Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hiến kế phát triển ngành Thanh tra trong thời gian tới

Thứ năm, 17/01/2019 - 20:09

(Thanh tra)- Làm thế nào để hạ nhiệt điểm “nóng” khiếu nại, tố cáo (KN,TC); thanh tra “vụ nào, ra vụ đó, rõ ràng, khách quan”; đấu tranh “không khoan nhượng” với tham nhũng; toàn ngành “đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”…

Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Lê Vũ Tuấn Anh. Ảnh: H.G

Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Vũ Tuấn Anh: Thanh tra đột xuất địa phương giải quyết KN,TC thấp

Ông Lê Vũ Tuấn Anh cho biết, việc giải quyết KN, TC về đất đai thuộc thẩm quyền của địa phương vẫn chậm. Tình trạng người dân gửi đơn KN vượt cấp lên các cơ quan Trung ương vẫn không giảm, chiếm hơn 80% vụ việc Bộ TN&MT nhận được. Dự báo năm 2019, tình hình KN, TC tranh chấp đất đai vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể phát sinh điểm “nóng”.

Để từng bước khắc phục, hạn chế KN,TC trong lĩnh vực đất đai, giải quyết dứt điểm các vụ KN đông người, phức tạp, kéo dài, theo Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT, bên cạnh tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật thì UBND các cấp cần tăng cường, nâng cao trách nhiệm trong việc ban hành quyết định hành chính về đất đai, bảo đảm đúng quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát thi hành Luật Đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.

“Với các vụ việc đông người, phức tạp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo, giao cơ quan tham mưu tiến hành kiểm tra, rà soát; trực tiếp tổ chức đối thoại để có phương án giải quyết bảo đảm quy định của pháp luật. Quá trình giải quyết nếu có vướng mắc thì kịp thời trao đổi với TTCP, Bộ TN&MT để thống nhất biện pháp giải quyết dứt điểm”.

Cũng theo Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT, cần “thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật giải quyết KN,TC đối với địa phương để xảy ra nhiều vụ việc KN,TC hoặc chất lượng, hiệu quả giải quyết KN,TC thấp, không chấp hành chỉ đạo của cấp trên”.

Chánh Thanh tra Bộ Công an Đỗ Văn Hoành: Xử nghiêm trường hợp lợi dụng quyền KN,TC vi phạm pháp luật

Chánh Thanh tra Bộ Công an Đỗ Văn Hoành. Ảnh: H.G

Theo ông Hoành, để hạn chế tình trạng KN, TC vượt cấp, đông  người, phức tạp cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng lực lượng thanh tra thực sự “trong sạch, vững  mạnh, liêm chính”, nâng cao trình độ, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Với lực lượng Thanh tra Công an thì phải phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu lãnh đạo chỉ huy làm tốt công tác nắm chắc tình hình, phát hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng quyền tự do, dân chủ, quyền KN,TC để kích động, lôi kéo tập trung đông người, biểu tình trái pháp luật… để có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ Công an, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế xung đột lợi ích dẫn đến phát sinh KN,TC. Trường hợp, có phát sinh vụ việc thì người đứng đầu phải chỉ đạo, giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở để ổn định tình hình, hạn chế KN,TC phức tạp, vượt cấp.

“Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm của các thủ trưởng cơ quan Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC; kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền KN, TC vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự”, ông Đỗ Văn Hoành đề xuất.

Phó Vụ trưởng Vụ 1 (TTCP) Lê Quang Tiệp: Cán bộ bản lĩnh, công tâm sẽ tự tin trước nhiệm vụ khó, phức tạp

Phó Vụ trưởng Vụ 1 (TTCP) Lê Quang Tiệp. Ảnh: H.G

Theo ông Tiệp, khi thanh tra, nhất là các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trước hết cán bộ cần nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, các quy định của pháp luật liên quan đến thực thi công vụ.

Với từng cuộc thanh tra cụ thể, cần căn cứ vào nhiệm vụ để kết hợp việc khảo sát với nắm tình hình để xác định nội dung có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, khâu khảo sát phải tập trung nghiên cứu nhanh, sâu sát, chi tiết nhất có thể đến từng nhóm nội dung.

Phó Vụ trưởng Vụ 1 cho rằng, với những nội dung phức tạp cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng; báo cáo kết quả thanh tra phải rõ ràng, đúng, sai phải có căn cứ pháp luật; tham mưu với lãnh đạo về các nội dung kết luận, kiến nghị phải đảm bảo chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

“Kiểm tra, đánh giá vi phạm đã khó, kiến nghị, xử lý đôi khi còn khó hơn, đòi hỏi kiến nghị, xử lý phải đúng pháp luật, đúng mức độ, đúng đối tượng vi phạm và phải bảo đảm khả thi" - ông Tiệp chia sẻ và nhấn mạnh, ngoài yêu cầu cán bộ thanh tra phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định thì các cuộc thanh tra phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thì chuyên môn, nghiệp vụ phải cao.

Phó Vụ trưởng Vụ 1 nói, "khi có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn tốt, khách quan, công tâm, thận trọng... thì sẽ tự tin trước nhiệm vụ được giao dù phức tạp, khó khăn".

Hàm Cục trưởng Cục 1 (TTCP) Phạm Văn Long: Luôn bố trí lực lượng cán bộ công chức dự phòng, không để bị động

Hàm Cục trưởng Cục 1 (TTCP) Phạm Văn Long. Ảnh: H.G

Từ kinh nghiệm giải quyết các vụ KN,TC do Thủ tướng giao, ông Long cho biết, phải nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng, nhận định nội dung để xem xét xử lý. Ở bất kỳ thời điểm nào, Cục luôn bố trí lực lượng cán bộ, công chức dự phòng đủ để kịp thời triển khai đoàn thanh tra, tổ công tác, không để bị động.

“Khi có kết quả xác minh, kiểm tra của đoàn thanh tra, tổ công tác cùng với những tài liệu, chứng cứ thu thập được thì đoàn, tổ sẽ cũng với lãnh đạo Cục thảo luận, nhìn nhận đánh giá khách quan, chính xác bản chất vụ việc, kể cả khó khăn, vướng mắc, kết hợp với tình hình, hoàn cảnh, điều kiện thực tế địa phương để đề xuất với lãnh đạo TTCP biện pháp xử lý phù hợp”, ông Long nói.

Theo Phó Cục trưởng Cục 1, đoàn thanh tra, tổ công tác phải có chính kiến, khách quan trong kiểm tra, xác minh vụ việc; phải nhìn nhận, đánh giá đúng về vụ việc và tôn trọng thực tế khách quan để có kiến nghị, đề xuất phương án giải quyết phù hợp. Với những vụ việc vì nhiều lý do, việc áp dụng luật pháp có nhiều “lăn tăn” thì đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho công dân để giải quyết chấm dứt vụ việc.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về kết luận giải quyết, Cục sẽ phối hợp với Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra và địa phương, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện; kịp thời xử lý vướng mắc, khó khăn, phát sinh theo quy định pháp luật. Đoàn thanh tra nào được giao kiểm tra, xác minh thì tiếp tục theo dõi, đôn đốc bộ, ngành, địa phương cho đến khi vụ việc được giải quyết, xử lý dứt điểm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh: Xử nghiêm cán bộ ngăn cản chống tham nhũng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh. Ảnh: H.G

Để đạt được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng mà Nghị quyết của Trung ương đã đề ra, theo ông Cảnh, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát, cần tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch; kiểm soát chặt chẽ thu chi ngân sách, các khoản chi cho đầu tư xây dựng, chi thường xuyên, chi phí hội nghị, lễ hội, tiếp khách…

“Cần đẩy mạnh thanh tra công vụ, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, thuế, quản lý thị trường, ngành nghề kinh doanh nhạy cảm… không gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản lý, phụ trách”, ông Cảnh nói.

Phó Chủ tịch tỉnh Long An còn đề nghị, tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử; kiên quyết xử lý kịp thời đúng pháp luật những hành vi tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng; chú trọng biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, bị gây thiệt hại khi xử lý hành vi tham nhũng.

“Thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, TC, điều tra phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, nhất là giữa các cơ quan: Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và Ban Nội chính Tỉnh ủy...”, ông Cảnh đề xuất.

Hương Giang - Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Phát hiện, xử lý tham nhũng trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị

Thanh Hoá: Phát hiện, xử lý tham nhũng trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị

(Thanh tra) - Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tố cáo…

Hương Trà

07:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm