Theo dõi Báo Thanh tra trên
Văn Thanh
Thứ sáu, 13/05/2022 - 23:13
(Thanh tra) - Liên quan đến loạt bài “Cần xử lý hình sự để răn đe “đất tặc” đục khoét núi đồi” và bài “Cát tặc đục khoét các lòng sông” mà Báo Thanh tra vừa phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang vừa có ý kiến chỉ đạo “nếu cần thiết đề xuất Công an tỉnh lập chuyên án điều tra, xử lý vi phạm”.
Mỏ của Công ty Mai Hương D-L khai thác ra ngoài diện tích cấp phép. Ảnh: VT
Dừng hoạt động 2 mỏ đất khai thác ngoài vị trí cấp phép
Báo Thanh tra vừa nhận được Văn bản số 1122/UBND-TP đề ngày 1/5/2022 (ký đúng ngày cả nước nghỉ lễ 30/4 và 1/5) do ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành ký.
Theo đó, huyện đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời có văn bản tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản ở 2 mỏ đất của Công ty TNHH Một thành viên Mai Hương D-L (Cty Mai Hương) tại thôn Cầu Rồng, xã Thành Thọ và mỏ đất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ quốc tế Minh Quang (Cty Quang Minh) tại thôn 2, xã Thành An. (Báo Thanh tra đã phản ánh về tình trạng “đất tặc” phá núi đồi, khai thác đất trái phép).
Lý do tạm dừng khai thác, 2 công ty này đã để mất mốc giới, khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép.
Ngoài ra, hộ ông Quách Công Thuận ngay sát mỏ đất của Cty Mai Hương cũng đã bị lập biên bản vi phạm về việc san gạt múc đất, cải tạo đất mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật.
Mặc dù vậy, tại văn bản nói trên, ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành lại cho rằng: “Việc phản ánh của Báo Thanh tra là không chính xác, không điều tra rõ ràng, không có chứng cứ đã dùng từ ngữ quy kết “đất tặc” đục khoét phá tan hoang từng quả đồi, dùng xe vận tải cỡ lớn vận chuyển trong một thời gian dài nhưng chính quyền sở tại không hề hay biết, "thông đồng" từ trên xuống dưới, "bảo kê" đất tặc rút ruột tài nguyên là không đúng, xúc phạm uy tín của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, dùng lời lẽ phản cảm, thiếu căn cứ, đưa thông tin thiếu trung thực, thiếu tính xây dựng, dễ gây hiểu nhầm và gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương".
Ông Sơn đề nghị cải chính thông tin, xử lý trách nhiệm phóng viên viết bài.
Qua nội dung "phản bác" của UBND huyện Thạch Thành, chúng tôi khẳng định: Tại thời điểm phóng viên tác nghiệp, điều tra về vụ việc này UBND huyện Thạch Thành chưa kiểm tra việc đất tặc đục khoét núi đồi như Báo Thanh tra phản ánh.
Ngày 19/4/2022, UBND huyện Thạch Thành mới cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, lập biên bản làm việc đối với 2 doanh nghiệp nói trên và hộ gia đình ông Quách Công Thuận.
Tại Biên bản làm việc số 01/BB-LV của UBND huyện Thành Thành thể hiện Cty Mai Hương khai thác ra ngoài vị trí cấp phép 832m2, chiều cao trung bình 1,5m, khối lượng đất đã khai thác là 1.248m3 (trên diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho hộ gia đình sử dụng, số hiệu khu đất số 61, lô 06, khoảnh 2, tiểu khu 2, bản đồ giao đất lâm nghiệp xã Thành Thọ lập năm 1995).
Biên bản làm việc này còn thể hiện, hộ ông Quách Công Thuận sử dụng đất lâm nghiệp liền kề đã san gạt múc đất, cải tạo đất lâm nghiệp, làm biến dạng địa hình thửa đất mà chưa xin phép cơ quan chức năng, diện tích hủy hoại đất lên đến 9.900m2.
Tại Biên bản làm việc số 02/BB-LV của UBND huyện Thạch Thành thể hiện Cty Minh Quang khai thác ra ngoài vị trí cấp phép là 911m2, chiều cao trung bình 1,6m, tổng khối lượng đất đã khai thác 1.457,6m3 trên diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho hộ gia đình sử dụng, ký hiệu khu đất số 4a, lô 001, khoảnh 2, tiểu khu 340a, bản đồ giao đất lâm nghiệp xã Thành An lập năm 1996. Các bên khai thác, hủy hoại đất lâm nghiệp trái phép cũng đã ký nhận vào biên bản làm việc, đồng thời cam kết chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.
Chỉ cần cộng dồn con số 1.248m3 đất của Cty Mai Hương và 1.457,6m3 đất của Cty Minh Quang khai thác trái phép đã là 2.705m3 đất. Như vậy, nội dung "nhiều nghìn m3 đất bị đất tặc phá tan hoang từng quả đồi" mà tác giả nêu là hoàn toàn đúng.
Với khối lượng đất lớn như thế này, nếu không dùng xe ô tô cỡ lớn để vận chuyển (có chứng cứ do người dân cung cấp) để đưa đi tiêu thụ thì bằng cách nào mà 2.705m3 đất này có thể đưa ra khỏi địa bàn huyện Thạch Thành?
Báo cáo số 98/BC-UBND ngày 28/4/2022 của ông Bùi Quốc Tự, Chủ tịch UBND xã Thành Thọ báo cáo UBND huyện Thạch Thành về các nội dung Báo Thanh tra phản ánh, trong đó cho biết: "Trước đó, ngày 15/1/2022 và ngày 14/4/2022 UBND xã Thành Thọ đã có biên bản làm việc tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản của Cty Mai Hương. Tại các buổi kiểm tra đã phát hiện Cty này làm mất mốc giới tại khu vực đang khai thác nên đoàn kiểm tra đã yêu cầu Cty dừng hoạt động và khôi phục lại mốc giới mỏ. Việc xác định Cty Mai Hương có khai thác ra ngoài khu vực được cấp phép hay không thì do không còn mốc giới và UBND xã không có thiết bị đo đạc nên không xác định chính xác được".
Qua nội dung báo cáo này, lẽ ra với trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thì ngay từ tháng 1/2022, UBND xã Thành Thọ và UBND huyện Thạch Thành đã phải phối hợp tiến hành kiểm tra, đo đạc lại việc Cty Mai Hương làm mất mốc giới mỏ như thế nào, xác định đơn vị này có khai thác tài nguyên khoáng sản ra ngoài mốc giới mỏ hay không để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Đằng này, mãi đến ngày 19/4/2022 thì UBND huyện Thạch Thành mới cùng các đơn vị chức năng, UBND xã Thành Thọ kiểm tra, xác định vị trí khai thác ngoài mốc giới, diện tích bị khai thác, khối lượng đất đưa đi, diện tích đất bị hủy hoại của Cty Mai Hương và Cty Minh Quang và hộ ông Quách Công Thuận.
Trong khi đó, nội dung phóng viên phản ánh ý kiến của người dân "Cty Mai Hương đã khai thác ra ngoài vị trí cấp phép mỏ rất nhiều diện tích, với khối lượng đất lớn được đưa ra khỏi hiện trường để tiêu thụ trong một thời gian dài mà chính quyền địa phương không hề hay biết" là hoàn toàn có cơ sở.
2 lần UBND xã Thành Thọ phát hiện Cty Mai Hương làm mất mốc giới mỏ là ngày 15/1/2022 và ngày 14/4/2022 nhưng đến ngày 19/4/2022 (tức sau hơn 3 tháng) so với thời điểm phát hiện mất mốc giới lần đầu của UBND xã Thành Thọ thì UBND huyện Thạch Thành mới thành lập đoàn kiểm tra, xác định được vi phạm khai thác khoáng sản ra ngoài mốc giới của Cty Mai Hương là khoảng thời gian quá dài. Hơn ba tháng, phải kiểm tra đến ba lần vi phạm thì thử hỏi việc ngăn chặn, xử lý của chính quyền của xã Thành Thọ và huyện Thạch Thành đã thực sự nghiêm minh, triệt để?
Từ những dấu hiệu kiểm tra "mập mờ" như đã phân tích ở trên, Báo Thanh tra phản ánh "phán đoán" của người dân địa phương: "Nếu không có sự thông đồng của các bên gồm chủ đất, chính quyền và đất tặc thì chắc chắn khối lượng đất lớn không thể nào dễ dàng lọt ra khỏi địa bàn xã Thành Thọ một cách an toàn đến như vậy" là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vì, chỉ cần làm một phép tính đơn giản, một xe ô tô tải chở được chỉ được từ 15 đến 20m3/lượt, trong khi Cty Mai Hương và Cty Minh Quang khai thác trái phép tới 2.705m3 đất thì phải mất đến hàng trăm lượt xe ô tô vận chuyển đưa đất đi tiêu thụ. Trong khoảng thời gian các đơn vị khai thác, vận chuyển đất trái phép mà có đến hàng trăm lượt xe tải qua lại trên địa bàn mà tại sao chính quyền xã Thành Thọ và UBND huyện Thạch Thành không phát hiện, xử lý kịp thời?
Do đó, việc phóng viên đặt câu hỏi có hay không một đường dây "thông đồng" từ trên xuống dưới, "bảo kê" cho đất tặc rút ruột tài nguyên và phản ánh những "phán đoán" của người dân về sự hoài nghi có sự "thông đồng" giữa chủ đất, chính quyền, đất tặc cũng là điều dễ hiểu.
Cần xử lý cá nhân, tập thể để xảy ra nạn đất tặc hoành hành
Thời gian qua không chỉ Báo Thanh tra mà nhiều cơ quan báo chí khác cũng phản ánh về tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn huyện Thạch Thành. Do đó, để xử lý triệt để tình trạng này, tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo các ban, ngành chức năng tổ chức kiểm tra thực tế, đo đếm khối lượng cụ thể từng địa điểm bị khai thác, làm rõ động cơ, mục đích, cách quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, có hay không việc buông lỏng quản lý tài nguyên khoáng sản của chính quyền từ huyện đến xã. Từ đó, kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật cụ thể đối với từng cá nhân, tập thể được giao, phân công, theo dõi mảng tài nguyên khoáng sản nhưng để xảy ra tình trạng đất tặc đục khoét núi đồi. Nếu những động thái cứng rắn như thế này được thực hiện thì mới đủ sức răn đe, nạn trộm cắp tài nguyên đất đai mới hi vọng thuyên giảm.
Liên quan đến bài “Cát tặc đục khoét các lòng sông”, ngày 6/5/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản (hỏa tốc số 6173/UBND-CN) gửi các sở, ban ngành chức năng chỉ đạo: Các phòng, ban, đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh trên Báo Thanh tra. Kiên quyết xử lý các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/5/2022.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì với Sở Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và các ngành đơn vị có liên quan, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị liên quan, đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh (nếu cần thiết, đề xuất phương án giao Công an tỉnh lập chuyên án điều tra, xử lý việc vi phạm pháp luật việc khai thác cát sỏi trên địa bàn, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25/5/2022).
Ngay sau khi có chỉ đạo này, ngày 7/5/2022 trực tiếp ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản đã cùng đoàn công tác kiểm tra “đột xuất” các huyện Nga Sơn, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa.
Tại hiện trường kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tạm dừng hoạt động tập kết, kinh doanh cát tại bãi thị trấn Thiệu Hóa của Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Thanh Tâm; tạm dừng hoạt động bãi cát tập kết cát tại xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa của Tổng Công ty Xây dựng Thương mại Hưng Đô.
Lý do tạm dừng hoạt động, tại thời điểm kiểm tra 2 bãi tập kết kinh doanh cát này chưa thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường theo hồ sơ cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa hạ thấp chiều cao tại các bãi tập kết để đảm bảo tiêu thoát lũ; chưa thực hiện xuất phiếu/hóa đơn bán cát theo quy định của cơ quan thuế; phương tiện vận chuyển còn tồn tại hiện tượng cơi nới thành thùng, quá trình vận chuyển còn tại tình trạng xe quá khổ, quá tải, gây ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, giao thông; chưa lắp đặt trạm cân, camera; chưa thực hiện công bố quy định chất lượng cát, sỏi xây dựng theo quy định. Đối với bãi tập kết cát tại xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn yêu cầu UBND huyện Nga Sơn tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định.
Như vậy, những nội dung Báo Thanh tra phản ánh đã và đang được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vào cuộc xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Qua đây, đã thể hiện được tinh thần cầu thị, tiếp thu những nội dung của báo chí phản ánh của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời thể hiện được tinh thần báo chí đồng hành cùng chính quyền thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngay sau khi Báo Thanh tra đăng tải bài viết “Hà Nội: Nỗi lo ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới hàng nghìn người dân tại quận Long Biên”, UBND phường Đức Giang đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại ngõ 67 phố Đức Giang chấm dứt hoạt động, tháo dỡ máy móc di chuyển ra khỏi khu vực.
Thanh Hoa
11:21 11/11/2024(Thanh tra) - Liên quan đến việc xử lý những vi phạm trong quá trình thực hiện gói thầu mua sắm bồn nước, bà Hoàng Thị Lan, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa đã bị kỷ luật cảnh cáo. Thế nhưng, việc làm rõ những sai phạm, xử lý những cá nhân, đơn vị có liên quan vẫn đang được dư luận quan tâm.
Khánh Anh
15:00 04/11/2024Lê Hữu Chính
11:03 02/11/2024Công Thắng - Nguyễn Long
13:46 30/10/2024Bảo Trân
16:32 27/10/2024Lê Hữu Chính
10:38 17/10/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền