Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra toàn diện các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tại 5 thành phố lớn

Thứ sáu, 04/04/2014 - 14:50

(Thanh tra) - Sáng nay (4/4), Thanh tra Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra y tế năm 2013 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014.

Chánh Thanh tra Đặng Văn Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dung

Xử phạt hành chính hơn 30 tỷ đồng

Tại hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Dương Xuân An cho biết, năm 2013, Bộ Y tế đã triển khai các cuộc thanh tra hành chính tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Cục Y tế Dự phòng và Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Trường Đại học Y Thái Bình, Trường Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên. Qua đó, kiến nghị nộp ngân sách Nhà nước khoản thuế còn nợ đọng là 133 triệu đồng của năm 2012.

Trong công tác thanh tra chuyên ngành, toàn ngành Y tế đã triển khai nhiều cuộc thanh tra tại các lĩnh vực như: Y tế dự phòng; Môi trường y tế; Khám, chữa bệnh; Dược; Dân số - kế hoạch hoá gia đình. Qua thanh tra, đã phát hiện hàng chục nghìn cơ sở, cá nhân vi phạm, xử phạt hành chính hơn 30 tỷ đồng.

Cụ thể, trong công tác thanh tra Y tế dự phòng, toàn ngành đã thành lập 29.964 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó Thanh tra Bộ đã phát hiện, xử phạt 67 cơ sở với số tiền là 950 triệu đồng; 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố đã phát hiện 95.218/679.422 cơ sở vi phạm, 6.499 cơ sở bị xử phạt tiền gần 12,7 tỷ đồng, đình chỉ 62 cơ sở, chuyển sang cơ quan điều tra 1 cơ sở; thanh tra 19 cơ sở về hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm chức năng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xử phạt vi phạm hành chính 74,8 triệu đồng đối với 4 cơ sở vi phạm; 1 cuộc thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ tại 5 cơ sở. Ngoài ra, 4 cuộc thanh tra tại 55 cơ sở về lĩnh vực môi trường, y tế đã phát hiện nhiều cơ sở vi phạm.

Trong công tác thanh tra khám, chữa bệnh, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra các Sở Y tế tỉnh, thành phố tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Phước, Bến Tre và Đồng Tháp về việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hành nghề y tư nhân của Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Đồng thời, trực tiếp thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hành nghề y tư nhân tại một số cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập có yếu tố nước ngoài. Qua đó, phát hiện hầu hết các vi phạm trong việc thực hiện các quy chế chuyên môn như: không có số Giấy phép hoạt động, không đúng tên cơ sở đã được ghi trong giấy phép, không có tên người phụ trách chuyên môn; không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn hành nghề... Thanh tra Bộ giao lại cho Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiến hành xử lý những vi phạm và báo cáo kết quả xử lý về Thanh tra Bộ Y tế.

Riêng 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố đã triển khai thanh tra, kiểm tra 8.400 cơ sở hành nghề y tư nhân, phát hiện 1.546 cơ sở vi phạm, đã xử lý vi phạm hành chính 1.529 cơ sở, với hình thức cảnh cáo 92 cơ sở, đình chỉ hoạt động 197 cơ sở, tước Giấy phép hoạt động 4 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề 3 tháng đối với 16 cơ sở, phạt tiền 1.529 cơ sở với tổng số tiền hơn 10,5 tỷ đồng.

Trong công tác thanh tra dược, phát hiện còn hiện tượng cơ sở bán buôn có hành vi bán lẻ thuốc khi chưa được Sở Y tế thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GPP; Một số cơ sở bán buôn thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc chưa được Sở Y tế thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GSP theo quy định, chưa thực hiện quy chế chuyên môn…Qua đó, trình Thanh tra Bộ ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo và chất lượng thuốc số tiền là 994 triệu đồng.

Cục Quản lý Dược cũng tiến hành 1 cuộc thanh tra đối với 12 cơ sở về việc thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh thuốc. Sau thanh tra, phạt 5 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng thuốc, vi phạm về hoạt động dịch vụ bảo quản thuốc khi chưa đủ cơ sở pháp lý số tiền 70 triệu đồng.

Ngoài ra, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố đã triển khai thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực dược đối với tổng số 15.940 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, trong đó có 2.172 cơ sở vi phạm, đã xử lý vi phạm hành chính 2.172 cơ sở, với hình thức cảnh cáo 153 cơ sở, đình chỉ hoạt động 66 cơ sở, tước Giấy phép hoạt động 3 cơ sở, phạt tiền 1.953 cơ sở với tổng số tiền là 7,65 tỷ đồng; tịch thu 12 khoản thuốc phi mậu dịch, 55 khoản thuốc hết hạn sử dụng.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành các kết luận về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với vụ việc của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ; Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Riêng Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố đã triển khai tổ chức thanh tra hành chính và phòng, chống tham nhũng tại 341 cơ sở, xử lý về kinh tế 1,45 tỷ đồng. Đặc biệt, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình tổ chức thực hiện 1 cuộc thanh tra đột xuất về việc “mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, hóa chất” tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình. Qua kết quả thanh tra, đã phát hiện đơn vị thực hiện mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, hóa chất năm 2012 và 2 tháng đầu năm 2013 với tổng giá trị trên 18 tỷ đồng ngoài kết quả đấu thầu, không được phép của cơ quan có thẩm quyền, trái với quy định hiện hành. 

Chủ động trong công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Nhiệm vụ năm 2014, ông Dương Xuân An cho biết, Thanh tra Bộ sẽ triển khai Thông báo số 416/TB-VPCP ngày 11/11/2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý Nhà nước với hành nghề y, dược ngoài công lập; thanh tra toàn diện các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực thanh tra y tế giai đoạn 2014 - 2020; tổ chức hội nghị chuyên đề về quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập…


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các Sở Y tế chủ động lên kế hoạch thanh tra và giám sát trong qúa trình đấu thầu thuốc và trang thiết bị cho ngành Y tế. Đồng thời, khi thanh tra sự việc đúng sự thật cần phải công khai thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Theo dõi về hoạt động công tác thanh tra của Bộ Y tế, Phó Vụ trưởng Vụ 3 Thanh tra Chính phủ Nguyễn Xuân Lãng ghi nhận kết quả của Bộ Y tế và ngành Thanh tra Y tế năm 2013 và sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Bộ Y tế đối với công tác thanh tra. Với số lượng công việc lớn và xây dựng đồng bộ trong năm 2014, ngành Thanh tra Y tế cần phải hết sức cố gắng, bên cạnh đó cũng phải có lực lượng dự phòng để giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh không nằm trong kế hoạch.

Tiếp thu ý kiến tại hội nghị, Chánh Thanh tra Đặng Văn Chính ghi nhận sự quan tâm và giúp đỡ của lãnh đạo Bộ và Thanh tra Chính phủ đến công tác thanh tra y tế. Trong thời gian vừa qua, Thanh tra Bộ và các Sở đã tích cực tăng cường thanh tra theo kế hoạch để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh giúp các đơn vị hoạt động ổn định. Trong thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ tích cực hơn nữa trong công tác dự phòng, chủ động trong công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Các tập thể, cá nhân được khen thưởng:

Cờ thi đua của Bộ Y tế: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Trà Vinh, Bắc Ninh.

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế: Sở Y tế Kiên Giang, Nam Định, Bến Tre, Hà Giang, Lai Châu, Hậu Giang, Yên Bái, Cần Thơ, Khánh Hoà, Long An, Lạng Sơn, Đắc Lắc, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Lào Cai, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Đồng Nai, Ninh Bình và 12 cá nhân.

Giấy khen của Chánh Thanh tra Bộ: 1 tập thể và 27 cá nhân.

Nguyễn Dung

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm