Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Phương Hiếu - Nguyễn Nhuần

Thứ năm, 07/07/2022 - 20:00

(Thanh tra) - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Thanh tra, diễn ra sáng ngày 7/7/2022.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LP

Hoàn thành cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng

Phát biểu tại hội nghị, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2022, TTCP và toàn ngành Thanh tra đã nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, nhất là dịch bệnh Covid-19, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác.

Điển hình là đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra theo kế hoạch và các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy chính quyền các cấp (thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; thanh tra việc quản lý thực hiện Quy hoạch điện VII trên phạm vi cả nước…). Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện để ban hành nhiều kết luận thanh tra của các cuộc thanh tra tồn đọng từ nhiều năm trước đây.

Bên cạnh đó, toàn ngành đã có sự phối chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, nhất là Kiểm toán Nhà nước, nên đã cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

“Qua thanh tra, đã chấn chỉnh khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và kiến nghị bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý về kinh tế; kiến nghị xử lý vi phạm hành chính, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong khẳng định.

Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy chính quyền, toàn ngành Thanh tra đã tập trung cao độ trong vòng 6 tháng đã hoàn thành cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi cả nước.

Theo Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong, trong quá trình tổ chức thực hiện cuộc thanh tra chuyên đề này đã có nhiều cơ quan, đơn vị triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phát hiện được nhiều vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật, điển hình như: Thanh tra TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, TP Cần Thơ, Bạc Liêu.

“Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chậm triển khai, chất lượng và kết quả thanh tra còn hạn chế đã ảnh hưởng ít nhiều tới tiến độ chung và kết quả của cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng”, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong lưu ý.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong cho biết, ngay sau khi chuyển chống dịch sang trạng thái bình thường mới, số đoàn, số lượt người KNTC đến trụ sở tiếp công dân dần tăng trở lại như thời điểm trước dịch.

Toàn ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên cơ bản đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội, nhất là phục vụ tốt các sự kiện lớn của đất nước như: Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Sea Games 31; tập trung rà soát, đôn đốc kiểm tra việc giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài theo Quyết định 1849 và Kế hoạch 363.

Đáng lưu ý, 6 tháng qua, một số bộ, ngành, địa phương đã triển khai, tổ chức thực hiện khá tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Tại một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố, thủ trưởng tiếp công dân trực tiếp đạt tỷ lệ cao: Hà Giang, Lai Châu, Kon Tum, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng…

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong chủ trì hội nghị. Ảnh: LP

Công tác PCTN đã triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là đã hoàn thiện cơ bản dự thảo báo cáo tổng kết Chiến lược Quốc gia về PCTN và thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; xây dựng chuyên đề về kiểm soát quyền lực để PCTN trong hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tăng cường đôn đốc, xử lý sau thanh tra

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong đề nghị ngành Thanh tra cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ năm 2022.

Tiếp tục bám sát định hướng chương trình thanh tra năm 2022, yêu cầu, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính và tình hình thực tế để tiếp tục tổ chức thực hiện hoàn thành kế hoạch thanh tra và nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao; xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2023 có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy chính quyền các cấp. Tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhất là về tiền, tài sản, đất đai và xử lý cán bộ vi phạm.

Tham mưu triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết KNTC trong bối cảnh trạng thái tình hình mới khi KNTC gia tăng.

Người đứng đầu ngành Thanh tra cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với TTCP để rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài theo Quyết định 1849 và Kế hoạch 363. Chủ động nắm bắt tình hình khiếu kiện của công dân, tập trung giải quyết ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, an ninh, trật tự phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác PCTN theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh.

Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về xây dựng thể chế và xây dựng ngành mà trọng tâm là tiếp thu hoàn thiện Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4, diễn ra vào tháng 10 tới; tiếp tục củng cố và xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, xây dựng lực lượng cán bộ thanh tra chuyên nghiệp, kỷ cương, trách nhiệm, liêm chính, có bản lĩnh, đi đầu trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa thanh tra với các bộ, ban, ngành, địa phương, giữa thanh tra với các cơ quan trong khối nội chính. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân và toàn xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN, tiêu cực.

Phát hiện vi phạm hơn 25 nghìn tỷ đồng và 9,6 nghìn ha đất

Trình bày báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 tại hội nghị, Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam cho biết, thời gian qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 25 nghìn tỷ đồng, hơn 9,6 nghìn ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi hơn 10,2 nghìn tỷ đồng và 134ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 14,7 nghìn tỷ đồng, 9,4 nghìn ha đất; ban hành 57.154 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.243 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 163 vụ, 89 đối tượng.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, 6 tháng đầu năm, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 158.824 lượt người, tiếp nhận 186.824 đơn thư các loại. Xử lý được 175.493 đơn, có 151.036 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 80,8% tổng số đơn đã xử lý). Qua xử lý, có 13.741 đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước.

"Dù khối lượng công việc nhiều, trong đó có nhiều nhiệm vụ đột xuất, nhưng hoạt động chỉ đạo, điều hành của ngành Thanh tra luôn được đảm bảo liên tục, thông suốt...", Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh.

Thông qua công tác giải quyết KNTC, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 3,4 tỷ đồng, 1,6ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 16,9 tỷ đồng, 3,3ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 20 tổ chức, 258 cá nhân; kiến nghị xử lý 279 người (trong đó có 231 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 13 vụ, 14 đối tượng (có 10 cán bộ, công chức).

Các cấp, ngành đã triển khai nhiều nhiệm vụ theo Luật PCTN 2018, nhất là các nhiệm vụ theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và chỉ đạo, kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN, tiêu cực. Kết quả phát hiện số vụ việc tham nhũng và số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã công bố, công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết KN, xử lý TC, PCTN theo đúng quy định của pháp luật. Có 67/4.538 cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra vi phạm về công khai, minh bạch. Trong kỳ báo cáo, có 22 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người. Các cơ quan hành chính Nhà nước phát hiện 30 vụ việc, 40 người có hành vi tham nhũng.

TTCP đã tập trung triển khai xây dựng các đề án, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2022 của Chính phủ và kế hoạch xây dựng thể chế năm 2022 của TTCP. Trong đó, TTCP giúp Chính phủ hoàn thiện Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3; nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra (sửa đổi); trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, KN,TC, kiến nghị, phản ánh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin lùi thời gian trình Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTCP sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được thông qua.

Các bộ, ngành tích cực, chủ động tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN liên quan đến tổ chức và hoạt động của thanh tra bộ, ngành.

Thanh tra các cấp, các ngành cũng đã quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức.

Công tác thi đua khen thưởng được đẩy mạnh; chế độ, chính sách cho người lao động được đảm bảo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm