Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Thanh tra phát hiện vi phạm hơn 92,7 nghìn tỷ đồng

Phương Anh - Phương Hiếu

Thứ năm, 11/07/2024 - 09:10

(Thanh tra)- 6 tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

6 tháng đầu năm, TTCP và toàn ngành Thanh tra tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, tiêu cực. Ảnh: PV

Ngày 11/7, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Thanh tra.

Thực hiện 61.935 cuộc thanh tra

Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm 2024 của TTCP cho thấy, toàn ngành đã triển khai 3.910 cuộc thanh tra hành chính và 58.025 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 92.783,1 tỷ đồng, 292,5 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 59.431,6 tỷ đồng và 24,9 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 33.351,5 tỷ đồng, 252,5 ha đất; ban hành 49.982 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 2.089 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 856 tập thể và 3.862 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 94 vụ, 73 đối tượng.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), 6 tháng đầu năm, có 163.301 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước KNTC, kiến nghị, phản ánh với tổng số người được tiếp là 182.385, trong đó TTCP chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã tiếp 1.195 lượt, với 3.742 người được tiếp đến trình bày về 1.188 vụ việc, có 131 đoàn đông người.

Các cơ quan hành chính tiếp nhận 231.016 đơn các loại; đã xử lý 224.939 đơn, có 189.868 đơn đủ điều kiện xử lý, qua xử lý có 28.261 đơn KN, 21.654 đơn TC, 139.953 đơn kiến nghị, phản ánh; có 12.332 vụ việc KN, 5.015 vụ việc TC thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước.

Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 13.693/17.347 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 78,9%. Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 8,5 tỷ đồng, 0,27 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 25 tỷ đồng, 1,1 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 9 tổ chức, 259 cá nhân; kiến nghị xử lý 238 người (trong đó có 207 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 9 vụ, 6 đối tượng.

Ngoài ra, TTCP tiến hành kiểm tra, rà soát và kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý 102 vụ việc KNTC phức tạp, trong đó có những vụ việc đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân không nhất trí, tiếp tục KN.

TTCP đã  ban hành Quy chế tiếp công dân trực tuyến và mô hình thí điểm tiếp công dân trực tuyến. Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khiếu kiện phức tạp, tồn đọng, kéo dài và đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng khiếu kiện vi phạm pháp luật; thành lập tổ công tác để triển khai kiểm tra, đôn đốc các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài tại các tỉnh, thành phố như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Hải Dương và Lào Cai; đôn đốc, tổng hợp báo cáo của các địa phương về tình hình giải quyết tranh chấp, KNTC về đất đai nông, lâm nghiệp trên toàn quốc báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), 6 tháng đầu năm TTCP tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ triển khai chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo; ngành Thanh tra tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN.

Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết KN, xử lý TC, PCTN được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 2.854 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 228 đơn vị vi phạm.

TTCP cho biết, qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên mọi lĩnh vực. Ảnh: PV

Trong kỳ báo cáo có 15 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 22 người.

Có 282.826 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ; có 2.518 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 19 vụ việc, 29 người, trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 8 vụ, 10 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 7 vụ, 15 người; qua giải quyết KNTC phát hiện 4 vụ, 4 người liên quan đến tham nhũng.

Trong công tác xây dựng thể chế, TTCP đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ và kế hoạch công tác xây dựng thể chế năm 2024 của TTCP ban hành Nghị định về thanh tra chuyên ngành,  ban hành 7 thông tư hướng dẫn nghiệp vụ…

Thực hiện các cuộc thanh tra có trọng tâm trọng điểm

Đánh giá về công tác 6 tháng đầu năm, TTCP nhấn mạnh, TTCP và toàn ngành Thanh tra đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN tiêu cực; bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp.

Trong công tác thanh tra, triển khai thanh tra theo chương trình kế hoạch và thanh tra đột xuất, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực; chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất.

“Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật, trong đó, việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ; công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra tiếp tục có chuyển biến tích cực… Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực và góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, báo cáo của TTCP nêu rõ.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, TTCP và ngành Thanh tra đã tập trung chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhất là thúc đẩy rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự ổn định chính trị, an ninh, trật tự, phục vụ các sự kiện chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong công tác PCTN, tiêu cực, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác PCTN theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; nhất là, triển khai “Chiến lược Quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030; công tác kiểm soát tài sản, thu nhập được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện nghiêm túc, kiến nghị xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Quan hệ phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác PCTN ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Công tác xây dựng thể chế, xây dựng ngành Thanh tra được chú trọng, nhất là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và bảo vệ bí mật Nhà nước. Thanh tra các cấp, ngành tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, sửa đổi quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc để đảm bảo tinh gọn, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả….

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm