Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ tiến hành ra sao?

Thanh Lan

Thứ tư, 15/06/2022 - 17:28

(Thanh tra) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (gọi tắt là kỳ thi) với mục đích giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi thực hiện đúng quy chế thi, các văn bản liên quan đến việc tổ chức kỳ thi và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Trong 2 ngày (14, 15/6), tại tỉnh Bình Định, Bộ GD&ĐT tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra của 32 sở GD&ĐT, 68 cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Nam. Ảnh: https://moet.gov.vn/

Hoạt động thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 góp phần giúp kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi. Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về kỳ thi; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có). Phát hiện những bất cập (nếu có) để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy chế thi, hướng dẫn tổ chức kỳ thi và cơ chế, chính sách liên quan đến Kỳ thi trong những năm tiếp theo.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, giảm áp lực, công bằng, khách quan theo quy định. Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là UBND tỉnh) và sở GD&ĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Tuân thủ quy định của pháp luật; không làm thay nhiệm vụ của hội đồng thi, không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Nội dung thanh tra, kiểm tra bao gồm: Công tác chuẩn bị tổ chức thi. Công tác coi thi. Công tác chấm bài thi tự luận. Công tác chấm bài thi trắc nghiệm. Công tác phúc khảo bài thi. Công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thực hiện kiểm tra đối với đối tượng thanh tra, kiểm tra (hội đồng thi, ban thư ký hội đồng thi; ban coi thi, điểm thi; ban làm phách bài thi tự luận; ban chấm thi tự luận; ban chấm thi trắc nghiệm; ban phúc khảo) thông qua các cách thức, hình thức: Nghe, nhận báo cáo (bằng văn bản hoặc báo cáo trực tiếp). Thu nhận và kiểm tra các văn bản chỉ đạo, phối hợp, quyết định liên quan đến đối tượng thanh tra, kiểm tra. Kiểm tra hồ sơ của đối tượng thanh tra, kiểm tra. Kiểm tra thực tế, làm rõ việc thực hiện nhiệm vụ của đối tượng thanh tra, kiểm tra. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý những sai phạm (nếu có). Lập biên bản thanh tra, kiểm tra với đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, ban chỉ đạo các cấp thành lập các đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi và công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại các địa phương; trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định.

Chánh thanh tra tỉnh cử người tham gia ban chỉ đạo cấp tỉnh và cử người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại địa phương theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh.

Chánh thanh tra sở GD&ĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của sở GD&ĐT; trường hợp cần thiết, giám đốc sở GD&ĐT quyết định.

Cục trưởng Cục Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Những người không được tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra thi

Những người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ (gọi chung là người thân) dự thi trong năm tổ chức Kỳ thi không được tham gia công tác thanh tra/kiểm tra thi tại hội đồng thi nơi có người thân dự thi.

Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích.

Người không đủ các điều kiện khác để tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, ban chỉ đạo cấp tỉnh, thanh tra tỉnh, Thanh tra Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, thanh tra Sở GD&ĐT, lãnh đạo hội đồng thi, trưởng điểm thi tiếp nhận thông tin và giải quyết khiếu nại, tố cáo về kỳ thi theo quy định của quy chế thi và các quy định pháp luật có liên quan.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kỳ thi như sau: Khi nhận được phản ánh vi phạm quy chế thi thì hướng dẫn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.

Trường hợp khiếu nại về công tác tổ chức thi, hồ sơ và điểm bài thi: giải quyết theo quy chế thi.

Trường hợp tố cáo vi phạm quy chế thi: Tổ chức xác minh hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý theo quy chế thi và quy định của Luật Tố cáo.

Xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo về kỳ thi sau khi hội đồng thi giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm