Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 06/06/2013 - 06:39
(Thanh tra)- Trong quá trình giải quyết khiếu nại (KN), Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội đã ủy quyền cho Chánh Thanh tra quận thực hiện đối thoại với các hộ dân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người dân đã không đồng tình với cách đối thoại của Chánh Thanh tra quận.
Luật sư Nguyễn Tất Thắng, Công ty Luật SMiC
>>Cần công khai phương án bồi thường
>>Mời dân đối thoại để công bố dự thảo kết luận thanh tra
>>Chính quyền làm sai, sao dân đồng thuận
Trong các số báo trước, Báo Thanh tra đã thông tin về những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đường 2,5, trong đó có các nội dung KN của nhân dân và cách giải quyết của UBND quận Hoàng Mai. Hiện nay, vướng mắc lớn nhất là quan điểm trong áp dụng chính sách pháp luật của chính quyền và người dân có nhiều điểm khác nhau.
Ngày 22/1/2013, các hộ dân gửi đơn KN quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai. Sau đó, Chủ tịch UBND quận đã giao Chánh Thanh tra quận tiến hành xác minh, để có cơ sở trả lời người KN. Thay vì báo cáo Chủ tịch UBND quận và đề xuất phương hướng giải quyết KN thì Chánh Thanh tra lại dùng chính báo cáo xác minh của cơ quan thanh tra để trả lời dân. Đến khi thực hiện ủy quyền của Chủ tịch UBND quận tham gia đối thoại với dân vào ngày 3/6/2013 thì Chánh Thanh tra tuyên bố nội dung đối thoại chỉ xoay quanh chính bản báo cáo xác minh do cơ quan thanh tra quận thực hiện (không có dấu và chữ ký) cũng như dự thảo quyết định giải quyết KN của Chủ tịch UBND quận. Vậy, việc giải quyết KN của ông Chánh Thanh tra như trên có đúng pháp luật?
Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện và khách quan về nội dung này, PV Báo Thanh tra đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tất Thắng, Công ty Luật SMiC.
+ Thưa luật sư, pháp luật quy định về việc thụ lý giải quyết KN và thời hạn giải quyết KN lần đầu như thế nào?
- Các nội dung về KN và giải quyết KN được quy định cụ thể tại Luật KN, có hiệu lực từ ngày 1/7/2012. Tại Điều 27 quy định, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được KN thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết KN lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người KN, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển KN đến và cơ quan thanh tra Nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.
Thời hạn giải quyết KN lần đầu, theo quy định tại Điều 28 là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết KN không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
+ Việc Chánh Thanh tra quận Hoàng Mai ban hành báo cáo kết quả xác minh trả lời KN của công dân như trên liệu có đúng quy định về giải quyết KN?
- Điều 29 Luật KN quy định, trong thời hạn quy định tại Điều 28 nêu trên, người có thẩm quyền giải quyết KN lần đầu có trách nhiệm kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu KN đúng thì ra quyết định giải quyết KN ngay;
Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung KN thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung KN hoặc giao cơ quan thanh tra Nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) xác minh nội dung KN, kiến nghị giải quyết KN. Việc xác minh phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời.
Điều 25 Luật KN cũng quy định rõ thẩm quyền của chánh thanh tra các cấp là “giúp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết KN thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp khi được giao”.
Cũng theo quy định tại Điều 6, khoản 3 Luật KN, thì Nhà nước cấm “ra quyết định giải quyết KN không bằng hình thức quyết định”.
Vì thế, việc Thanh tra quận trả lời đơn KN của công dân đối với quyết định của Chủ tịch UBND quận bằng báo cáo kết quả xác minh là sai.
+ Khi giải quyết KN, tại sao phải tổ chức đối thoại? Nội dung đối thoại là gì? Người đối thoại có được ủy quyền cho người khác?
- Trong quá trình giải quyết KN lần đầu, nếu yêu cầu của người KN và kết quả xác minh nội dung KN còn khác nhau thì người giải quyết KN tổ chức đối thoại với người KN, người bị KN, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung KN, yêu cầu của người KN và hướng giải quyết KN; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ (điều 30 Luật KN).
Điều 13 Luật này quy định người bị KN có nghĩa vụ tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại. Vì thế, trong trường hợp này Chủ tịch UBND quận ủy quyền cho Chánh Thanh tra quận tham gia đối thoại là đúng quy định pháp luật.
Khi đối thoại, người giải quyết KN phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung KN; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến KN và yêu cầu của mình. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết KN.
+ Xin luật sư cho biết, trường hợp quá thời hạn mà người có thẩm quyền giải quyết KN không ban hành quyết định giải quyết KN thì người dân có quyền gì?
- Khoản 1, Điều 7 Luật KN quy định, trường hợp quá thời hạn quy định mà KN không được giải quyết thì người KN có quyền KN lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết KN lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính.
+ Xin trân trọng cảm ơn luật sư!
Vi Sa (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Thi vừa có văn bản về việc giải quyết đề nghị của Hiệp hội Phát triển chợ tỉnh về quản lý, chấm dứt tình trạng tổ chức kinh doanh chợ dưới dạng hộ gia đình, nhóm và chợ có trên địa bàn tỉnh.
Hương Trà
09:54 05/12/2024(Thanh tra) - Khi việc phân cấp quản lý chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đang còn có lúng túng, chưa thống nhất khiến dư luận quan tâm trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Trị đã nêu rõ “phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục từ tỉnh đến huyện…”.
Minh Tân
21:00 02/12/2024Lê Hữu Chính
14:13 27/11/2024Hải Viên
08:15 26/11/2024Thanh Hoa
11:21 11/11/2024Khánh Anh
15:00 04/11/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh