Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kiến nghị thu hồi số tiền hàng trăm tỷ đồng

Phương Anh

Chủ nhật, 20/11/2022 - 14:27

(Thanh tra)- Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, thời gian qua, toàn ngành LĐTB&XH đã chủ động, linh hoạt tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật.

Đảng bộ Thanh tra Bộ LĐTB&XH sinh hoạt chuyên đề. Ảnh: Thanh tra Bộ LĐTB&XH

Từ đầu năm đến nay, toàn ngành Thanh tra bộ đã tiến hành hơn 270 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, ban hành hơn 1.600 kiến nghị, gần 90 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn hơn 9,6 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Qua thanh tra hành chính, chỉ ra những vi phạm chủ yếu như: Chưa ký hợp đồng làm việc đối với viên chức; ký hợp đồng lao động không đúng quy định; thực hiện chưa đúng các quy định của Bộ luật Lao động như chưa xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, nội quy lao động, chi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; trình tự bổ nhiệm lại viên chức giữ chức vụ quản lý chưa đảm bảo; thực hiện chưa đúng một số quy định về công tác tài chính như không công khai kế hoạch đấu thầu, đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu trên mạng đấu thầu quốc gia, trên Báo Đấu thầu; hạch toán không đúng tài khoản trên bảng cân đối kế toán; không theo dõi, đối chiếu công nợ cuối năm.

Đối với công tác thanh tra chuyên ngành những lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu như: Lao động, an toàn, vệ sinh lao động, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người có công, bảo hiểm xã hội, trẻ em và xã hội.

Theo đánh giá, các cuộc thanh tra, kiểm tra đều đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của ngành LĐTB&XH và tình hình thực tế; 100% các cuộc thanh tra được giám sát theo quy định pháp luật. Qua thanh tra, đã thực hiện việc rà soát, chỉnh sửa, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản phục vụ công tác quản lý Nhà nước của bộ.

Bên cạnh công tác thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua cũng được quan tâm sát sao và có nhiều chuyển biến. Đến nay, 100% đơn thư đã được xử lý.

Nội dung đơn thư chủ yếu đề nghị xem xét giải quyết chế độ ưu đãi người có công (đề nghị xác nhận liệt sĩ, công nhận thương binh, đề nghị được khôi phục chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) và chế độ bảo hiểm xã hội. Công dân đến bộ đều được giải thích và hướng dẫn nên không có vụ việc phát sinh thành điểm nóng.

Các đơn vị thuộc bộ luôn nêu cao ý thức trách nhiệm; phối hợp nhịp nhàng trong tiếp công dân, xử lý đơn thư. Việc ứng dụng phần mềm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của bộ đem lại hiệu quả cao, rút ngắn được thời gian xử lý đơn thư công dân.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thời gian qua, Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo sâu sát, kịp thời các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ thực hiện nghiêm túc các quy định về PCTN, tiêu cực. Ban hành kế hoạch PCTN, tiêu cực của bộ, trong đó, tiếp tục yêu cầu các đơn vị thuộc bộ tự nhận diện lĩnh vực có nguy cơ, dấu hiệu tham nhũng để phòng ngừa và tổ chức tốt việc thực hiện kế hoạch. Xây dựng kế hoạch thanh tra của bộ, trong đó lồng ghép nội dung thanh tra PCTN trong các cuộc thanh tra hành chính. Chủ động chỉ đạo các đơn vị thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra tham nhũng tại các đơn vị thuộc bộ. Do vậy, trong kỳ báo cáo, thông qua thanh tra, kiểm tra, chưa phát hiện trường hợp có dấu hiệu, hành vi tham nhũng tại bộ.

Theo Thanh tra Bộ LĐTB&XH, công tác thanh tra thời gian qua cũng còn một số hạn chế như: Việc cung cấp thông tin về đối tượng thanh tra (đặc biệt là các công trình xây dựng) của một số địa phương chưa được cập nhật kịp thời, dẫn đến một số cuộc thanh tra, kiểm tra không được tiến hành theo kế hoạch (do các công trình đã hoàn thành). Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị đã được tập trung thực hiện, nhưng việc kiểm tra đối với các đối tượng chưa thực hiện kiến nghị còn chưa được triển khai nhiều; việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của đối tượng còn chưa kịp thời, đầy đủ; công tác thu hồi tiền sai phạm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực người có công...

Để khắc phục những hạn chế này, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH cho biết, trong thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra, tránh chồng chéo; xem xét lựa chon đối tượng thanh tra bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước hoặc các vấn đề bức xúc trong xã hội, trong lĩnh vực của ngành LĐTB&XH. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm hạn chế gây phiền hà đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, ngành LĐTB&XH áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý các cuộc thanh tra, tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát hoạt động thanh tra; theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra.

Tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đối tượng được thanh tra thực hiện nghiêm các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra để bảo đảm và nâng cao hiệu quả của công tác này. Đặc biệt, cần tổng hợp, rà soát các quy định của pháp luật còn bất cập, vướng mắc liên quan đến công tác thanh tra và các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.

Thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân định kỳ; xử lý đơn kịp thời, chính xác, không để tồn đọng; giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của bộ đúng quy định. Tiếp tục duy trì đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực ngành LĐTB&XH...

Về công tác PCTN, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực trong toàn ngành, đặc biệt là các văn bản mới về PCTN, tiêu cực. Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các văn bản quản lý chuyên ngành về lao động, người có công và xã hội để phòng ngừa tham nhũng...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng các đơn vị. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là với Thanh tra Chính phủ và Sở LĐTB&XH ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm hạn chế tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành LĐTB&XH.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm