Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đánh bạc từ bao nhiêu tiền thì bị xử lý hình sự?

Thứ hai, 13/02/2017 - 09:07

Pháp luật quy định quy mô đánh bạc lớn thì bị xử lý hình sự. Một vụ đánh bạc quy mô lớn có ít nhất 10 con bạc, số tiền đánh bạc có giá trị từ 2 triệu đồng

Cờ bạc là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm với mức xử lý hình sự cao nhất có thể lên tới 10 năm. Pháp luật hình sự và pháp luật hành chính quy định thế nào về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên VOV với Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Liên đoàn luật sư Việt Nam) qua vụ án ở tỉnh Bắc Ninh. Trong vụ án này, cơ quan chức năng đã thu được hơn 5 tỷ đồng tại chiếu bạc sau khi phá án.

Các đối tượng tham gia vụ đánh bạc bị đưa về nơi tạm giữ (Ảnh: Tiền Phong)

Theo cáo trạng, Dương Anh Đức và Khuất Thị Hương (cùng ở Bắc Ninh) bàn nhau cùng mở sới bạc bằng hình thức xóc đĩa nhằm thu tiền kiếm lời. Đức và Hương đặt ra quy định, khi vào sới bạc, các con bạc phải nộp tiền phế 1 triệu đồng/người/ca; các đối tượng đến sới để cho các con bạc vay tiền gọi là “làm tín dụng” phải nộp 500.000 đồng/người/ca.

Ngày 29/11/2012, khoảng 200 cảnh sát của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm bất ngờ ập vào bao vây, khống chế nhóm tay chân cảnh giới, nhanh chóng đột kích vào trung tâm sới bạc. 104 đối tượng đã bị tạm giữ và hơn 5 tỷ đồng tiền mặt trên chiếu bạc đã bị cảnh sát thu giữ.

Theo điều tra, con bạc mang ít tiền nhất là 1,5 triệu đồng, nhiều nhất là 220 triệu đồng.

PV: Khoản 1 Điều 249 BLHS quy định người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính vì hành vi quy định tại điều này hoặc Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 300 triệu hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Vậy với các hành vi thuê địa điểm mở sới bạc, cầm cái, thu tiền phế… của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội danh theo những quy định vừa nêu chưa, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Hành vi tổ chức đánh bạc là những hành vi cần thiết cho việc đánh bạc có thể diễn ra, từ hành vi rủ rê, tập hợp những người đánh bạc đến để chuẩn bị địa điểm và những điều kiện cần thiết khác cũng như điều hành việc đánh bạc. Hành vi gá bạc là hành vi tạo điều kiện về địa điểm cho việc đánh bạc để thu lợi. Người có hành vi tổ chức đánh bạc và người có hành vi gá bạc có thể là một hoặc những người khác nhau. Hành vi gá bạc cũng là một biểu hiện của hành vi tổ chức đánh bạc. Do đó, người phạm tội gá bạc phải là người không có hành vi tổ chức đánh bạc mà chỉ có hành vi tạo điều kiện về địa điểm cho việc đánh bạc để thu lời. Ví dụ: cho thuê địa điểm để tổ chức đánh bạc, hoặc cho người khác sử dụng địa điểm của mình đánh bạc để thu hồ, thu tô. Những người có hành vi nêu trên sẽ phạm vào tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

Theo quy định này, hành vi mở sới bạc với hình thức xóc đĩa để kiếm lời, chuẩn bị địa điểm, phương tiện, công cụ, lôi kéo con bạc đến đánh bạc, thuê người thu hồ, thu phế… đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định ở Điều 249 BLHS.

Thu giữ tang vật tại sới bạc (Ảnh: Tiền Phong)

PV: Pháp luật quy định quy mô đánh bạc lớn thì mới bị xử lý hình sự. Vậy quy mô lớn là như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Luật không thể quy định hết và chi tiết được trong luật đối với các điều khoản, tình tiết để xử lý hình sự. Do đó, để hiểu cụm từ “quy mô lớn”, chiếu theo Nghị quyết 01/2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định, quy mô lớn là tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ 10 người đánh bạc trở lên, từ 2 chiếu bạc trở lên, số tiền và hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ 2 triệu đến dưới 50 triệu.

Tổ chức cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc, lắp đặt trang thiết bị phục vụ việc đánh bạc, phân công người cảnh giới khi đánh bạc, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng các phương tiện như ô tô, xe máy, điện thoại để trợ giúp cho việc đánh bạc cũng là quy mô lớn. Hoặc tổng số tiền hay hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.

Đối với những hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị xử lý hành vi vi phạm theo quy định ở Nghị định 167 của Chính phủ, quy định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự và phòng chống các tệ nạn xã hội.

PV: Trong vụ án ở Bắc Ninh, khi vây bắt, công an đã thu giữ tại sới bạc số tiền mặt hơn 5 tỷ đồng, con bạc mang trong người ít nhất là 1,5 triệu đồng, nhiều nhất là 220 triệu đồng, có tới 104 đối tượng bị tạm giữ. Vậy liệu có phải cả 104 đối tượng đều bị xử lý hình sự hay không. Nếu tất cả đều bị truy tố và đưa ra xét xử, thì có phải ra tòa cùng lúc để thẩm vấn không?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Thông số PV vừa nêu thể hiện đây là vụ đánh bạc khá lớn, về quy mô, mức độ, số tiền và số người tham gia. Số tiền lên tới hơn 5 tỷ đồng, bao gồm số tiền đã, đang sử dụng vào việc đánh bạc; số tiền thu giữ trên người các đối tượng đánh bạc.

Sới bạc có thể có nhiều chiếu bạc với số lượng người khác nhau và số tiền dùng đánh bạc khác nhau, số tiền mỗi người có cũng khác nhau. Chúng ta phải hiểu rằng các yếu tố về nhân thân của các đối tượng khác nhau có thể có người sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án về tội đánh bạc từ trước đó, hoặc tội tổ chức đánh bạc; nhưng cũng có người trước đây chưa vi phạm, nhân thân tốt, và có khi chỉ đến xem đánh bạc.

Vì vậy, mức độ đánh giá ở mỗi một người để làm căn cứ khởi tố bị can cũng khác nhau. Về mặt nguyên tắc, ai đã bị khởi tố mà không được miễn sẽ phải ra tòa; những người còn lại có thể là nhân chứng và tùy theo tính chất, mức độ, hành vi, khi xét xử, thẩm phán tòa án có thể triệu tập người đó ra tòa để thẩm vấn công khai tại phiên tòa nhằm làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án.

Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ đánh bạc

PV: Ngoài những người tổ chức sới bạc, thì còn rất nhiều người khác làm nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ bên trong và ngoài sới bạc, lôi kéo người tới đánh bạc; làm nhiệm vụ sóc cái, hồ lỳ, thu phế, dọn dẹp… Những người được chủ sới thuê làm việc có bị coi là phạm tội có tổ chức, có bị xử lý hình sự không?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Những người được chủ sới thuê đều biết việc mình làm là để phục vụ cho việc tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Thế nhưng họ vẫn thực hiện những công việc được thuê làm, do đó theo quy định tại Điều 20 BLHS, họ có thể bị coi là đồng phạm trong tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

Tuy nhiên, cũng phải xem xét việc có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác: nhân thân, tính chất, hành vi thành khẩn… Nếu việc tham gia của họ là tích cực, vai trò trong việc thực hiện tội phạm là lớn thì sẽ phải khởi tố; nếu không tích cực, vai trò không lớn, mức độ của hành vi không nguy hiểm, không đáng kể, nhân thân tốt thì các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể miễn trách nhiệm hình sự, không truy cứu họ và có thể xử phạt hành chính.

PV: Những đối tượng “làm tín dụng” ở sới bạc, họ cho con bạc vay tiền để đánh bạc thì bị xử lý hình sự về tội tổ chức đánh bạc hay tội cho vay lãi nặng?

Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Đối với những đối tượng cho vay tại sới bạc, nếu không tham gia tổ chức đánh bạc, gá bạc thì hành vi của họ sẽ không cấu thành các tội này.

Hành vi cho vay tiền với lãi suất cao chỉ cấu thành tội cho vay nặng lãi theo quy định tại Điều 163 BLHS; khi mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất pháp luật quy định, từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột – người cho vay lấy tiền thu lãi là nguồn thu chính của mình, lấy việc cho vay nặng lãi là một nghề để kiếm sống thì sẽ bị khởi tố.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005, quy định lãi suất các bên thỏa thuận không được đặt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Quy định ở Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, mức lãi suất trong các giao dịch do các bên thỏa thuận nhưng cao nhất không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay trừ trường hợp luật khác có quy định khác. Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, hành vi cấu thành tội phạm này là hành vi cho vay với lãi suất cao gấp 5 lần lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30-100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích.

Nếu những đối tượng cho vay tại sới bạc không đủ yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng, không tham gia vào tổ chức đánh bạc thì họ có thể bị xử phạt về vi phạm hành chính

Như vậy, có thể nói luật pháp của ta xử lý rất nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm quy định về pháp luật hình sự trong tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Theo PV/VOV.VN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Chỉ đạo chấm dứt tình trạng tổ chức kinh doanh chợ dưới dạng hộ gia đình, nhóm và chợ cóc

Thanh Hoá: Chỉ đạo chấm dứt tình trạng tổ chức kinh doanh chợ dưới dạng hộ gia đình, nhóm và chợ cóc

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Thi vừa có văn bản về việc giải quyết đề nghị của Hiệp hội Phát triển chợ tỉnh về quản lý, chấm dứt tình trạng tổ chức kinh doanh chợ dưới dạng hộ gia đình, nhóm và chợ có trên địa bàn tỉnh.

Hương Trà

09:54 05/12/2024
UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu thực hiện nghiêm túc Nghị định số 127/2018/NĐ-CP

UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu thực hiện nghiêm túc Nghị định số 127/2018/NĐ-CP

(Thanh tra) - Khi việc phân cấp quản lý chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đang còn có lúng túng, chưa thống nhất khiến dư luận quan tâm trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Trị đã nêu rõ “phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục từ tỉnh đến huyện…”.

Minh Tân

21:00 02/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm