Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đẩy mạnh ứng dụng số hoá trong công tác thanh tra, kiểm tra

Trần Quý (Thực hiện)

Chủ nhật, 02/01/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Để hoàn thành tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 đã được phê duyệt cũng như phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả trong điều kiện “bình thường mới”, Thanh tra ngành Giao thông vận tải (GTVT) sẽ triển khai nhiều giải pháp trong công tác chuyên môn.

Ông Lâm Văn Hoàng - Chánh Thanh tra Bộ GTVT. Ảnh: TQ

Đó là chia sẻ của ông Lâm Văn Hoàng - Chánh Thanh tra Bộ GTVT với PV Báo Thanh tra.

+ Xin ông cho biết kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 của Thanh tra Bộ GTVT cũng như thanh tra chuyên ngành?

- Ông Lâm Văn Hoàng: Năm 2021, Thanh tra Bộ GTVT đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành kế hoạch thanh tra của Bộ GTVT theo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ và các nhiệm vụ công tác trọng tâm của Bộ GTVT.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 và chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ về việc tạm dừng, hoãn các cuộc thanh tra phù hợp với tình hình dịch Covid-19, đồng thời để các địa phương, đơn vị tập trung cho công tác phòng, chống dịch và tăng cường sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát (Văn bản số 1785/TTCP-KHTH ngày 6/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về việc rà soát, điều chỉnh triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2021), Thanh tra Bộ đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định điều chỉnh giảm một số cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2021, đặc biệt các cuộc thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thanh tra Bộ GTVT triển khai công tác thanh tra tại cơ sở. Ảnh: TQ

Thanh tra Bộ đã thực hiện 24 cuộc thanh tra, kiểm tra, hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước của ngành GTVT.

Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước (thu hồi gần 8 tỷ đồng về ngân sách Nhà nước; phong toả tài khoản 1 đơn vị, cấm đấu thầu 2 đơn vị; xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 tổ chức, 16 cá nhân có vi phạm có liên quan).

Đối với thanh tra chuyên ngành GTVT, từ ngày 16/12/2020 đến ngày 15/11/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ và thanh tra các sở GTVT đã thực hiện 53.776 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; xử phạt 42.671 vụ vi phạm, với số tiền trên 201 tỷ đồng; tạm giữ 296 ô tô; đình chỉ hoạt động 117 bến và 49 phương tiện thủy nội địa; giám sát 556 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 419 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Ngoài triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra, năm 2021, Thanh tra ngành GTVT đã tập trung lực lượng phục vụ công tác kiểm soát dịch Covid-19. Thanh tra Bộ GTVT đã tham gia xây dựng, trình Bộ GTVT ban hành nhiều hướng dẫn về hoạt động vận tải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19; tham gia các tổ công tác đặc biệt, các đoàn kiểm tra của Bộ GTVT về công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo thanh tra các sở GTVT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống dịch trong hoạt động GTVT. Thanh tra các sở GTVT đã bố trí 1.687 người/2.282 người tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương.

Thanh tra chuyên ngành đường bộ vừa thực hiện công tác chuyên môn vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TQ

+ Bước sang năm 2022, kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ GTVT và thanh tra chuyên ngành sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

- Ông Lâm Văn Hoàng: Nội dung kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 của Bộ GTVT sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tăng cường thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm của dự án xây dựng cơ bản công trình giao thông của một số địa phương; tăng cường các cuộc kiểm tra mang tính phòng ngừa để kịp thời phát hiện ngay từ đầu, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại trong quản lý, thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là đối với các công trình, dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đây là một trong những điểm nhấn của kế hoạch thanh tra năm 2022.

Thanh tra chuyên ngành đường thủy nội địa phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra phương tiện giao thông đường thủy. Ảnh: TQ

+ Năm 2022, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Thanh tra Bộ GTVT và thanh tra chuyên ngành sẽ triển khai những giải pháp nào để vừa hoàn thành kế hoạch thanh tra được phê duyệt, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, thưa ông?

- Ông Lâm Văn Hoàng: Năm 2022, để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra, sau khi Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch, Đảng uỷ, lãnh đạo thanh tra đã lãnh đạo, chỉ đạo Thanh tra Bộ GTVT và thanh tra chuyên ngành xây dựng kế hoạch, phân công tổ chức thực hiện; chỉ đạo có các giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong cách thức triển khai để hoàn thành kế hoạch và các nhiệm vụ đột xuất lãnh đạo giao.

Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường số hoá các văn bản tài liệu để phục vụ quá trình nghiên cứu, triển khai; tăng cường và chú trọng khâu khảo sát, nắm bắt thông tin, thu thập hồ sơ, tài liệu; nghiên cứu lựa chọn, xây dựng đề cương thanh tra tập trung vào nội dung trọng tâm, trọng điểm; trong trường hợp cần thiết yêu cầu đơn vị cung cấp và chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan của nội dung thanh tra đến trụ sở cơ quan thanh tra để kiểm tra, xác minh, tăng cường nghiên cứu tài liệu tại cơ quan, đồng thời tăng cường làm việc với các đơn vị theo hình thức trực tuyến nhằm hạn chế, giảm thiểu thời gian tiếp xúc làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra; tăng cường hậu kiểm, xử lý sau thanh tra.

Ngoài ra, một số hồ sơ tài liệu liên quan đến quản lý, chỉ đạo của Bộ GTVT, thay bằng việc thu thập hồ sơ, tài liệu từ các đơn vị, Thanh tra Bộ GTVT cũng đã đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu trên hệ thống quản lý của Bộ GTVT để phục vụ công tác thanh tra.

Đối với thanh tra chuyên ngành, bám sát kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường số hoá các văn bản tài liệu để phục vụ quá trình nghiên cứu, triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Đặc biệt tuân thủ nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ…

+ Xin cảm ơn ông!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm