Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng

Thái Hải - Nguyễn Nhuần

Thứ tư, 01/06/2022 - 16:53

(Thanh tra) - Trong chuyến thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ Việt Nam, Đoàn Đại biểu Cấp cao Thanh tra Nhà nước Lào do ông Khăm Phăn Phôm-Mạ-Thắt, Tổng Thanh tra Nhà nước Lào, dẫn đầu, đã có buổi hội đàm với Thanh tra Chính phủ Việt Nam. Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong chủ trì buổi hội đàm, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam cùng tham dự.

Toàn cảnh hội đàm giữa Thanh tra Chính phủ Việt Nam với Đoàn Đại biểu Cấp cao Thanh tra Nhà nước Lào. Ảnh: TH

Tại buổi hội đàm, khái quát tình hình kinh tế xã hội Việt Nam trong năm 2021 và quý I năm 2022, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, quý I năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021.

Hoạt động thương mại và dịch vụ sôi động trở lại; số lượt khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh do nhiều đường bay quốc tế được khôi phục.

Các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại; thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư, công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 được thực hiện chu đáo, an toàn, thành công. Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, dẫn đầu các nước đoạt huy chương vàng và tổng các loại huy chương.

Về công tác thanh tra, trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 2.477 cuộc thanh tra hành chính và 31.840 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 16.490 tỷ đồng, 3.069 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 8.897 tỷ đồng và 114 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 7.593 tỷ đồng, 2.955 ha đất; ban hành 23.111 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 850 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 418 tập thể và 828 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 65 vụ, 37 đối tượng.

Để hoạt động thanh tra đạt kết quả cao, Thanh tra Chính phủ Việt Nam luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, nội dung thanh tra trọng tâm, trọng điểm. Ảnh: TH

Theo ông Liêm, để đạt những kết quả tích cực trong thời gian qua, trong chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra nhờ những kinh nghiệm như: Kế hoạch thanh tra phải bám sát nhiệm vụ chính trị, thanh tra phải thúc đẩy nhiệm vụ chính trị; Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng những ngành, lĩnh vực còn nhiều yếu kém, được dư luận quan tâm, làm một việc rút ra được nhiều việc, có tác dụng lan tỏa.

Mặt khác, quá trình triển khai công tác thanh tra đảm bảo linh hoạt, gắn thanh tra theo chương trình, kế hoạch với thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giao; đẩy mạnh thanh tra công vụ để nâng cao trách nhiệm công vụ của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức; hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội phải gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Về công tác tiếp công dân, 5 tháng đầu năm 2022, có 70.855 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh với 76.170 người được tiếp đến trình bày về 56.067 vụ việc, có 564 đoàn đông người.

Các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết 5.367/8.773 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 61,2%. Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 0,3 tỷ đồng, 0,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 4,1 tỷ đồng, 2,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 6 tổ chức, 61 cá nhân; kiến nghị xử lý 119 người (trong đó có 78 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 2 vụ, 3 đối tượng (có 2 cán bộ, công chức).

“Ngoài việc tranh thủ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị trong công tác giải quyết KNTC, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thì vai trò quản lý, chỉ đạo, điều hành, tiếp dân, quyết định giải quyết KNTC của các cấp chính quyền thì các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước phải tăng cường đối thoại với người dân, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân”, ông Trần Ngọc Liêm nói.

Cùng với đó, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước phải thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình KNTC trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ nơi phát sinh vụ việc. Củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết KNTC từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.

Chia sẻ thêm về những kinh nghiệm trong công tác PCTN, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, tại Việt Nam, công tác PCTN luôn được Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN, tiêu cực đề cao. Do đó trong thời giam vừa qua, công tác này đạt được những kết quả ghi nhận, điển hình mới đây nhất là vụ Việt Á hay Tân Hoàng Minh...

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN là điều kiện tiên quyết để PCTN hiệu quả; cũng với đó là tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ cơ chế “xin, cho’’, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị những kẻ tham nhũng chiếm đoạt; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về PCTN ở các cấp, các ngành....

Đoàn Đại biểu Cấp cao Thanh tra Nhà nước Lào. Ảnh: TH

Thay mặt cho Đảng, Chính phủ Lào, ông ông Khăm Phăn Phôm-Mạ-Thắt cảm ơn Đảng, Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã luôn giúp đỡ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho nhiều thế hệ cán bộ của Thanh tra Nhà nước Lào. Đồng thời khẳng định điều này đã góp phần vun đắp cho quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đời đời bền vững.

Tại buổi hội đàm, ông Khăm Phăn Phôm-Mạ-Thắt thông báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 và những kết quả, kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành công tác thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN. Đồng thời, bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, thông qua bản thỏa thuận hợp tác vừa mới ký, Cơ quan hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa, thông qua việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thanh tra, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này, để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng… bởi đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước Lào chú trọng.

Kết luận buổi hội đàm, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong chúc đoàn công tác có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam thành công tốt đẹp.

“Tôi tin tưởng và hi vọng vào kết quả của việc ký kết bản thỏa thuận hợp tác sẽ góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa 2 nước ngày càng bền vững”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Sau buổi hội đàm, chiều cùng ngày, đoàn cũng đến chào xã giao Thủ tướng Chính phủ, diện kiến Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú.

Từ ngày 2/6 - 4/6, đoàn đến làm việc với UBND TP Hải Phòng và UBND Quảng Ninh.

Trước đó, ngày 31/5, Đoàn Đại biểu Cấp cao Thanh tra Nhà nước Lào đã có buổi làm việc với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất