Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra “quá tải” vì quản xe quá tải?

Thứ bảy, 05/04/2014 - 07:19

(Thanh tra) - Xe tải vì lợi nhuận bất chấp quy định về tải trọng thường xuyên vi phạm, thậm chí sẵn sàng chống đối lực lượng thanh tra đường bộ (TTĐB) xuất hiện ngày một nhiều. Hàng chục nghìn xe có thùng xe vượt quá tải trọng đang tồn tại trên cả nước so với lực lượng TTĐB đang quá mỏng thì dường như việc quản lý đang trở nên “quá tải” với lực lượng “chủ công” này.

Hàng chục nghìn xe mang thùng hàng vượt tải trọng

Khảo sát của Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho thấy, trên địa bàn TP hiện có hơn 232 doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa với 1.772 phương tiện xe ô tô tải; 20 DN kinh doanh vận tải bằng container với 384 phương tiện vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó là hàng ngàn xe ô tô tải đủ các chủng loại hoạt động vận chuyển hàng hóa qua lại địa bàn Thủ đô.

“Vì lợi nhuận, các lái xe đã sẵn sàng chở hàng quá tải, quá khổ lưu thông trên đường, điều này diễn ra ngày càng phổ biến. Cũng vì lợi nhuận, chủ hàng và lái xe đã khiến những chiếc ô tô tải hàng ngày oằn mình chở hàng vượt quá tải trọng cho phép từ 3-5 lần trên các tuyến đường của Thủ đô. Các xe quá khổ, quá tải này thường tập trung hoạt động từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng, tập trung trên một số tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ, đường liên huyện thuộc khu vực ngoại thành Hà Nội, các tuyến đường không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ” - lãnh đạo Thanh tra GTVT Hà Nội nhận định.

Để quản lý chặt tải trọng xe, đến nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trang bị 63 bộ trạm cân lưu động cho các tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, đề nghị các Sở GTVT chậm nhất đến ngày 01/4 phải đồng loạt kiểm tra tải trọng xe trên các QL trọng điểm. Hoạt động này sẽ được theo dõi, đôn đốc bởi các Khu Quản lý đường bộ. 

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng xe quá tải hoạt động mạnh, phá hoại đường sá, đặc biệt các tuyến QL cửa ngõ Thủ đô như: QL1, QL6... Tình trạng xe quá khổ, quá tải còn xảy ra trên khắp các tuyến đường, từ QL tới tỉnh lộ, tuyến đường liên huyện của các địa phương và đặc biệt, các tuyến đường đê bị băm nát.

Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 61.173 xe ô tô tự đổ đang hoạt động. Trong đó, khoảng 75% xe có thể tích thùng hàng vượt quá quy định được nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp cải tạo. Còn theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện còn khoảng 50.000 xe cơi nới thùng trên cả nước. Qua đăng kiểm, có xe vượt trên 300% thể tích cho phép.

Khu Quản lý Đường bộ II đánh giá, trên hầu hết các tuyến cầu đường mà đơn vị quản lý đều xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng công trình như: QL 1, Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Thanh Trì, QL5, QL10… Tại một số tỉnh, thành có các khu mỏ quặng, mỏ đá hoặc các cửa khẩu, cảng biển… xe siêu trường, siêu trọng vẫn ngày đêm băm nát đường có lúc vượt tải lên tới 200% trong khi hầu hết các tuyến đường này có kết cấu tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường hẹp. Tình trạng xe quá tải chính là nguyên nhân chính gây hư hại đường và có xu hướng ngày một gia tăng. Trong khi đó, hàng năm, ngân sách quốc gia đều phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho công tác duy tu, sửa chữa đường.

Rút giấy phép doanh nghiệp vi phạm nhiều lần

Là lực lượng “chủ công” trong quản lý xe quá khổ, quá tải, nhiều ý kiến TTĐB cho rằng, cần có cơ chế chính sách cụ thể cho cán bộ trực tiếp tham gia công tác phối hợp xử lý xe quá khổ, quá tải, đặc biệt là đối với lực lượng làm ngoài giờ hành chính. Nếu không, lực lượng chính như TTĐB sẽ quá tải trong quản lý các loại phương tiện này.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng nặng hơn nữa mức phạt theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP để có đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm về chở quá tải gây tai nạn giao thông, lái xe cố tình không chấp hành việc hạ tải, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ. Đồng thời, việc thực hiện xử lý xe quá tải phải được thực hiện đồng bộ trên các địa phương, xử lý triệt để từ điểm xuất phát nơi vận chuyển hàng hóa.

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ GTVT cần có quy định cụ thể hơn về các dự án, công trình xây dựng khi trình dự án phê duyệt phải có kinh phí đảm bảo giao thông (kinh phí sửa chữa, hoàn trả lại mặt đường hoặc làm đường công vụ) để phục vụ việc thi công các công trình. Xử lý nghiêm đối với các DN hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa để các lái xe của DN vi phạm hành vi chở quá khổ, quá tải nhiều lần sẽ bị rút giấy phép hoặc đăng ký kinh doanh.

Để giảm thiểu vi phạm liên quan đến cơi nới thùng xe, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã sửa đổi Thông tư 56/2012 trong đó yêu cầu đăng kiểm chụp ảnh, để đưa vào giấy đăng kiểm. Qua đó, vừa kiểm soát được quá trình kiểm định, vừa kiểm tra được ngay lập tức xe đưa vào đăng kiểm có đúng thùng hàng hay không. Đây là cơ sở để lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông dễ dàng kiểm soát hơn.


Tràng An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

(Thanh tra) - Trong tháng 11/2024, UBND thành phố Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng trong các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước hiệu quả và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công dân.

Chính Bình

15:33 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm