự chồng chéo và bất cập trong công tác quản lý của UBND tỉnh Đắk Lắk khiến tình hình an ninh, trật tự ở khu vực này trở nên phức tạp, doanh nghiệp mất niềm tin, công tác bảo vệ, phát triển rừng bị bỏ ngỏ?

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm