Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thẩm tra báo cáo công tác giải quyết KNTC năm 2014 của Chính phủ

Thứ năm, 18/09/2014 - 19:27

(Thanh tra) - Sáng 18/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (UBPLQH) đã tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2014.

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm UBPLQH phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Chu Tuấn

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết KNTC năm 2014, số lượng công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để KNTC đã giảm 1,8% so với năm 2013 nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%; số đơn thư KNTC giảm 3,39%; số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước giảm 9,54%. Có 12/63 địa phương số lượng đơn KNTC tăng cao…

Cả nước phát sinh 81.949 đơn KN, trong đó có 36.452 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước (giảm 7,4% số đơn so với cùng kỳ năm 2013 và giảm 9,8% số vụ việc). Nội dung KN hành chính chủ yếu vẫn là lĩnh vực đất đai chiểm 68,2%... Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 30.738/36.452 vụ việc đạt 84,3%. 

Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết 112/158 vụ việc KN phức tạp… Qua giải quyết KN, đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 9,6 tỷ đồng, 44ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 82,1 tỷ đồng, 197,4ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 1.734 người…

Đối với đơn TC, cả nước phát sinh 19.207 đơn, trong đó có 7.974 vụ việc TC thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính (tăng 18,2% so với cùng kỳ 2013 và giảm 8,3% số vụ việc). Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết được 6.978/7.974 vụ việc thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết TC, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 15,2 tỷ đồng, 61,8ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 498 người (đã xử lý 365 người), chuyển cơ quan điều tra 78 vụ, 22 người (đã khởi tố 6 vụ, 14 người)…

Tính đến ngày 15/8/2014, đã giải quyết 494/528 vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP, đạt tỷ lệ 93,56%. Còn 34 vụ việc đang tập trung giải quyết. Đây là những vụ việc rất phực tạp, cần thời gian nghiên cứu, trao đổi, tạo được sự đồng thuận để có phương án giải quyết dứt điểm. 

Sau khi cơ bản giải quyết các vụ việc theo Kế hoạch 1130, ngày 19/9/2013, TTCP đã ban hành Kế hoạch 2100/KH-TTCP để tiếp tục giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp khác. Tính đến ngày 15/8/2014, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát 537 vụ việc. Trong đó, có 215 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý, 288 vụ việc đang xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Một số địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 2100 là Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp, Cần Thơ…

Đại biểu tham dự cuộc họp. Ảnh: Chu Tuấn

Tại cuộc họp, ông Trần Đình Long - Phó Chủ nhiệm UBPLQH trình bày dự thảo kiến nghị của UBPLQH:Trong thời gian tới Chính phủ cần thực hiện tốt một số giải pháp: Chỉ đạo rà soát, xem xét chấn chỉnh bộ máy và cán bộ công chức làm công tác liên quan đến quản lý thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, một lĩnh vực mà trong suốt thời gian qua phát sinh nhiều KNTC gây bất bình trong nhân dân; cần tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc xử lý, giải quyết đơn thư KNTC của công dân do đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến và kịp thời thông báo kết quả giải quyết; đề nghị TTCP tăng cường công tác thanh tra giải quyết KNTC, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nắm bắt kịp thời và xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong lĩnh vực KNTC, nhất là thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng… 

Ông Trần Đình Long nhấn mạnh, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác giám sát việc giải quyết KNTC, tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực còn tồn tại nhiều KNTC; tổ chức giám sát một số vụ việc nổi cộm, bức xúc được xã hội quan tâm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền đối với việc để xảy ra KNTC do sự yếu kếm, thiếu trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức do mình quản lý…

Đa phần các đại biểu đều nhất trí dự thảo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết KNTC năm 2014 của UBPLQH. Tuy nhiên, còn một số nội dung được các đại biểu quan tâm trong việc giải quyết KNTC năm 2014.

Đại biểu Trần Tiến Dũng, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, vấn đề xử lý sau thanh tra trách nhiệm mới chỉ kiến nghị nhắc nhở để địa phương làm tốt hơn. Chưa đề cập nhiều tới việc xử lý cán bộ, người đứng đầu, hình thức kỷ luật…

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đóng góp ý kiến. Ảnh: Chu Tuấn

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng góp ý, việc giải quyết đơn thư KN chỉ là phần ngọn, cái gốc của vấn đề là chính sách pháp luật chưa thật sự phù hợp với thực tiễn. Việc tổ chức thực hiện chính sách chưa tốt. Địa phương thực hiện các chính sách của nhà nước chưa hết tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa thật sự nâng cao đã dẫn tới tình trạng giải quyết KN của dân còn kéo dài.

Ông Thuyền cũng kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu những chính sách phù hợp với người dân, với thực tiễn. Cán bộ tiếp dân phải có năng lực thật sự, có tâm huyết, tránh tình trạng vô cảm với người dân…

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu. Ảnh: Chu Tuấn

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực UBPLQH góp ý: Trong Luật KN, Luật TC đã quy định rất rõ thời hiệu giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều địa phương vi phạm thời hiệu giải quyết đơn KNTC, rất hiếm trường hợp xử lý cán bộ vi phạm về thời hiệu giải quyết KNTC. Hầu như chưa có lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện nào bị kỷ luật về việc vi phạm này. Chính phủ cần có biện pháp xử lý cụ thể những trường hợp này thật nghiêm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết đơn thư KNTC theo đúng luật.

Đại biểu Chu Sơn Hà, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nhất trí với phần đánh giá tại báo cáo của Chính phủ về giải quyết KNTC năm 2014. Tuy nhiên, ông Hà góp ý cần phân tích sâu hơn đối với kết quả giải quyết KNTC. Tỷ lệ giải quyết đúng, sai của từng cấp có thẩm quyền là bao nhiêu, từ đó mới có những đánh giá cụ thể, chi tiết về tình hình giải quyết KNTC…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập tới một số nội dung như: Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá sau hơn nữa về thực trạng KNTC đã kéo dài từ nhiều năm nay; nguyên nhân làm gia tăng số lượt đoàn đông người so với cùng kỳ năm trước; đề ra những biện pháp xử lý những bộ, ngành, địa phương còn yếu kém trong việc thực hiện pháp luật về KNTC…

Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh đánh giá cao những góp ý của các đại biểu. Ảnh: Chu Tuấn

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng TTCP Nguyễn Đức Hạnh ghi nhận, tiếp thu và đánh giá rất cao những ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo. 

Phó Tổng TTCP mong các đại biểu chia sẻ nhiều hơn nữa với Chính phủ, TTCP để làm hoàn thiện những mặt còn hạn chế, nhằm làm tốt hơn nữa công tác giải quyết KNTC trong thời gian tới.

Kết luận tại buổi họp, Chủ nhiệm UBPLQH Phan Trung Lý thống nhất, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến của các đại biểu. UBPLQH sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra báo cáo về công tác giải quyết KNTC năm 2014 của Chính phủ để trình Quốc hội.

 Chu Tuấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm