Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều hạn chế, vi phạm

Vũ Linh - Thái Hải

Thứ tư, 16/11/2022 - 17:38

(Thanh tra)- Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng (PCTN) và công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN và công tác quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Chính Cương

Việc thực hiện pháp luật công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN còn nhiều tồn tại, hạn chế

Theo Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện pháp luật công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngoài những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Một số ngành, địa phương phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm còn chậm so với quy định; xây dựng kế hoạch thanh tra chưa đầy đủ các nội dung. Cá biệt, có đoàn thanh tra còn kéo dài so với thời gian quy định, nhất là giai đoạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và ban hành kết luận thanh tra (KLTT), chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế, hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý sau thanh tra chưa quyết liệt, dứt điểm dẫn đến tỷ lệ thu hồi kinh tế qua công tác thanh tra còn thấp. Việc công khai KLTT chưa thực hiện đầy đủ theo quy định, hồ sơ lưu trữ của một số đoàn thanh tra không có nhật ký đoàn thanh tra hoặc có nhưng ghi không đầy đủ.

Tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra ở địa phương và giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra với Kiểm toán Nhà nước vẫn còn diễn ra nhiều nhưng chưa được phối hợp xử lý làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị…

Công tác tiếp dân ở một số đơn vị cấp xã, cấp huyện chưa được chú trọng, còn có trường hợp người đứng đầu UBND cấp huyện chưa tham gia đầy đủ tiếp dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân, không niêm yết công khai bảng nội quy tiếp công dân, lịch tiếp công dân của chủ tịch UBND huyện; công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư ở một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn còn lúng túng, phân loại, xử lý đơn chưa chính xác và kịp thời dẫn đến tình trạng đơn thư gửi lòng vòng, vượt cấp ảnh hưởng tới hiệu quả tiếp dân.

Việc thực hiện công khai ngân sách Nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định. Công tác đấu thầu các dự án công chưa hiệu quả, tỷ lệ giảm giá bình quân chung toàn tỉnh thời gian qua 2,26% là quá thấp so với bình quân chung toàn quốc khoảng 6% (nguồn Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chưa đạt mục tiêu trong đấu thầu là tiết kiệm ngân sách, trong đó cá biệt có gói thầu đấu thầu tỷ lệ giảm dưới 0,12%.

Việc công khai kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu của một số chủ đầu tư còn chậm, chưa đáp ứng về thời gian. Một số gói thầu được thanh tra chất lượng hồ sơ mời thầu, báo cáo đánh giá hồ sơ thầu còn chưa đúng mẫu quy định; một số tiêu chí quy định chưa phù hợp, chưa chặt chẽ, rõ ràng làm ảnh hưởng đến tính khách quan, minh bạch, hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu.

Trong đó, có 6 gói thầu được kiểm tra thấy áp dụng định mức chưa phù hợp khi lập dự toán, một số khối lượng trong hợp đồng không thực hiện, biện pháp thi công của nhà thầu chưa nhất quán trong thuyết minh và trong xây dựng đơn giá dẫn đến làm tăng giá trị gói thầu số tiền gần 1,5 tỷ đồng, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho một trường hợp tại Sở Xây dựng, qua kiểm tra xác minh ban đầu thấy chưa rõ ràng minh bạch về điều kiện tiêu chuẩn…

Trên địa bàn tỉnh, tình trạng tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp; có nhiều vụ việc khiếu kiện đông người mà nội dung chủ yếu liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa người dân với các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp; tranh chấp giữa người dân địa phương với người dân di cư tự do; giữa người dân với các cơ quan Nhà nước liên tục xảy ra, nhiều vụ việc tập trung đông người kéo lên tỉnh, trung ương khiếu kiện gây mất an ninh trật tự.

Công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách có nhiều vi phạm

Về công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện các dự án (DA) đầu tư ngoài ngân sách cũng còn có một số tồn tại, vi phạm.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện như: TP Buôn Ma Thuột, huyện M’Drắc, huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp, huyện Ea H’leo chưa sát với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Một số chỉ tiêu được phê duyệt và thực tế thực hiện chưa đạt yêu cầu so với chỉ tiêu kế hoạch được duyệt, nhiều chỉ tiêu đạt với tỷ lệ quá thấp.

Từ năm 2014 đến năm 2020, giá đất trên thị trường có nhiều biến động, theo hướng tăng, nhưng UBND tỉnh chưa kịp thời ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định để làm căn cứ xác định giá đất, khi Nhà nước thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại một số địa bàn làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Tại một số huyện, thành phố, thị xã công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai vẫn còn sai sót, thời gian giải quyết để kéo dài, gây bức xúc cho dân; quản lý hồ sơ địa chính còn chưa chặt chẽ, chưa thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động trên các số mục kê, sổ địa chính và bản đồ địa chính kịp thời, đúng quy định.

Ngoài ra, còn có tình trạng cho phép một số hộ chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích từ đất phi nông nghiệp sang đất ở vượt hạn của UBND tỉnh.

Tại TP Buôn Ma Thuột tạo điều kiện cho các hộ dân hiến đất mở đường nội bộ trong phần đất đang quản lý, sau đó tách thửa xin chuyển mục đích sang đất ở chuyển nhượng thu lợi trái phép. Giao đất cho 6 hộ tại TP Buôn Ma Thuột xác định giá trị tiền sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013, làm thất thu ngân sách theo ước tính khoảng gần 2,5 tỷ đồng.

Tình trạng lấn chiếm xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đất của các công ty nông lâm nghiệp còn diễn ra trên diện rộng và ngày càng phức tạp, thời gian dài nhưng không được các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp xử lý dứt điểm dẫn đến hệ lụy sau này khó giải quyết, tiềm ẩn phát sinh các điểm nóng về khiếu kiện đông người đặc biệt là tại 7 đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam trên địa bàn huyện Cư Kuin…

Thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, theo báo cáo của UBND tỉnh, diện tích rừng tự nhiên suy giảm là 27.460,3ha. Hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do vướng mắc về cơ chế, chính sách, chưa đủ nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và giải quyết các vấn đề dân sinh kinh tế, xã hội liên quan đến rừng, đất rừng.

Nguyên nhân chủ quan do chủ rừng một số nơi có tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm, UBND cấp cơ sở thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

Đối với công tác quản lý các DA đầu tư ngoài ngân sách còn nhiều bất cập. Các DA có sử dụng đất, việc UBND tỉnh Đắk Lắk chủ yếu áp dụng hình thức để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức quyết định chủ trương đầu tư không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc qua đấu giá quyền thuê đất với lý do địa bàn ưu đãi đầu tư đã được Kiểm toán Nhà nước kết luận, Thanh tra Chính phủ không kết luận lại, nhưng qua thanh tra thấy việc áp dụng hình thức trên cho hầu hết tất cả DA đầu tư trên địa bàn là không phù hợp thực tế, giảm nguồn thu ngân sách.

Trong đó, danh mục kêu gọi đầu tư DA Khu trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí tại số 81 đường Nguyễn Tất Thành, Buôn Ma Thuột không được công bố công khai theo quy định. Đối với khu đất trụ sở Công an phường và Đội Thuế, UBND tỉnh Đắk Lắk không thực hiện sắp xếp quản lý tài sản công; việc thực hiện thanh lý tài sản và cho thuê không thông qua đấu giá là chưa phù hợp với quy định Chính phủ.

Việc phê duyệt chủ trương đầu tư và giám sát đầu tư đối với các DA ngoài Nhà nước còn chưa chặt chẽ, hiệu quả như: Một số DA hết thời hạn đầu tư nhưng chưa kịp thời giãn, điều chỉnh tiến độ; DA chậm tiến độ, DA không đưa đất vào sử dụng vi phạm Luật Đầu tư, một số DA không hiệu quả, không triển khai nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời.

Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về trật tự xây dựng đối với các DA đầu tư tại TP Buôn Ma Thuột phát hiện vi phạm nhưng xử lý không triệt để. Đặc biệt là DA nhà ở thương mại tại Khối 7, phường Tân Lợi và DA Nhà ở xã hội khu tập thể Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk. Để xảy ra vi phạm về đất đai, xây dựng nghiêm trọng, diễn ra thời gian dài, báo chí nêu, dư luận bức xúc nhưng việc xử lý chưa dứt điểm, chưa cương quyết áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 107 Luật Xây dựng 2014.

Việc quản lý các DA khoáng sản còn chưa chặt chẽ, tuân thủ các quy định của Luật Khoáng sản như: Không tổ chức đấu thầu mỏ trong khi chưa khoanh định khu vực không đấu thầu; để một số doanh nghiệp chưa hoàn thành nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; khai thác ngoài phạm vi, vượt công suất, vượt thời gian được cấp phép; hết hạn giấy phép nhưng vẫn khai thác, không thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn thành việc đóng cửa mỏ khi hết thời hạn khai thác.

Việc quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tổ chức thực hiện một số DA như: Trang trại Phong điện Tây Nguyên (giai đoạn 1), huyện Ea H'leo; Nhà máy Điện gió Ea Nam, huyện Ea H’leo; trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu và khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng và DA Nhà máy Điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk, huyện Ea Súp có một số sai phạm, tồn tại nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm