Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm
Chủ nhật, 22/01/2023 - 06:36
(Thanh tra)- Ngày 14/11/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) với 459/471 (chiếm 92,17%) đại biểu tham gia tán thành. Luật Thanh tra 2022 được ban hành nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thanh tra 2010 qua hơn 10 năm thực hiện.
Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, những điểm mới của Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thanh tra. Ảnh: TH
Với 8 chương và 118 điều, Luật Thanh tra 2022 có sự kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra 2010 và bổ sung những quy định mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn sâu sắc, toàn diện về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra hiện nay.
Báo Thanh tra trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm về những điểm mới trong Luật Thanh tra (sửa đổi).
Thứ nhất, bỏ hình thức thanh tra thường xuyên mà bản chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên của thủ trưởng các cơ quan quản lý; thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Thực tế hiện nay, nhiều hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành chủ yếu là nhằm phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội có hành vi vi phạm để bảo đảm trật tự quản lý. Không ít hoạt động thanh tra chuyên ngành hiện nay thực chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên đã bị “thanh tra hóa”. Vì vậy, luật đã bỏ hình thức thanh tra thường xuyên, vì thực chất đây là hoạt động kiểm tra của bất kỳ cơ quan quản lý nào. Điều 46 của luật quy định hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Luật Thanh tra 2022 cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước. Thông qua các hoạt động kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện sơ hở, yếu kém trong quản lý, làm tốt biện pháp phòng ngừa, cũng như thúc đẩy việc thực thi nhiệm vụ, công vụ nhằm nâng cao tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan có chức năng thanh tra, vừa bảo đảm hiệu quả hoạt động, vừa không làm tăng số lượng đầu mối và biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Về cơ bản, cơ quan thanh tra theo cấp hành chính không thay đổi nhiều, nhưng thanh tra theo ngành, lĩnh vực có một số thay đổi để phù hợp với yêu cầu quản lý.
Đối với việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, luật cho phép thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ với những ngành, lĩnh vực thực sự có nhu cầu, thay vì như hiện nay chỉ có thanh tra bộ và một số cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Các cơ quan thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập theo những tiêu chí cụ thể, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.
Việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Hơn nữa, không phải ở tất cả các tổng cục, cục thuộc bộ hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đều thành lập tổ chức thanh tra mà sau này Chính phủ sẽ rà soát, xem xét, chỉ cơ quan nào thực sự cần thiết và có đủ năng lực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì mới được thành lập cơ quan thanh tra.
Song song với việc thành lập cơ quan thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, luật cũng có những quy định về thẩm quyền thanh tra để tránh chồng chéo, trùng lặp giữa thanh tra bộ với thanh tra tổng cục, cục. Về nguyên tắc thì đối với lĩnh vực mà tổng cục, cục đã được phân cấp quản lý thì hoạt động thanh tra sẽ do thanh tra của tổng cục, cục đó đảm nhiệm, thanh tra bộ chỉ tiến hành thanh tra đối với vụ việc mà nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực công tác, những vụ việc do bộ trưởng giao và tiến hành thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của thanh tra tổng cục, cục khi phát hiện có vi phạm pháp luật.
Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu đúng tinh thần các quy định của luật
Luật Thanh tra 2022 ngoài những điểm mới cơ bản nêu trên, còn có nhiều nội dung đổi mới quan trọng khác.
Trong thời gian tới, để tổ chức thi hành Luật Thanh tra có hiệu quả, cần tích cực triển khai thực hiện các hoạt động gắn với trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó xác định trọng tâm một số nhiệm vụ, bao gồm:
Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho các cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu đúng tinh thần các quy định của luật, tạo cơ sở cho việc thực hiện đúng đắn trên thực tiễn. Việc tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.
Tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành, địa phương và của Chính phủ, trong đó trọng tâm là việc xây dựng nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra và Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Đây là hai văn bản quan trọng cần được thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực vào 1/7/2023.
Đối với thanh tra sở, Luật Thanh tra 2022 quy định theo hướng không phải tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra để tránh dàn trải. Điều này xuất phát từ thực tế ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay có từ 15 đến 19 tổ chức thanh tra sở nhưng biên chế rất ít, nhiều địa phương chỉ có khoảng trên dưới 50 người, cá biệt có địa phương chỉ có 25 biên chế.
Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở tất cả các sở nên một số cơ quan chỉ được bố trí từ 1 đến 2 biên chế, dẫn đến hoạt động nặng về hình thức, không hiệu quả.
Để đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra sở, khắc phục bất cập, hạn chế nêu trên, luật quy định về việc thành lập theo những tiêu chí cụ thể nhằm phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng địa phương. Luật giao quyền chủ động cho UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương và biên chế được giao, trừ một số trường hợp đặc thù do luật định và theo quy định của Chính phủ.
Đối với một số sở không thành lập cơ quan thanh tra thì nhiệm vụ thanh tra được giao cho thanh tra tỉnh thực hiện. Thanh tra tỉnh được bổ sung biên chế, tăng cường năng lực hoạt động để đáp ứng các nhiệm vụ mới được giao. Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn đầu mối, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Ngoài ra, Luật Thanh tra 2022 cũng cho phép thành lập cơ quan thanh tra ở các cơ quan thuộc Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Do đó, Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ khi đáp ứng đủ các điều kiện gồm được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước; được luật giao nhiệm vụ thanh tra.
Thứ ba, quy định cụ thể trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.
Đối với hoạt động thanh tra, luật vừa được thông qua sẽ khắc phục việc chậm ban hành kết luận thanh tra, tiến tới sẽ không còn chậm nữa. Luật quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục để tiến hành một cuộc thanh tra từ thành lập đoàn thanh tra, thu thập thông tin, chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, ra kết luận thanh tra, công khai kết luận thanh tra (trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 49; thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo quy định tại Điều 50).
Đây chính là điểm quan trọng để phân biệt hoạt động thanh tra, dù là thanh tra hành chính hay chuyên ngành cũng phải được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp, khác với hoạt động kiểm tra thường xuyên được thực hiện linh hoạt, đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, bảo đảm trật tự, kỷ cương trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Khoản 1 Điều 78 của luật quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra.
Vấn đề báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra cũng được quy định cụ thể trong một số trường hợp gồm: Dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp. Luật cũng quy định cụ thể thời hạn chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.
Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra. Đồng thời, bổ sung quy định thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn quy định.
Cũng phải nói thêm rằng, Luật Thanh tra 2022 còn cho phép một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra. Với cuộc thanh tra có nhiều nội dung, thì nội dung nào rõ và đủ cơ sở thì kết luận ngay để phục vụ công tác quản lý Nhà nước và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác theo quyết định thanh tra. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh sự cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý.
Để bảo đảm kết luận thanh tra được chính xác, khách quan và có tính khả thi, luật quy định về việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra theo hướng chỉ là thủ tục bắt buộc đối với một số cơ quan thanh tra. Cụ thể:
Đối với dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.
Luật quy định người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra để bảo đảm mục đích, yêu cầu và các nội dung theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt. Việc phân công thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm định.
Ngoài ra, nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả của hoạt động thanh tra, luật có quy định trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên đoàn thanh tra trong việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.
Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra ra quyết định giao công chức hoặc thành lập tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, trong đó xác định rõ nội dung, thành phần, thời gian và phương thức giám sát. Quyết định giám sát được ban hành cùng thời điểm ban hành quyết định thanh tra hoặc trong quá trình tiến hành thanh tra khi có thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về hoạt động của đoàn thanh tra.
Luật cũng quy định cụ thể về nội dung giám sát, nhiệm vụ, quyền hạn của người giám sát và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, xây dựng báo cáo kết quả giám sát.
Thứ tư, xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Vấn đề chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán Nhà nước là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và các doanh nghiệp. Để giảm tình trạng này, Luật Thanh tra 2022 có nhiều quy định mới.
Nếu như trước kia việc lập kế hoạch còn mang tính riêng rẽ, độc lập thì nay kế hoạch thanh tra được tập trung về các đầu mối theo hướng mỗi bộ có một kế hoạch thanh tra chung của bộ, trong đó tích hợp kế hoạch thanh tra của thanh tra bộ và kế hoạch thanh tra của tổng cục, cục thuộc bộ (nếu có); mỗi tỉnh chỉ có một kế hoạch thanh tra chung của tỉnh trong đó bao gồm kế hoạch thanh tra của thanh tra tỉnh, kế hoạch thanh tra của các sở và kế hoạch thanh tra của các huyện. Quá trình xây dựng kế hoạch chính là quá trình “khử” sự trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Trường Cán bộ Thanh tra đã bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính khoá 17 năm 2024 cho 63 học viên đến từ thanh tra các bộ, ngành và các tỉnh, thành phía Bắc, Bắc Trung bộ.
Phương Anh
21:53 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hà Tĩnh, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông năm 2024.
Hoàng Nam
21:38 22/11/2024Phương Hiếu
21:36 22/11/2024Cảnh Nhật
21:31 22/11/2024Lê Hữu Chính
17:40 22/11/2024Lâm Ánh
15:43 22/11/2024Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương
Nam Dũng
Hoàng Nam
Lâm Ánh
Phương Hiếu
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Trần Kiên
PV