Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý dứt điểm các tồn tại, sai phạm

Vũ Linh - Thái Hải

Thứ năm, 17/11/2022 - 12:51

(Thanh tra) - Liên quan đến các tồn tại, sai phạm trong việc thực hiện pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng (PCTN) và công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ trách nhiệm, đồng thời kiến nghị xử lý dứt điểm.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý dứt điểm các tồn tại, sai phạm tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Chính Cương

Các sai phạm được Thanh tra Chính phủ phát hiện, trách nhiệm thuộc về ai?

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm chính để xảy ra các vi phạm, tồn tại trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã được thanh tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đối với sai phạm, vi phạm về công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đã được Thanh tra Chính phủ nêu, trách nhiệm trực tiếp trước hết thuộc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (trong đó có Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, Chủ tịch UBND TP Ban Ma Thuột), văn phòng đăng ký đất đai, phòng TNMT, phòng XD, thanh tra các huyện, thành phố và cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, việc để người dân lấn chiếm xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp còn có trách nhiệm của Tổng Công ty Cà phê Việt nam và giám đốc các công ty thành viên trực thuộc trên địa bàn huyện Cư Kuin.

Thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, theo báo cáo của UBND tỉnh, diện tích rừng tự nhiên suy giảm là 27.460,3 ha. Về diện tích tự nhiên các công ty, đơn vị giao về địa phương quản lý; các huyện, thị xã, thành phố báo cáo chủ yếu tồn trên sổ sách, còn thực tế phần lớn đất rừng tự nhiên không có rừng trên thực địa.

Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tổ chức Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng". Tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, chưa đủ nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và giải quyết các vấn đề dân sinh kinh tế, xã hội liên quan đến rừng, đất rừng.

Ngoài ra, các nguyên nhân chủ quan do chủ rừng một số nơi có tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm, UBND cấp cơ sở thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm để xảy ra trước hết thuộc về chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các tổ chức có quản lý, sử dụng rừng và trách nhiệm về mặt tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các cơ quan tham mưu theo quy định của pháp luật.

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ rõ hàng loạt vi phạm, sai phạm về quản lý sử dụng đất đai và việc thực hiện các dự án (DA) đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất, trách nhiệm chính trước hết thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực, giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, TNMT, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tài chính, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghiệp, Cục trưởng Cục Thuế, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư các DA có sai phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đồng thời, liên quan đến tình trạng để các doanh nghiệp xây dựng công trình điện mặt trời trái phép trên trang trại đất nông nghiệp trên địa bàn còn có trách nhiệm của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và trực tiếp là Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm, giải quyết dứt điểm các sai phạm

Trước những sai phạm đã được phát hiện, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, căn cứ kết quả thanh tra, tiến hành kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của UBND tỉnh và các cá nhân về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành được nêu.

Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ kết quả thanh tra, căn cứ thẩm quyền chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân để xảy ra thiếu sót, tồn tại, vi phạm, giao Sở Nội vụ hướng dẫn việc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Ngoài chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý về kinh tế với tổng số tiền 535.608 triệu đồng, trong đó đôn đốc, thu hồi vào ngân sách Nhà nước của các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng tiền đất, tiền tạm ứng và các khoản thu nộp tính đến 31/3/2022, số tiền 380.869 triệu đồng; thu hồi vào Quỹ Phát triển rừng số tiền 44.325 triệu đồng của 8 DA chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế. Yêu cầu các chủ DA nộp tiền ký quỹ tính đến 15/4/2022 số tiền 108.984 triệu đồng.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan có liên quan trong việc tham mưu hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện DA tổ hợp khách sạn 5 sao Mường Thanh và DA khu trung tâm thương mại - dịch vụ - giải trí Nguyễn Kim; chỉ đạo các cơ quan rà soát lại việc miễn giảm tiền thuê đất từ ngày 15/02/2017 đến ngày 15/02/2024 và xác định đơn giá thuê đất theo giá thị trường tại thời điểm doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định để tránh thất thu tiền ngân sách.

Kiểm tra, rà soát việc thực hiện đối với các dự án có sử dụng đất được giao, cho thuê không thông qua đấu giá trên địa bàn; trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện đầu tư thì thu hồi lại đất, tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật; trường hợp nếu DA đáp ứng các điều kiện được hưởng ưu đãi thì xem xét, giải quyết theo quy định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở TNMT phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra, rà soát lại 128 DA để có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các DA đã được gia hạn 24 tháng nhưng vẫn không hoàn thành; DA chấp thuận đầu tư không quy định tiến độ nhưng thời gian thực hiện kéo dài hoặc không hiệu quả; DA chủ đầu tư không có khả năng triển khai, DA “treo”, DA để đất hoang hóa nhiều năm thì kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật.

Rà soát lại việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, thu hồi giấy phép khai thác Mỏ đá xây dựng thôn 22, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột của Công ty Cổ phần Khoáng sản Ea Kao.

Tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 doanh nghiệp khai thác vượt công suất được cấp phép theo quy định và đối với Công ty TNHH An Nguyên, Công ty TNHH Minh Sáng khai thác ngoài phạm vi được cấp phép.

Chỉ đạo Sở TNMT, Cục Thuế tỉnh rà soát lại sản lượng khai thác theo từng năm của các mỏ, đối với các doanh nghiệp khai thác vượt công suất từ 2 năm trở lên, yêu cầu tạm dừng hoạt động mỏ đá để đo đạc đánh giá lại trữ lượng còn lại và điều chỉnh giấy phép khai thác…

Kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân trong việc xác định giá thu tiền sử dụng đất cho 6 hộ tại khu dân cư 47 Lý Tự Trọng, TP Buôn Ma Thuột không đúng quy định pháp luật đất đai. Xác định lại giá đất giao cho 6 hộ trên theo quy định của pháp luật, truy thu tiền chênh lệch nộp ngân sách nhà nước. Trường hợp các hộ được giao đất không nộp tiền chênh lệch, hủy quyết định giao đất thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Đồng thời, giao các ngành chức năng của tỉnh rà soát lại trình tự, thủ tục, phương án đấu giá cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và đấu giá tài sản gắn liền với đất tại số 01 Lê Hồng Phong, TP Buôn Ma Thuột để giải quyết dứt điểm vụ việc; quá trình xử lý phù hợp với thực tiễn của địa phương, theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện và chính sách ưu đãi của nhà nước.

Kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc để người dân lách luật xây dựng công trình điện mặt trời lắp đặt trên trang trại đất nông nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng trên địa bàn; đặc biệt là đối với các hộ, các trang trại chưa đáp ứng các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại…

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin về việc lựa chọn nhà theo hình thức chỉ định, không công bố danh mục DA và không thực hiện sắp xếp quản lý tài sản công theo quy định liên quan đến việc cho thuê quyền sử dụng đất để thực hiện DA tổ hợp khách sạn 5 sao tại số 81 đường Nguyễn Tất Thành, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột của Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đến Cơ quan Điều tra, Bộ Công an để xem xét theo thẩm quyền.

Liên quan đến các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo, yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk nghiêm túc thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã nêu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam: Thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam: Thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 810 vụ kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, số vụ vi phạm bị xử lý 415 vụ (số vụ vi phạm QLTT xử phạt 414 vụ, số vụ chuyển xử lý hình sự 1 vụ); thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2.500.821.495 đồng.

Lâm Ánh

15:43 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm