Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 07/02/2019 - 10:25
(Thanh tra)- Là người luôn say mê, tâm huyết với nghề; luôn hết lòng với công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; ngoài nghiên cứu khoa học, ông còn làm thơ, viết văn, viết truyện; là người đặt nền móng cho công tác nghiên cứu khoa học ở cơ quan Thanh tra Chính phủ; có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học được áp dụng trong thực tiễn…
PGS.TS Lê Bình Vọng phát biểu tại Hội nghị nghiên cứu Dự án Luật KN,TC các tỉnh phía Nam năm 1998. Ảnh: PH
Đó là những gì tôi được nghe kể về cố PGS.TS Lê Bình Vọng - 1 trong 2 PGS.TS hiếm hoi của ngành Thanh tra Việt Nam (người còn lại là PGS.TS Trần Hậu Kiêm, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra - Báo Thanh tra đã có bài viết) kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt vào ngày 23/11/1945 cho đến thời điểm này.
Sinh ra và lớn lên tại quê hương Mễ Sơn, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội), năm 1966, cũng như bao thanh niên khác, ông lên đường nhập ngũ. Trong thời gian này, ông làm giáo viên rồi Hiệu phó Trường Nội trú Quân khu Tây Bắc và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1976, ông trở thành sinh viên Luật thuộc Trường Đại học Tổng hợp Ba Cu (Liên Xô cũ). Năm 1982, sau khi tốt nghiệp, ông trở về Việt Nam và tham gia công tác tại Ủy ban Thanh tra Chính phủ (nay là Thanh tra Chính phủ).
5 năm sau, ông trở lại Liên Xô, cũng tại Trường Đại học Tổng hợp Ba Cu, ông đã nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ Luật) với đề tài “Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân Việt Nam - Hình thức biểu hiện của dân chủ xã hội chủ nghĩa”.
Đến năm 1996, ông được phong học hàm Phó Giáo sư. Cũng trong thời gian này, ông được cử làm Hội thẩm Tòa án nhân dân Tối cao nhiệm kỳ 1996 - 2000 và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam. Năm 1999, khi đang trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, do lâm trọng bệnh, ông đã ra đi để lại bao tiếc thương cho gia đình và đồng nghiệp.
Trong 17 năm công tác trong ngành Thanh tra, ông được bổ nhiệm vào các chức vụ: Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Pháp chế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học thông tin Thanh tra kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Pháp chế kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Thanh tra Nhà nước, Thanh tra viên cao cấp, Hội thẩm Tòa án nhân dân Tối cao…
Ngoài ra, ông còn tham gia làm giảng viên kiêm chức của Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Phân viện Hà Nội), Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Cán bộ Thanh tra (Thanh tra Chính phủ).
Mặc dù thời gian gắn bó với ngành Thanh tra không nhiều, nhưng trong 20 năm qua, ông đã để lại nhiều dấn ấn đặc biệt, để rồi trong những câu chuyện về nghề, những thế hệ cán bộ thanh tra luôn nhắc đến PGS.TS Lê Bình Vọng như một tấm gương để noi theo.
Trong 17 năm công tác, ông đã để lại hàng chục công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tiễn và hàng chục đầu sách đã xuất bản mà ông là tác giả rồi chủ biên. Và ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho công tác nghiên cứu khoa học, công tác thể chế tại cơ quan Thanh tra Chính phủ để dần đi vào nền nếp, bài bản và quy củ.
Đầu tiên phải kể đến bản luận án Tiến sĩ bằng tiếng Nga mà ông bảo vệ thành công tại Trường Đại học Tổng hợp Ba Cu (Liên Xô cũ) vào năm 1989.
Trong bản luận án của mình, PGS.TS Lê Bình Vọng đã hướng nội dung vào việc giải quyết nhiều vấn đề khác nhau xung quanh quyền khiếu nại, tố cáo (KN,TC) ở cả phương diện lý luận, pháp lý và thực tiễn để từ đó đi đến khẳng định quyền KN,TC là những quyền cơ bản của công dân Việt Nam, được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật, là hình thức biểu hiện của dân chủ XHCN, một chế định của dân chủ trực tiếp.
Đồng thời, nhấn mạnh việc tiếp nhận, giải quyết thường xuyên kịp thời các KN,TC của công dân là nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (đặc biệt là thủ trưởng các cấp, ngành) với vai trò quan trọng của các tổ chức thanh tra.
Và nét nổi bật của luận án là làm sáng tỏ những vấn đề có tính lý luận về quyền KN,TC cũng như tổng kết, đánh giá tình hình KN,TC và việc giải quyết KN,TC ở Việt Nam tại thời điểm đó.
PGS. TS Lê Bình Vọng cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện tốt hơn quyền KN,TC của công dân Việt Nam, tăng cường chất lượng và hiệu quả của công tác giải quyết KN,TC trong thực tiễn cuộc sống.
Với những nội dung này, luận án đã được Hội đồng khoa học, các phản biện, giáo sư hướng dẫn và nhà trường đánh giá, xếp loại xuất sắc và cho đây là công trình nghiên cứu chuyên khảo đầu tiên về chế định quyền KN,TC của công dân Việt Nam, có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn trong việc nâng cao chất lượng công tác giải quyết KN,TC, hoàn thiện dân chủ XHCN, cải tiến, đổi mới hoạt động, phong cách công tác của bộ máy Nhà nước.
Tiếp đến là việc ông cùng cộng sự của mình xây dựng thành công dự thảo Luật KN, TC trình Chính phủ và được Quốc hội thông qua năm 1998. Đây là bộ luật đầu tiên quy định cụ thể về việc giải quyết KN,TC của công dân và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, ông cũng là người đặt nền móng cho tổ chức Tòa án hành chính ở Việt Nam. Năm 1993, ông cùng các cộng sự của mình đã lập nên đề án tổ chức Tòa án hành chính. Theo ông, một trong những nội dung quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là xây dựng Nhà nước có nền pháp chế, nền hành chính có kỷ cương, kỷ luật, Nhà nước có nền dân chủ mở rộng, bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Kể từ đó, Tòa án hành chính được ra đời.
TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra từng kể, năm 1990, để “giảm tải” công việc, lãnh đạo Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ) đã quyết định tách Báo và Tạp chí và giao “Chí” cho Vụ Tổng hợp pháp chế do cố PGS.TS Lê Bình Vọng làm Vụ trưởng kiêm nhiệm cùng các “anh em làm luật” để ra một số thông tin có tính chất nội bộ.
Khi nhận nhiệm vụ này, cố PGS.TS Lê Bình Vọng có hỏi mấy anh em (anh Chiến, anh Minh, anh Kim…): “Liệu anh em mình có làm được không các chú?”. "Là hỏi vậy thôi chứ chúng tôi biết ông là người đầy quyết tâm và nhiệt huyết", TS Đinh Văn Minh nhớ nói.
“Ba số Thông tin thanh tra ra đời, và rồi “người anh cả” Lê Bình Vọng thấy cần thiết có một cơ quan nghiên cứu lý luận của ngành, nên đã cùng anh em “kiêm nhiệm” thuyết phục các đồng chí lãnh đạo Thanh tra Chính phủ hình thành 2 tòa soạn riêng biệt và đưa Tạp chí về thành 1 tòa soạn như trước khi sáp nhập với Báo để xuất bản định kỳ 1 tháng 1 số. Còn Báo đảm nhiệm việc phát hành báo”, TS Đinh Văn Minh kể.
Trong những câu chuyện về nghề với các anh chị thanh tra ở các thế hệ trước, tôi còn được nghe kể, ngoài nghiên cứu khoa học giỏi, cố PGS. TS Lê Bình Vọng còn là người khá đa tài. Ông có thể viết văn, làm thơ, viết truyện, tiểu thuyết. Trong đó phải kể đến dấu ấn đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ngành Thanh tra (1945 - 1995).
PGS.TS Lê Bình Vọng cùng cộng sự của mình đã góp phần không nhỏ vào công tác tổ chức tuyên truyền thành công đợt kỉ niệm này như tổ chức thơ, nhạc về đề tài thanh tra đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhạc sĩ, nhà thơ có tên tuổi như: Nhà thơ Phạm Tiến Duật, Nhà văn Ma Văn Kháng, Nhà văn Hồ Phương cùng các Nhạc sĩ Trần Hoàn, Phạm Tuyên…
Những tư liệu của cố PGS.TS Lê Bình Vọng được gia đình lưu giữ cẩn thận. Ảnh: PH
Sau hội thi này, rất nhiều bài thơ, bài hát về ngành Thanh tra ra đời, trong đó, PGS. TS Lê Bình Vọng có bài thơ “Một sắc cầu vồng” được Nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc với tứ thơ “trong sắc cầu vồng có sắc áo thanh tra” và Nhạc sĩ Phạm Tuyên có bài hát “Khúc hát người cán bộ thanh tra”…
Cũng nhân dịp này, PGS.TS Lê Bình Vọng còn phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam làm một bộ phim tài liệu về thanh tra với tiêu đề “Những ngọn đèn đứng gác”. Ông là người viết kịch bản và lời bình cho bộ phim và được phát vào dịp 50 năm Ngày thành lập ngành Thanh tra đã gây tiếng vang lớn.
Ngoài ra, ông còn phối hợp với Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện bộ phim truyền hình về đề tài thanh tra với tiêu đề “Thông điệp trắng” nói về hình ảnh người cán bộ thanh tra đấu tranh với cám dỗ, nhiều áp lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đảm bảo công lý, tính nghiêm minh của pháp luật làm nổi bật lên truyền thống của ngành Thanh tra trong 50 năm, và hình ảnh người cán bộ thanh tra trong cuộc sống đời thường đầy bản lĩnh, trí tuệ.
Có thể nói, đây là đợt tuyên truyền về ngành có quy mô trên nhiều phương diện, thơ, nhạc, phim tài liệu và phim truyền hình mà từ trước đến nay chưa từng có.
Để nói về những dấu ấn của cố PGS.TS Lê Bình Vọng với ngành Thanh tra, có lẽ trong khuôn khổ 1 bài viết sẽ không kể hết, nên xin mượn bài thơ “Một sắc cầu vồng” của cố PGS.TS Lê Bình Vọng, được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc để tạm kết cho bài viết của mình:
Em lại gặp anh giữa Thủ đô Hà Nội,
Vẫn cặp má hồng, đẹp sắc áo thanh tra.
Ta lại càng nhớ tình đồng chí đồng đội.
Kỷ niệm chiến trường, thắm đượm tình ta,
Giữa tiền phương ngày nào, em còn nhớ,
Ngồi bên anh hát khúc dân ca.
Ôi tiếng hát gợi nhớ quê nhà,
Đã cho anh giấc ngủ yên lành.
Và giờ đây chúng mình chung màu áo.
Trận tuyến âm thầm không hề bớt gian truân.
Một lá đơn khiến nhiều đêm không ngủ.
Uất hận trao trước vụ án tham ô,
Và dâng lên nâng tầm cao trí tuệ.
Để lòng mình trang trải cùng muôn nơi
Thêm đẹp lòng dân làm theo ý Bác.
Trong sắc cầu vồng có sắc áo thanh tra.
Phương Hiếu
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá, Nguyễn Việt Hùng đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung 50 triệu đồng, vì đã vi phạm không xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc.
Hương Trà
16:36 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố và trao quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định 4 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thu Huyền
16:28 14/12/2024Hương Trà
07:00 14/12/2024Lâm Ánh
06:30 14/12/2024Thu Huyền
06:00 14/12/2024Phương Anh
19:11 13/12/2024Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý