Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thanh tra Bộ Nội vụ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác cán bộ

Nguyễn Mạnh Khương - Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ

Thứ ba, 09/01/2024 - 18:45

(Thanh tra)- Năm 2023, được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Nội vụ đã triển khai hoạt động thanh tra công vụ và đạt được một số kết quả quan trọng.

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương (đứng giữa) phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra tại Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: Thanh tra Bộ Nội vụ

Trên cơ sở kế hoạch thanh tra năm 2023 được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, Thanh tra Bộ Nội vụ đã tiến hành 20/20 cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2023. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tham gia 13 đoàn kiểm tra về hồ sơ đề nghị khen thưởng và công tác quản lý Nhà nước về hội, quỹ.

Kết quả hoạt động của Thanh tra Bộ Nội vụ đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của Bộ Nội vụ; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thông qua hoạt động thanh tra trực tiếp với đối tượng thanh tra là những người trực tiếp áp dụng pháp luật vào thực tiễn, qua trao đổi đã phát hiện ra những hạn chế, bất cập hoặc những khoảng trống chưa có pháp luật quy định, từ đó, hàng năm, Thanh tra Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng để có chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy xã hội phát triển.

Căn cứ kết quả thanh tra trực tiếp sẽ có những nhận định, đánh giá, kết luận rõ những việc làm tốt, những vi phạm, khuyết điểm, từ đó xác định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân; công khai danh tính tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm để kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định; đồng thời kiến nghị thu hồi, hủy bỏ các quy định, quyết định về công tác cán bộ có sai phạm; qua đó có tính răn đe, nhằm phòng ngừa hành vi vi phạm.

Đáng lưu ý, qua hoạt động thanh tra, Thanh tra Bộ Nội vụ đã phát hiện những hạn chế, khuyết điểm có tính phổ biến trong công tác tổ chức cán bộ, như ban hành văn bản có nội dung trái với quy định của Trung ương và một số nội dung khác như: Nội dung thông báo tuyển dụng không được công khai theo quy định; quy định bằng cấp chuyên môn không phù hợp với vị trí dự tuyển…

Bên cạnh đó, nhiều công chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn chức danh; nhiều hồ sơ bổ nhiệm không bảo đảm đầy đủ trình tự, thủ tục bổ nhiệm; thời hạn bổ nhiệm không đảm bảo theo quy định; nhiều quyết định bổ nhiệm lại còn chậm so với quy định…

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Nội vụ đã chỉ ra những nguyên nhân của các hạn chế, khuyết điểm, từ đó nâng cao nhận thức cho đối tượng thanh tra, nên ngay trong quá trình thanh tra trực tiếp, một số vi phạm đã được đối tượng thanh tra chủ động khắc phục như thu hồi, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ có vi phạm.

Đồng thời khi ban hành kết luận, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đã kiến nghị đối tượng thanh tra sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp với quy định của Trung ương và kiến nghị thu hồi, hủy bỏ nhiều quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng quy định; kiến nghị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định.

Với việc tăng cường hoạt động thanh tra công vụ, đặc biệt với những chế tài cụ thể, mang tính răn đe (như thu hồi, hủy bỏ các quyết định sai phạm; kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm), làm cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận thức tốt hơn, coi trọng hơn về công tác tổ chức cán bộ.

Trước đây, công tác tổ chức cán bộ thường làm theo thói quen, theo chỉ đạo của cá nhân có thẩm quyền mà chưa thực sự quan tâm đến việc tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn. Điều này dẫn tới những tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ có thể xảy ra.

Từ khi đẩy mạnh hoạt động thanh tra công vụ, nhất là tập trung vào những công tác dễ nảy sinh tiêu cực (như tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, thăng hạng), đã phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, từ đó có tính răn đe, phòng ngừa vi phạm; mặt khác, các cơ quan, đơn vị nhận thức được việc mình làm sẽ thường xuyên được thanh tra, kiểm tra, do đó đã quan tâm hơn trong việc tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Qua thanh tra, nhờ trao đổi, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, sai phạm; hướng dẫn đối tượng thanh tra thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật nên việc thực thi pháp luật của đối tượng thanh tra sau khi được thanh tra đều có bước chuyển biến rõ rệt, tích cực.

Thực tiễn cũng đã chứng minh những bộ, ngành, địa phương lần đầu được thanh tra thường phát hiện nhiều hạn chế, khuyết điểm, nhưng đến lần thanh tra tiếp theo thì những hạn chế, khuyết điểm trước đây cơ bản đã được khắc phục, ít vi phạm hơn, đặc biệt là những vi phạm lớn, nghiêm trọng.

Bên cạnh các thành tích đạt được, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nên Thanh tra Bộ Nội vụ cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Mặc dù đã được từng bước tăng cường, nhưng so với số lượng đối tượng thanh tra thì số lượng công chức làm công tác thanh tra về tổ chức cán bộ còn mỏng. Ngoài ra, do tính chất đặc thù nên công tác thanh tra về tổ chức cán bộ không có chế tài xử phạt. Do vậy, hiệu lực, hiệu quả, tính răn đe chưa cao đối với đối tượng thanh tra để xảy ra hạn chế, khuyết điểm, vi phạm…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng tập thể lãnh đạo, công chức Thanh tra Bộ Nội vụ đã luôn đoàn kết, đồng lòng, chủ động khắc phục để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023. Qua đó, Thanh tra Bộ Nội vụ đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, như xây dựng tập thể đoàn kết, đồng lòng, chuyên nghiệp, giữ vững kỷ cương, kỷ luật để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng các phương án đối phó với khó khăn, thách thức về tiến độ, chất lượng công việc. Khuyến khích công chức tham gia nghiên cứu khoa học, đúc rút kinh nghiệm và gắn kết quả nghiên cứu với công việc thực tại với phương châm “nghĩ được, viết được, nói được, làm được”. Đồng thời, gắn phong trào thi đua với thực tiễn công việc và kết quả thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Để phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thời gian tới, Thanh tra Bộ Nội vụ cần sự chia sẻ và giúp đỡ của Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Bộ Nội vụ đề xuất Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, sớm sắp xếp tổ chức thanh tra ngành Nội vụ phù hợp quy định pháp luật về thanh tra và Luật Cán bộ, công chức. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ. Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung thanh tra công vụ, nhất là công tác tổ chức cán bộ.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Nội vụ đề xuất Thanh tra Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công chức ngành Thanh tra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm