Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cho phép người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại

Thứ sáu, 14/12/2018 - 06:23

(Thanh tra)- "Đối với những vụ việc khiếu nại (KN) phức tạp, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cần có quy định kéo dài hơn về thời hạn giải quyết để người có thẩm quyền giải quyết KN tổ chức xác minh, giám định các vấn đề liên quan, góp phần vào sự thành công của hoạt động đối thoại, giúp cho giải quyết KN thấu tình, đạt lý tiến tới chấm dứt vụ việc KN", ThS. Trần Tuấn Mẫn, Cục II, Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm đề tài khoa học "Đối thoại trong giải quyết KN hành chính” khẳng định.

4 nhóm chủ thể tham gia vào hoạt động đối thoại

ThS. Trần Tuấn Mẫn cho biết, đối thoại trong giải quyết KN hành chính được quy định như một hoạt động có tính bắt buộc trong quá trình giải quyết KN và là một yêu cầu của xã hội hiện nay với mục đích làm rõ nội dung KN, yêu cầu của người KN và hướng giải quyết KN; giúp cho việc giải quyết KN được thấu tình, đạt lý; tăng cường tính công khai dân chủ, bảo đảm tính khách quan trong giải quyết KN.

Đối thoại có ý nghĩa quan trọng trong giải quyết KN, là một trong những biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thể hiện tính công khai, dân chủ trong hoạt động giải quyết KN; khi đối thoại thông qua việc trả lời và giải thích các quy định của pháp luật, các bên tham gia đối thoại còn được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về KN nói riêng và pháp luật nói chung, ý nghĩa này đặc biệt quan trọng đối với loại hình tổ chức đối thoại có đông người tham gia...

Do đó, theo ThS Mẫn cần điều chỉnh linh hoạt hơn quy định về số lần tổ chức đối thoại trong suốt quá trình giải quyết vụ việc khiếu nại; sửa đổi quy định về thời hạn giải quyết KN cho phù hợp với thực tế, cần bổ sung quy định cho phép người giải quyết KN được tổ chức đối thoại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết mà người giải quyết cảm thấy cần thiết. Quy định này sẽ tạo thêm sự chủ động cho người giải quyết KN đồng thời cũng bảo đảm tính linh hoạt của hoạt động hành chính nói chung và hoạt động giải quyết KN nói riêng.

Có 4 nhóm chủ thể chính tham gia vào hoạt động đối thoại (nhóm chủ trì, nhóm KN, nhóm bị KN và nhóm có liên quan), mỗi nhóm chủ thể này có thẩm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm riêng theo quy định của pháp luật.

Các nhóm chủ thể trên luôn là một hoặc nhiều bên trong đối thoại. Cũng có khi các chủ thể tham gia đối thoại một cách tự nguyện nhằm mục đích làm rõ sự thật của sự việc, nhưng cũng có khi họ phải bắt buộc tham gia đối thoại theo yêu cầu của người thẩm quyền.

"Các nhóm chủ thể này được chia ra thành các nhóm có lợi ích, nhận thức, quan điểm mâu thuẫn và đối lập nhau. Việc tăng giảm quyền, lợi ích của chủ thể này sẽ làm giảm, tăng quyền, lợi ích của chủ thể khác. Đặc điểm chung của những nhóm này luôn luôn có thiên hướng bảo vệ quyền lợi và cố gắng bác bỏ những lập luận có thể gây phương hại cho bản thân", ThS. Mẫn nói.

Hoạt động đối thoại chưa được chú trọng đúng mức

Thực tiễn hoạt động đối thoại trong giải quyết KN hành chính hiện nay, ThS. Mẫn cho biết, nhiều lãnh đạo địa phương không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về đối thoại trong giải quyết KN; có tình trạng cán bộ giải quyết không sâu sát, không gần dân, không đối thoại với dân khiến cho sự việc trở nên phức tạp; nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài chỉ vì cán bộ giải quyết vẫn còn tâm lý ngại, né tránh đối thoại với dân...

Tuy vậy, cũng có nhiều vụ việc KN trong quá trình giải quyết có tổ chức đối thoại hoặc thực hiện các cuộc gặp gỡ có tính chất như đối thoại để làm rõ tình tiết vụ việc; có nhiều vụ việc qua đối thoại người dân trình bày hết nỗi oan ức và nghe giải thích có căn cứ, thấu tình, đạt lý nội dung sự việc thì họ thoả mãn và không còn KN nữa...

Trên thực tế, việc thực hiện đối thoại trong giải quyết KN hành chính còn gặp nhiều tồn tại, bất cập như: Luật KN hiện hành đã quy định về việc đối thoại trong giải quyết KN lần đầu, nhưng không phải là quy trình bắt buộc mà chỉ trong trường hợp cần thiết.

Bên cạnh đó, hoạt động đối thoại của người có thẩm quyền giải quyết KN ở một số đơn vị còn chưa được triển khai có hiệu quả, còn hình thức; chưa đúng quy định của Luật KN; chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu và đảm bảo tính khách quan trong việc giải quyết KN.

Không chỉ vậy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể việc uỷ quyền trong hoại động đối thoại dẫn đến việc tùy tiện ủy quyền đối thoại trong giải quyết KN; quy định của Luật Khiếu nại về nghĩa vụ của người bị KN và người giải quyết KN trong việc tham gia và tổ chức đối thoại chưa có sự đồng nhất.

Có thể nói, công tác giải quyết KN, tố cáo hiện nay chưa thực sự hiệu quả, một trong những nguyên nhân rất quan trọng đó là hoạt động đối thoại trong quá trình giải quyết chưa được chú trọng đúng mức.

Qua một số vụ việc KN, tố cáo gây bức xúc và kéo dài trong thời gian qua có thể thấy rằng trong công tác giải quyết ngoài việc nắm bắt tình hình, hiểu rõ nguyên nhân, giải quyết có tình có lý còn cần phải đối thoại, trao đổi, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân, giải thích dân hiểu được những chủ trương chính sách của Nhà nước để tạo sự đồng thuận. Nếu hoạt động đối thoại được sử dụng và duy trì hiệu quả, người dân và chính quyền tìm ra được những giải pháp hợp tình hợp lý, làm hài lòng cho cả hai bên.

Để đối thoại trong giải quyết khiếu nại tiếp tục phát huy được ý nghĩa tích cực trong giải quyết KN, cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về KN đối với người dân, cán bộ, công chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN; thực hiện tốt công tác tiếp công dân ngay tại cơ sở; nâng cao chất lượng, tỷ lệ giải quyết KN.

Trong từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào cấp hành chính hoặc căn cứ vào tính chất và mức độ của vụ việc để phân công người có trách nhiệm thực hiện đối thoại...

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm