Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tự hào vì ngành Thanh tra luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó

Phương Hiếu (Thực hiện)

Thứ năm, 11/02/2021 - 09:40

(Thanh tra) – Những ngày giáp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021, niềm vui như được nhân đôi với những người làm công tác thanh tra khi một trong năm Ủy viên Trung ương Đảng được bầu vào Ban Bí thư là Tổng Tư lệnh ngành Thanh tra. Chia sẻ niềm vui chung của toàn ngành, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Đức Lượng cho biết, đây sự kiện lịch sử của Ngành được lặp lại sau hơn 50 năm.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng. Ảnh: PH

- Thời gian qua, ông vẫn luôn có những đóng góp tích cực vào công tác xây dựng thể chế và phòng, chống tham nhũng của ngành Thanh tra. Ông có thể chia sẻ đôi nét suy nghĩ của mình trước việc lãnh đạo của Ngành được tín nhiệm bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng?

+ Nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng: Với kết quả thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, qua Báo Thanh tra, trước hết tôi xin chúc mừng cá nhân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, tiếp đó là chúc mừng cơ quan TTCP và chúc mừng ngành Thanh tra. Ngoài ra, tôi cũng xin chúc mừng cả những đồng chí từng công tác trong ngành Thanh tra đã được Đảng và Nhà nước tín nhiệm trong kỳ đại hội này.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công tốt đẹp như đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Đây là sự kiện lịch sử của nhân dân Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. Kết quả của Đại hội cho thấy sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, Việt Nam đang vững bước bước vào năm 2021 và những năm tiếp theo với tư duy mới, tầm nhìn mới.

Qua theo dõi Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng như Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở trở lên, tôi thấy công tác chuẩn bị rất công phu, bài bản cả về văn kiện và công tác nhân sự, cho thấy có vai trò của các cấp ủy đảng cũng như sự đồng thuận cao của nhân dân. Đồng chí Tổng TTCP Lê Minh Khái được Đại hội tín nhiệm, bầu vào Ban Bí thư là kết quả được dư luận, người dân mong chờ.

Mặc dù kết quả Đại hội được cập nhật vào lúc nửa đêm, nhưng ai ai cũng mong chờ để chúc mừng cho ngành Thanh tra, bởi không riêng gì Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái mà cả những người từng công tác trong ngành Thanh tra cũng được Đảng và Nhà nước tín nhiệm cao như đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa được bầu vào Ban Bí thư, từng là Chánh Thanh tra thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định); đồng chí Lê Thị Thủy tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh Hà Nam từng là Phó Tổng TTCP; đồng chí Phan Việt Cường, tái cử Ban chấp hành Trung ương, Bí thư Tỉnh Quảng Nam, từng là Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam hay đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, vừa được Đại hội bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII từng là Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng Nhà nước...

Có thể nói, ở kỳ Đại hội này, xét về khía cạnh nào đó, khối Nội chính (Công an, Quân đội, Tòa án, Thanh tra, Kiểm sát, Ban Nội chính) đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm. Các đồng chí trúng cử rất xứng đáng.

- Điều này có nghĩa ngành Thanh tra cũng như các đơn vị thuộc khối Nội chính đang rất được coi trọng. Vai trò và vị trí của ngành đang ngày càng được nâng lên, thưa ông?

+ Nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng: Với kết quả của Đại hội lần này, tôi cũng như nhiều cán bộ hưu trí rất phấn khởi và vui cùng niềm vui chung của ngành Thanh tra. Tổng Thanh tra Lê Minh Khái được Đảng và Nhà nước tín nhiệm ở vào độ tuổi trẻ hơn nhiều so với các đời Tổng Thanh tra trước đó. Không những vậy, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái còn là một người được đào tạo bài bản trong nước và nước ngoài. Trong quá trình công tác, ông đã kinh qua nhiều vị trí chủ chốt ở địa phương, Trung ương.

Năm 2018, khi nhận nhiệm vụ, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái đã phải đối mặt nhiều cuộc thanh tra có áp lực lớn. Và cuộc đầu tiên phải đối mặt là cuộc thanh tra Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Với rất nhiều áp lực về thời gian, về độ khó vụ việc hay việc phải ký kết luận vào ngày 28, 29 Tết, nhưng kết quả ngoài mong đợi. Và sau đó là rất nhiều cuộc thanh tra được kết luận có tiếng vang được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.

Có thể nói, từ khi Tổng Thanh tra Lê Minh Khái về cơ quan TTCP nhận nhiệm vụ, các công việc của Ngành được người dân, các tổ chức xã hội quan tâm, được cấp trên tin tưởng giao việc, trở thành kênh thông tin quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Những kết luận thanh tra được lắng nghe, tôn trọng, những kiến nghị, kết luận bảo đảm tính chính xác, khách quan là cơ sở xử lý cán bộ có sai phạm, khắc phục những yếu kém trong cơ chế chính sách… tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Ngành.

- Nguyên Phó Tổng Thanh tra từng chia sẻ, trước những năm 1970 của thế kỷ trước, những người đứng đầu ngành Thanh tra từng được Đảng và Nhà nước giao những vị trí cao nhất của Đảng Nhà nước, ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

+ Nguyên Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng: Đúng vậy, nhìn lại lịch sử của ngành Thanh tra, tôi có thể chỉ ra những người trải qua công tác thanh tra cũng trưởng thành tới những vị trí cao nhất của Đảng và Nhà nước. Đó là năm 1948, cụ Tôn Đức Thắng làm Tổng Thanh tra, sau này là Chủ tịch nước; năm 1951 cụ Nguyễn Văn Trân làm Tổng Thanh tra, sau này là Bí thư Trung ương Đảng; năm 1965, cụ Nguyễn Lương Bằng là Tổng Thanh tra, sau này là Phó Chủ tịch nước; năm 1970, cụ Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ, sau này là Thường trực Ban Bí Thư.

Cụ Phạm Văn Đồng, từng là Trưởng Ban Thanh tra Nam Trung Bộ; cụ Đỗ Mười, từng là Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá của Chính phủ, được cử làm Trưởng đoàn Thanh tra của Đảng và Chính phủ; bác Nông Đức Mạnh từng là Chánh Thanh tra Sở Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái…

Hy vọng, các cơ quan có thẩm quyền ngày càng xác định đúng vị trí, vai trò của người đứng đầu cơ quan thanh tra nói riêng và các cơ quan Thanh tra Nhà nước nói chung. Các nhà lãnh tụ như Lê Nin, Bác Hồ từng nói, đây là một trong những chức năng quản lý Nhà nước, sử dụng chức năng tốt thì phục vụ cho quản lý mới tốt. Đây cũng là sự phân công lao động xã hội, nhưng làm sao vai trò, địa vị pháp lý của người đứng đầu các cơ quan cần phải tương ứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì mới phát huy được. Còn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trao đủ, nhưng vai trò của người đứng đầu không được xác định đúng thì hiệu quả cũng không cao.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm