Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Muốn công dân đồng thuận thì phải công khai, minh bạch

Thứ sáu, 09/03/2018 - 09:32

(Thanh tra)- Đây là một trong nhiều nội dung được nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình chia sẻ với phóng viên Báo Thanh tra xung quanh các bài viết đầu tháng 3/2018, phản ánh về thực trạng một số cơ quan chuyên môn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm công khai, minh bạch về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho công dân, dẫn đến hiện tượng tiếp khiếu, tiếp tố vượt cấp.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình chủ trì làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014. Ảnh: Ngọc Giang

Dân thuận thì việc sẽ xong

Theo nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình, thời gian qua Thanh tra Chính phủ đã chủ động xây dựng hàng loạt quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Sau đó Quốc hội đã thông qua Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Chính phủ đã có các Nghị định hướng dẫn, còn Thanh tra Chính phủ đã ban hành nhiều Thông tư cụ thể hóa quy định này. Từ đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng kết quả đạt được còn hạn chế, nhiều vụ việc giải quyết chưa triệt để, đạt hiệu quả như mong muốn.

Dẫn chứng vụ việc khiếu nại tại Khu công nghiệp Long Giang, tỉnh Tiền Giang, với quá trình xác minh của hàng chục đoàn thanh tra nhưng công dân vẫn tiếp khiếu vượt cấp vì lòng dân không đồng thuận vì không được biết cơ quan chức năng đã vận dụng các quy định pháp luật cụ thể nào để trả lời là không có cơ sở giải quyết. Chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ thành lập Đoàn Thanh tra với tinh thần công tâm, khách quan, không ngại đụng chạm, chủ động tiếp công dân, đối thoại công khai để làm rõ hàng loạt vấn đề còn có ý kiến khác nhau thì vụ việc đã được làm rõ là công dân đủ điều kiện để nhận hỗ trợ khi UBND tỉnh Tiền Giang thu hồi đất. Ngay sau khi báo cáo kết quả xác minh lần thứ 12 của Thanh tra Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý thì Cục III đã phối hợp cùng UBND tỉnh Tiền Giang công khai cho công dân biết và vận động công dân chấp hành phương án giải quyết đúng lý, hợp tình.

Một bài học khác cũng được nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình chia sẻ để làm rõ câu chuyện phải công khai với nhân dân để khiếu nại, tố cáo được giải quyết dứt điểm tại cấp cơ sở. Đó là thời điểm 47 hộ dân có nhà đất bị thu hồi tại phường 3, quận Gò Vấp để thực hiện DA đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, thông qua Ban Tiếp công dân Trung ương đăng ký gặp lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, để kiến nghị về việc các cơ quan chức năng địa phương không thực hiện đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khi đó, với tư cách là lãnh đạo ngành thanh tra phụ trách khu vực phía Nam, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình đã chủ trì cuộc làm việc, với sự tham gia của UBND TP. Hồ Chí Minh, Thanh tra TP Hồ Chí Minh, đại diện 47 hộ dân, để làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến kiến nghị của dân. Ngay sau cuộc họp này, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đúng kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, có phương án giải quyết phù hợp nên 47 hộ dân đã bàn giao mặt bằng cho địa phương triển khai thi công tuyến đường đúng tiến độ.

Từ trường hợp của 47 hộ dân quận Gò Vấp, đề cập đến vụ việc của một số cán bộ hưu trí phường 2, quận Tân Bình, cũng đang khiếu nại về chính sách bồi thường, tái định cư trong DA đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài mà Báo Thanh tra phản ánh, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình cho rằng: Khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, các kiến nghị đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý từ năm 2011 đến nay nhưng việc thực hiện vẫn chưa dứt điểm thì cần phải xem xét lại toàn diện vụ việc. Cách thức để giải quyết khiếu nại của cán bộ hưu trí phường 2 là Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn gặp gỡ đại diện công dân để ghi nhận các nội dung khiếu nại, sau đó kiến nghị tổ chức đối thoại công khai. Khi tiến hành đối thoại thì lãnh đạo cao nhất của UBND TP. Hồ Chí Minh phải chủ trì, có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, cùng các cơ quan chuyên môn, với tinh thần công khai tất các báo cáo xác minh, cùng căn cứ pháp lý được vận dụng để giải quyết chính sách bồi thường. Nếu làm đúng phương pháp này thì thì vụ việc có thể được giải quyết dứt điểm tại cấp cơ sở như trường hợp 47 hộ dân.

Đừng quay lưng với sự thật

Nhìn nhận một cách khách quan về chủ đề mà Báo Thanh tra phản ánh, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình khẳng định đây là tuyến tin, bài được Ban Biên tập tổ chức bài bản, công phu. Vấn đề được Báo Thanh tra phản ánh đã bắt nhịp được nhịp sống chính trị và đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Đó là Ban Bí thư đã có hàng loạt quyết định nói rõ về trách nhiệm phải công khai, minh bạch, cũng như căn cứ để xử lý sai phạm của Đảng viên liên quan đến lĩnh vực này, còn Chính phủ đang đẩy mạnh tinh thần kiến tạo, vì dân, riêng Thanh tra Chính phủ cũng đang thực hiện trách nhiệm tương tác với công dân, không vì các quy định bất cập của thời kỳ trước đây mà làm khó công dân.

Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình và Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương chủ trì tiếp công dân cuối năm 2014 tại tỉnh An Giang. Ảnh: Ngọc Giang

Thực tế là nơi kiểm định đúng sai của chính sách nên trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo đã cho thấy công khai, minh bạch là giải pháp quan trọng để chính quyền và nhân dân cùng đồng thuận nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Hàng loạt vụ việc kéo dài được báo chí phản ánh, trong đó chủ công là Báo Thanh tra đều có nguyên nhân là lãnh đạo địa phương chưa đối thoại với công dân, còn cơ quan chuyên môn thì ngại khó khăn nên vẫn có tâm lý dùng văn bản cũ, báo cáo cũ để tham mưu cho lãnh đạo phương án giải quyết không có lối ra. Nhiều lãnh đạo UBND cấp quận huyện thì lại có tâm lý tránh né, không dám ban hành quyết định giải quyết, thậm chí có dấu hiệu cố tình làm sai lệch bản chất khiếu nại của công dân, gây tâm lý bức xúc cho công dân vì sự việc kéo dài nhưng chưa bị xử lý nghiêm.

Những điều này theo nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình là điểm đen cần được tẩy rửa bằng kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính. Như trong trường hợp của công dân Huỳnh Văn Cò dù 10 năm ròng rã khiếu nại nhưng chưa một lần được Bí thư quận 7, Chủ tịch UBND quận 7 bố trí thời gian tiếp xúc, hoặc đối thoại công khai. Ngoài việc không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, thì lãnh đạo UBND quận 7 tiếp tục không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. Khi công dân tiếp khiếu thì Thanh tra Chính phủ đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh giải quyết theo thẩm quyền, nhưng điều không minh bạch là quá trình xác minh của một số cơ quan chuyên môn, trong đó có Thanh tra TP. Hồ Chí Minh cũng chưa đúng hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.

Sự việc này cần được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh làm rõ để xử lý đúng trách nhiệm những cán bộ, công chức đã không tuân thủ đúng pháp luật, kỷ cương hành chính khi đã quay lưng lại với sự thật.

Ngọc Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm