Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động giáo dục

Xuân Thống

Thứ ba, 30/11/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), thời gian qua, Thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động.

Lãnh đạo tỉnh và Sở GD-ĐT kiểm tra tại một điểm lẻ Trường Tiểu học Châu Phong, huyện Qùy Châu. Ảnh: Xuân Thống

Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tồn tại, bức xúc

Năm học 2019 -2020, tại Trường Mầm non Bình Minh, thị xã Cửa Lò xảy ra tình trạng thu tiền trái quy định, gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận. Theo nhiều phụ huynh, trong năm học này, trường đã buộc phụ huynh đóng nhiều khoản thu trái quy định, trong đó có tiền học liệu, tiền nước uống và tiền lao công. Sự việc không được giải quyết trong thời gian dài nên phụ huynh đã đến tận trường tìm hiểu, phản ứng việc thu-chi của trường, một số đã có đơn thư tố cáo.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Cửa Lò đã trực tiếp xuống Trường Mầm non Bình Minh tiến hành kiểm tra việc thực hiện thu chi đầu năm học 2019 - 2020. Phòng đã lập tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra làm rõ thông tin dư luận phản ánh, để kịp thời có hướng khắc phục.

Ông Phùng Đức Nhân, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết: Thời điểm đó, trong ngành Giáo dục địa phương đã gây sự chú ý của dư luận khi để xảy ra sự việc kéo dài.

Sau khi lập tổ xác minh, Phòng GD-ĐT phát hiện trường tự đặt khoản thu tiền vệ sinh, lao công với số tiền 70.000 đồng/trẻ/năm. Trường không công khai danh mục các sản phẩm, danh mục tài liệu, học liệu theo chương trình giáo dục mầm non được thẩm định gửi kèm theo Công văn 281/CV-PGDĐT để phụ huynh, giáo viên tham khảo, nghiên cứu mua sắm. Ngoài ra, một số danh mục giá cả không đồng nhất với giá trong danh mục được thẩm định giới thiệu; thu sai tiền bảo hiểm thân thể, tự đặt quy định thu gộp theo 2 kỳ/năm (kỳ 1 thu 5 tháng, kỳ 2 thu 4 tháng còn lại); tự đặt ra tiền học phí, tài liệu trẻ làm quen tiếng Anh, giáo dục kỹ năng sống nhưng không đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan quản lý; trường chưa trình kế hoạch để Phòng GD-ĐT phê duyệt, nhưng tự ý triển khai mức thu.

“Với những sai phạm trên, Phòng GD-ĐT Cửa Lò chỉ đạo Hiệu trưởng tổ chức họp phụ huynh, nhận khuyết điểm về những nội dung triển khai không đúng quy định và trả lại cho phụ huynh học sinh các khoản thu sai quy định. Qua việc này không chỉ kịp thời phát hiện những tồn tại của trường để khắc phục mà còn để răn đe, nhắc nhở và phòng ngừa tất cả các trường khác trên địa bàn trong việc công khai, thu đúng các khoản thu, nhất là những dịp đầu năm học” - ông Nhân cho hay.

Tại huyện Anh Sơn, mấy năm trước có dư luận tại một trường ở xã Thọ Sơn có tình trạng nhà trường “cấu kết” với các đơn vị cung cấp thực phẩm tại bếp ăn tập thể “tuồn” những mặt hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và pha sữa uống cho học sinh trong trường không đảm bảo, gây bức xúc trong nhân dân và phụ huynh. Nhận được thông tin, Công an huyện đã cử cán bộ đến xác minh, đồng thời phối hợp với Phòng GD-ĐT để giải quyết. Phòng GD-ĐT một mặt giao Công đoàn ngành trực tiếp làm việc với trường và đối thoại với người dân, mặt khác thành lập tổ kiểm tra nhằm làm rõ sự việc khi có kết luận từ cơ quan chuyên môn để tạo sự ổn định tâm lý phụ huynh học sinh. Trong lúc chờ xác minh sự việc, lãnh đạo Phòng đã quyết định tạm dừng công tác Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng của trường này.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, việc kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục đã được quy định rõ ràng theo phân cấp quản lý. Tuy vậy, có thể thấy, hoạt động thanh tra, kiểm tra đã giúp phát hiện, kiến nghị, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại; đồng thời xác định được trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và tổ chức đảm bảo theo đúng pháp luật, qua đó xử lý nghiêm những sai phạm nếu có và làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản ý giúp thực hiện chủ trương, đường lối và các chính sách về giáo dục đảm bảo quy định.

 Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra giáo dục

Ông Nguyễn Trọng Bé, Chánh Thanh tra Sở GD- ĐT Nghệ An cho biết: Thanh tra giáo dục có vị trí quan trọng trong việc đảm bảo nề nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục của toàn ngành. Thời gian qua, thanh tra giáo dục có nhiều đổi mới theo, hoạt động thanh tra giáo dục đã chuyển mạnh từ thanh tra nặng về chuyên môn sang thanh tra quản lý nhằm tác động vào cả hệ thống, qua đó tạo sự đồng thuận, cộng tác, tuân thủ, hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Thanh tra Sở GD- ĐT Nghệ An đã xây dựng và tiến hành thanh tra theo kế hoạch làm căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 5972/CT-BGDĐT và Thông báo số 47/TB-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Như Kế hoạch thanh tra những nội dung trọng tâm gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thanh tra đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành. Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhân sự làm công tác thanh tra. Đảm bảo đội ngũ cán bộ Thanh tra Sở GD-ĐT đủ về số lượng, có chất lượng, ổn định; sắp xếp, bố trí hợp lý để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo các vị trí việc làm tối thiểu theo quy định.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong ngành. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 1266/2017 của Sở GD&ĐT triển khai thực hiện Kết luận 10/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” trong ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An.

Đổi mới hoạt động thanh tra, kiểm tra: Xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng tinh giản (số lượng, nội dung, quy mô tổ chức) nhưng có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; không thanh tra toàn diện nhà trường và hoạt động sư phạm nhà giáo; có thể thanh tra, kiểm tra nhiều nội dung tại một đơn vị hoặc thanh tra một số nội dung tại nhiều đơn vị như: Việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, quản lý giáo dục; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên; đạo đức nhà giáo; thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường; thực hiện quy chế chuyên môn; dạy thêm học thêm, thu chi tài chính trái quy định… kịp thời tiến hành thanh tra đột xuất khi cần thiết. Tăng cường phối hợp với cơ quan thanh tra nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch, tiến hành thanh tra và xử lý sau thanh tra có hiệu quả, tránh chồng chéo.

Thực hiện tốt công tác truyền thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thanh tra đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành. Người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức cập nhật thông tin phản ánh những sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý, công tác dạy và học trên địa bàn, tại đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng; xác minh, xử lý và trả lời kịp thời theo thẩm quyền; thông báo kết quả, triển khai, công bố kết luận thanh tra theo quy định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm