Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giảng dạy là lẽ sống!

Thứ bảy, 20/10/2018 - 06:30

(Thanh tra)- Nhanh nhẹn, hoạt bát, gần gũi, thân thiện, tận tâm với nghề nghiệp… Đó là ấn tượng sâu sắc của phóng viên về TS Trương Thị Kim Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra - người có 7 năm gắn bó với công tác đào tạo của ngành Thanh tra.

TS Trương Thị Kim Dung. Ảnh: PA

Trên 20 năm gắn bó với công tác giảng dạy chuyên ngành Luật ở Trường Đại học Luật Hà Nội, sau thời gian đào tạo tiến sỹ Luật học tại Cộng hòa Ucraina, năm 2008, tốt nghiệp trở về, chị công tác tại Trung tâm Tư vấn pháp luật và Đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, Trường Đại học Luật Hà Nội, với cương vị Giám đốc Trung tâm.

Tháng 6/2011, TS Trương Thị Kim Dung về công tác tại Trường Cán bộ Thanh tra - ngôi trường duy nhất của cơ quan Thanh tra Chính phủ - có nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức ngành Thanh tra trên cả nước.

Về với Trường Cán bộ Thanh tra, cùng với những kinh nghiệm làm việc tại Đại học Luật Hà Nội, với bản tính kiên nhẫn, ham học hỏi, cầu thị, chị đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới.

Sau hơn 7 năm gắn bó với ngành, trên 30 năm gắn bó với nghề giáo, nhiều năm liền chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao trọng trách và từng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng, từ Ủy viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn - Trưởng Ban Nữ công Cơ quan Thanh tra Chính phủ đến các trọng trách, nhiệm vụ mà Trường Cán bộ Thanh tra giao như: Công tác tổ chức hành chính; công tác khoa học - thông tin và tư liệu.

Hiện, chị được giao nhiệm vụ phụ trách công tác đào tạo bồi dưỡng; quản trị - tài vụ; Chủ tịch Công đoàn nhà trường, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trường; Thành viên Hội đồng Chuyên môn trường...

Với chức năng và nhiệm vụ mà Thanh tra Chính phủ giao phó cho Trường Cán bộ Thanh tra là đào tạo bồi dưỡng nên TS Trương Thị Kim Dung luôn tích cực, chủ động tham mưu cho Hiệu trưởng về phương pháp đổi mới lề lối làm việc; triển khai công tác tổ chức quản lý có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Quan tâm sát sao trong sắp xếp công việc, để tạo khả năng phát huy vai trò trách nhiệm và năng lực công tác cho từng cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức về tính chủ động và khoa học trong công tác quản lý khóa học, chú trọng tập huấn trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tham mưu kịp thời và có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để Hiệu trưởng trình Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai nhiệm vụ công tác của nhà trường, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng.

TS Trương Thị Kim Dung cùng tập thể cán bộ nữ Trường Cán bộ Thanh tra và các học viên nữ Campuchia tại lễ khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho học viên nước bạn. Ảnh: PA

Điều đáng nói, chị luôn dày công tập hợp tổ chức công việc, thực hiện cải tiến lề lối làm việc, tư duy cách nghĩ, cách làm của cá nhân lãnh đạo và nhân viên bộ phận quản trị tài vụ, phân công trách nhiệm và giao nhiệm vụ có tính đến việc phát huy vai trò cá nhân, duy trì nghiêm túc việc thực hiện các quy định  pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản, làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong công tác chuyên môn, cùng các khoa nghiệp vụ, chị tham gia giảng dạy các khóa đào tạo, bồi dưỡng quốc tế cho nước bạn Lào và Campuchia; tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình phục vụ nghiên cứu học tập và giảng dạy cho học viên và giảng viên; hướng dẫn nghiên cứu khoa học, hướng dẫn nghiên cứu thạc sỹ, tiến sĩ; tham gia hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học các cấp.

Với trách nhiệm làm Chủ tich Hội đồng Khoa học, chị đã góp phần thay đổi nhận thức về công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường: Việc nghiên cứu khoa học là nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, đồng thời định hướng tốt về tư duy nghiên cứu khoa học, tạo nề nếp và xây dựng được phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường  góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên và chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường. Chị luôn tích cực tham gia có trách nhiệm vào công tác bôì dưỡng phát triển giảng viên.

Bên cạnh việc hoàn thành tốt công tác chuyên môn, TS Trương Thị Kim Dung còn gương mẫu tham gia các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, công tác xã hội, từ thiện của Cơ quan Thanh tra Chính phủ và nhà trường. Đặc biệt, giọng ca của chị được nhiều đồng nghiệp, bạn bè biết đến với sự yêu thích và ngưỡng mộ.

Với vai trò là Thường vụ Công đoàn - Trưởng ban Nữ công Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Công đoàn Trường Cán bộ Thanh tra, những năm qua, chị luôn quan tâm sâu sắc, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công đoàn viên nhà trường, xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết, hỗ trợ, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Tổ chức tốt các hoạt động phong trào nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn  trong năm (Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam, Ngày Thành lập trường, Ngày Thành lập ngành, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11….). Vận động quần chúng, công đoàn viên tham gia tích cực vào các hoạt động phong trào, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, ủng hộ bão lụt, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam và các hoạt động từ thiện khác.

Ở bất cứ nhiệm vụ nào, chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được nhiều thế hệ lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Chính phủ, được tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Trường Cán bộ Thanh tra và nhiều thế hệ học viên yêu mến, kính trọng.

TS Trương Thị Kim Dung tại hội thảo chuyên đề khoa học năm 2018. Ảnh: PA

Thời gian gắn bó với ngành mới trên 7 năm nhưng để lại trong chị nhiều ấn tượng, kỷ niệm trong mỗi chuyến công tác, mỗi buổi khai giảng, bế giảng, mỗi giờ lên lớp giảng bài. Sự chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, với những thế hệ học viên là các cán bộ thanh tra đến từ nhiều bộ, ngành, tỉnh/thành phố trên cả nước là những kỷ niệm không bao giờ quên với chị.

"Sự gắn bó giữa công tác thanh tra với công việc của một nhà giáo, tuy khác nhau nhưng lại là một, bởi có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và kiến thức thực tế. Đó chính là yếu tố đặc thù trong đào tạo nghề. Những chuyến đi công tác với tôi là dịp để trao đổi kiến thức thực tiễn với đồng nghiệp, từ đó giúp truyền tải cho học viên có thêm kiến thức chuyên môn để vận dụng vào lĩnh vực công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tại đơn vị mình", TS Trương Thị Kim Dung bộc bạch.

Trường Cán bộ Thanh tra hiện có 28 nữ cán bộ, công chức, viên chức. Với tư cách là lãnh đạo nhưng cũng là người chị cả của tập thể, chị luôn thân thiện với đồng nghiệp, chỉ bảo tận tình, từ văn hóa ứng xử đến việc chia sẻ những kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, và luôn nhắc nhở các đồng nghiệp, thế hệ học viên dù ở hoàn cảnh nào vẫn thực hiện nghiêm chuẩn mực, đạo đức của người cán bộ thanh tra.

Chị mong muốn nhà trường sẽ tiếp tục và luôn nhận được sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và sự chia sẻ của các đơn vị, vụ, cục đối với tập thể cán bộ, công chức và người lao động để nhà trường tiếp tục phát huy nội lực, xây dựng tập thể nhà trường đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm và ngày một phát triển, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của ngành Thanh tra.

Với những đóng góp của mình, trong nhiều năm qua, TS Trương Thị Kim Dung luôn đạt danh hiệu lao động xuất sắc, danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cơ sở; Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ; Bằng khen của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chiến sĩ Thi đua ngành Thanh tra...

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm