Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiểm soát tài sản, thu nhập theo tinh thần Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Chủ nhật, 01/09/2019 - 17:35

(Thanh tra)- Kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) là một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, đã được pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều quốc gia ghi nhận. Đây là một biện pháp nhằm mục đích biết được các thông tin về thu nhập và việc chuyển hóa của thu nhập thành các dạng tài sản và các khoản chi tiêu dùng, chi đầu tư của cá nhân.

TS. Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ

1. Những thông tin về thu nhập cần được kiểm soát bao gồm thông tin về các nguồn thu nhập, giá trị thu nhập, thông tin về mọi biến động thu nhập, tài sản và thông tin về các khoản chi phí, đặc biệt là những khoản chi có giá trị lớn của mỗi cá nhân.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát TSTN còn mang ý nghĩa quan trọng nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của đội ngũ cán bộ, công chức. Thông qua việc kiểm soát, cơ quan có thẩm quyền có thể xác định tổng thu nhập hợp pháp của cán bộ, công chức. Kết hợp với các biện pháp về xác minh TSTN, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể kết luận về hành vi làm giầu bất chính của công chức, làm căn cứ để đấu tranh và loại bỏ hành vi tham nhũng. Quy định này chính là cơ chế phòng ngừa hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình nguồn gốc TSTN.

Kiểm soát thu nhập là một vấn đề phức tạp, cần được nhìn nhận bao quát với cả chuỗi sự biến đổi giữa thu nhập với tài sản và các khoản chi tiêu dùng, chi đầu tư. Nếu hình dung tổng thu nhập của một cá nhân là A, tài sản B và chi tiêu dùng là C thì ta sẽ có A = B + C. Chỉ kiểm soát A sẽ ít hiệu quả, nhất là chỉ bằng việc kê khai. Cần đặt việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong mối quan hệ tổng thể với việc kiểm soát B và C.

Kiểm soát thu nhập phải gắn liền với kiểm soát tài sản và cả các khoản chi tiêu dùng, chi đầu tư, để tất cả tiền, tài sản liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn đều bị kiểm soát và có các cơ sở để đối chứng khi xác minh.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cần phối hợp nhiều biện pháp, tạo một cơ chế đồng bộ và có sự kết nối giữa các phương thức hiện nay như về kê khai TSTN, về nộp thuế thu nhập cá nhân, về thanh toán không dùng tiền mặt và quy định về việc nhận quà tặng và nộp lại quà tặng. Tạo sự kết nối giữa các phương thức trên trong việc giám sát, phát hiện và xác minh các khoản thu nhập có nguồn gốc bất hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Chế định về kiểm soát TSTN được quy định lần đầu trong Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, hướng tới nhóm đối tượng là những người có chức vụ, quyền hạn. Nội dung của chế định này tập trung vào biện pháp kê khai và xác minh tài sản thu nhập, xử lý hành vi kê khai không trung thực mà chưa đặt ra vấn đề giải trình về nguồn gốc TSTN và xử lý TSTN không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được thiết kế với tinh thần “kiểm soát” rất mạnh mẽ, với bốn nhóm trụ cột chính, bao gồm quy định về cơ quan kiểm soát TSTN; về việc kê khai TSTN; về xác minh TSTN và việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN. Trong đó nổi bật với việc mở rộng đối tượng chịu sự kiểm soát, quy định thêm một số loại tài sản phải kiểm soát, công khai và đẩy mạnh việc xác minh TSTN của cán bộ, công chức.

Các quy định về vấn đề này là trụ cột quan trọng trong Luật phòng, chống tham nhũng, có mục đích tạo ra cơ chế phòng ngừa, phát hiện và xử lý hiệu quả, mà trọng tâm là đẩy mạnh việc xác minh, làm rõ các TSTN được kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của TSTN tăng thêm.

- Cơ quan kiểm soát TSTN là một chế định không hoàn toàn mới, được kế thừa bởi những quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cơ quan kiểm soát TSTN được quy định mang tính chuyên trách, tập trung về chức năng và giao cho Thanh tra Chính phủ, cơ quan thanh tra tỉnh và các cơ quan khác ở Trung ương thực hiện việc kiểm soát TSTN đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý. Cơ quan kiểm soát TSTN được quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Bên cạnh đó có những quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong kiểm soát TSTN. Việc quy định này đã tạo ra sự chuyên nghiệp trong việc thực hiện kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả của công tác này.

- Việc kê khai TSTN có những quy định mới cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. TSTN phải kê khai có những nội dung mới như kê khai tài khoản ở nước ngoài, kê khai tổng thu nhập giữa hai lần kê khai. Phương thức và thời điểm kê khai cũng được tiếp cận theo hướng mới. Theo đó, việc kê khai bao gồm kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hàng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ. Đối tượng thuộc diện phải kê khai hàng năm sẽ giảm đáng kể, làm cho việc kê khai đi vào thực chất, có ý nghĩa phòng ngừa tham nhũng nhiều hơn mà không mất quá nhiều chi phí thời gian, vật chất cho việc này.

Luật cũng quy định việc theo dõi biến động TSTN của người có nghĩa vụ kê khai thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai và các nguồn thông tin khác. Điều này tạo cho việc kiểm soát được thực hiện liên tục, không chỉ thể hiện ở việc kê khai, xác minh, giải trình mà còn bị kiểm soát trong suốt thời gian giữa hai lần kê khai.

- Xác minh TSTN cũng có những quy định mới làm tăng khả năng xác định rõ các TSTN được kê khai và đánh giá về nguồn gốc của TSTN tăng thêm. Luật đã quy định thêm các trường hợp cơ quan kiểm soát TSTN sẽ tiến hành xác minh trong đó có việc xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm.

Đây là một nội dung mới làm cho các cơ quan kiểm soát TSTN chủ động hơn trong việc thực hiện kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn.

Việc xác minh theo kế hoạch thể hiện việc kiểm tra thường xuyên và nguy cơ luôn bị xác minh đối với bất kỳ người có nghĩa vụ kê khai nào. Nếu các cơ quan kiểm soát TSTN có đủ nguồn lực để thực hiện xác minh thì trong 1 nhiệm kỳ 05 năm của người được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ được xác minh TSTN ít nhất một lần. Điều này tạo tính răn đe để người có nghĩa vụ kê khai ý thức hơn về việc kê khai TSTN và việc hình thành TSTN  của mình.

Luật cũng đã quy định những trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý đối với việc kê khai TSTN không trung thực hay giải trình nguồn gốc TSTN tăng thêm không trung thực.

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN được xây dựng nhằm lưu trữ, khai thác các thông tin về bản kê khai, kết luận xác minh TSTN và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát TSTN. Việc hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia tạo cơ sở thống kê quan trọng trong việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là phục vụ việc xác minh, làm rõ tính trung thực của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của TSTN tăng thêm.

Điều này không chỉ giúp xác minh, làm rõ tài sản của một cá nhân mà có thể kiểm soát sự chuyển dịch của một số tài sản nhất định với những dữ liệu trong hệ thống, nhất là những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hay có những dấu hiệu đặc thù để nhận biết.

3. Các quy định với tinh thần mới về kê khai, xác minh, giải trình về TSTN của người có chức vụ, quyền hạn đã làm cho chế định về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 đầy đủ và toàn diện hơn.

Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế vẫn luôn có những khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung và những cơ quan, người có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện Luật nói riêng.

Trong thời gian tới, cần thiết sớm ban hành Nghị định hướng dẫn một số điều về kiểm soát TSTN và thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến các cơ quan, tổ chức và đông đảo quần chúng nhân dân về vấn đề này, để mỗi cá nhân, trong phạm vi trách nhiệm của mình thực hiện đúng đắn các quy định về kiểm soát TSTN, góp phần phòng, chống tham nhũng.

TS. Trần Văn Long

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm