Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Giang: 9 tháng phát hiện vi phạm hơn 26 tỷ đồng

Bùi Bình

Thứ bảy, 14/10/2023 - 09:11

(Thanh tra) - 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh Hà Giang đã ban hành kết luận 142 cuộc thanh tra, kiểm tra và 186 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm hơn 26 tỷ đồng.

Một buổi họp của Thanh tra tỉnh Hà Giang. Ảnh: Bùi Bình

Sai phạm ở nhiều lĩnh vực

Từ đầu năm đến nay, các tổ chức thanh tra trong tỉnh Hà Giang đã triển khai, thực hiện 75 cuộc thanh tra hành chính, (kỳ trước chuyển sang 22 cuộc, triển khai trong kỳ 53 cuộc), trong đó, theo kế hoạch 62 cuộc, đột xuất 13 cuộc.

Những lĩnh vực thanh tra chủ yếu: Quản lý, sử dụng đất, khoáng sản; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán các nguồn kinh phí thực hiện chế độ học sinh; đầu tư xây dựng công trình và các chương trình mục tiêu quốc gia...

Ban hành kết luận thanh tra 58 cuộc (60 kết luận thanh tra) với 105 đơn vị được thanh tra. Qua thanh tra phát hiện những vi phạm chủ yếu như: Xác định sai nghĩa vụ tài chính về đất; chưa thực hiện chuyển mục đích đất để thực hiện dự án; chi không đúng đối tượng; chi sai phụ cấp; thanh toán tiền không có chứng từ; chi vượt định mức; chi hỗ trợ không đúng quy định; thi công thiếu khối lượng công trình…

Trong đó, sai phạm thuộc các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính - ngân sách và đất đai với tổng số vi phạm hơn 14,7 tỷ đồng và 73.552,1 m2 đất. Kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền hơn 12,9 tỷ đồng; xử lý khác về kinh tế hơn 1,8 tỷ đồng; thu hồi 22.772,9m2, xử lý khác 50.779,2m2; xử lý hành chính 10 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, toàn tỉnh triển khai, thực hiện 158 cuộc (kỳ trước chuyển sang 9 cuộc, triển khai trong kỳ 149 cuộc).

Những lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chủ yếu: Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiểm tra tải trọng xe; lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác quản lý tài chính - ngân sách; đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng các công trình xây dựng thuộc dự án điện đến 35kV; lĩnh vực giáo dục; lĩnh vực xây dựng; lĩnh vực tài nguyên môi trường và một số lĩnh vực khác...

Ban hành kết luận thanh tra 85 cuộc; số tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra 212 tổ chức, 219 cá nhân. Kết quả thanh tra, kiểm tra phát hiện 38 tổ chức và 15 cá nhân vi phạm hơn 4,8 tỷ đồng (kiến nghị thu hồi về ngân sách hơn 2 tỷ đồng, xử lý khác hơn 2,7 tỷ đồng).

Nội dung vi phạm chủ yếu: Vi phạm Luật An toàn giao thông; vi phạm tải trọng xe; hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không giấy phép hoạt động; vi phạm các quy định về kinh doanh thuốc và các sản phẩm không phải là thuốc; vi phạm quy định trong lĩnh vực khoáng sản...

Về xử lý vi phạm, đã ban hành 186 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với 116 tổ chức, 70 cá nhân); số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 7 tỷ đồng; xử phạt bằng hình thức khác đối với 7 tổ chức và 9 cá nhân.

Thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm

Về kết quả công tác thanh tra 9 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đánh giá, các tổ chức thanh tra đã chủ động đẩy nhanh tiến độ, tập trung và bám sát chương trình, kế hoạch năm 2023 được phê duyệt để triển khai, thực hiện nhiệm vụ đúng nội dung, thời gian theo quy định.

Qua công tác thanh tra, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm, chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm quản lý, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, phòng ngừa sai phạm, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách pháp luật của các cấp, các ngành, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức thanh tra đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Đồng thời, tập trung tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng và những lĩnh vực nổi cộm, bức xúc mà xã hội quan tâm như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quy hoạch và trật tự xây dựng...

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các đoàn thanh tra, thẩm định, công khai kết luận thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; nâng cao tỷ lệ thu hồi sau thanh tra…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm