Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát hiện tham nhũng chủ yếu từ thông tin tố giác của người dân

Thứ sáu, 15/01/2016 - 10:05

(Thanh tra) - Ngày 14/1, Thanh tra tỉnh Phú Thọ đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa. Tham dự có ông Bùi Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Ngô Đại Tuấn, Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ (TTCP).

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: ND

Trong Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN của tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, tình hình triển khai thực hiện pháp luật về PCTN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật PCTN, Nghị quyết Trung ương và các văn bản của Chính phủ, Bộ, ngành về PCTN. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên đối với tỉnh, từ đó tạo được sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong triển khai, hành động của các cấp, các ngành; từng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và đã đạt được những thành quả nhất định.

Trong 10 năm qua (2005 - 2015), toàn ngành Thanh tra tỉnh Phú Thọ triển khai 3.664 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính tại 11.636 đơn vị, qua đó phát hiện 89,1 tỷ đồng và 2,35 triệu m2 đất sai phạm. 

Cơ quan Thanh tra đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của 586 tập thể, 3.878 cá nhân có sai phạm trong quản lý, chuyển 1 vụ việc sang cơ quan điều tra.

Cơ quan Công an cấp tỉnh, huyện đã thụ lý điều tra 46 vụ/84 bị can có hành vi tham nhũng. Tòa án 2 cấp đã xét xử 39 vụ với 84 bị cáo phạm các tội về tham nhũng. Đáng chú ý là, số tiền thiệt hại do tham nhũng gây ra là 38,9 tỷ đồng, tuy nhiên các bị cáo chỉ khắc phục thiệt hại được hơn 10,6 tỷ đồng.

Đại diện Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ tặng thưởng cho các cá nhân, đơn vị xuất sắc. Ảnh: ND

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, yếu kém mà nguyên nhân là do công tác tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện pháp luật PCTN ở một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Công tác dự báo tình hình tại các đơn vị nhằm phục vụ cho việc phòng ngừa, phát hiện vụ việc tham nhũng của các cơ quan chức năng còn chưa kịp thời; số vụ việc tham nhũng phát hiện và xử lý còn chưa được nhiều. Hầu hết, các vi phạm, vụ việc liên quan đến tham nhũng được phát hiện và xử lý là thông qua đơn thư tố giác của công dân.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến vào Báo cáo. Các ý kiến tập trung vào những vấn đề chủ chốt như: Do bất cập từ cơ chế, chính sách và cơ sở pháp lý của pháp luật về PCTN; cơ chế chính sách và việc ban hành các văn bản pháp luật PCTN trong thời gian qua còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, chưa thống nhất, còn chồng chéo, nhiều sơ hở nhưng chậm được xem xét sửa đổi, bổ sung thay thế. Đặc biệt, là các văn bản dưới luật giải thích, hướng dẫn chưa kịp thời, chính xác nên trong áp dụng gặp nhiều khó khăn nhất là quy định về tiêu chí nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác PCTN; một số quy định của Nhà nước ban hành không còn phù hợp với tình hình thực tiễn…

Ông Hoàng Quang Trung, Chánh Thanh tra tỉnh Phú Thọ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: ND

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan, tổ chức chưa được phận định rõ ràng, cụ thể; còn trùng lắp dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động thực hiện pháp luật PCTN của các cơ quan Nhà nước chưa cao.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, ông Hoàng Quang Trung, Chánh Thanh tra tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện pháp luật về PCTN.  

Nam Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm