Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần quan tâm xây dựng lực lượng thanh tra giáo dục

Thứ ba, 27/08/2019 - 15:10

(Thanh tra)- Nhiều sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chỉ có 3 cán bộ thanh tra, hàng loạt sở “trống ghế” Chánh Thanh tra, có sở sáp nhập phòng bỏ luôn “ghế” Chánh Thanh tra… lực lượng thanh tra “mỏng”, khiến công tác thanh tra giáo dục gặp không ít khó khăn.

Trong năm học, thanh tra giáo dục phải đảm nhiệm khối lượng công việc nặng, nhưng lực lượng thanh tra “mỏng”, khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: HH

Khối lượng công việc… nặng

Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT năm học 2018 - 2019, các sở GD&ĐT đã chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra theo yêu cầu đổi mới công tác thanh tra, những vấn đề “nóng” như dạy thêm, học thêm, thu chi đầu năm học, sử dụng văn bằng chứng chỉ… được tập trung thanh tra.

Năm học qua, các sở GD&ĐT đã tổ chức 1.089 cuộc thanh tra. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh và xử phạt vi phạm hành chính; phát hiện sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản như chi sai, thu sai, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách, nhập nguồn kinh phí, trả lại cha mẹ học sinh, kiểm điểm rút kinh nghiệm cán bộ quản lý và giáo viên…

Đơn cử như tại Tuyên Quang kiến nghị thu hồi hơn 142 triệu đồng; Bắc Giang, kiến nghị thu hồi 9,4 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 37 triệu đồng.

Qua các cuộc thanh tra cũng phát hiện các hạn chế, thiếu sót trong quản lý của một số phòng GD&ĐT như công tác kiểm tra nội bộ của nhà trường còn yếu, hiệu quả chưa cao; quản lý thu, chi, dạy thêm, học thêm sai quy định; công tác xã hội hóa giáo dục sai quy định, gây bức xúc trong dư luận...

Bên cạnh kết quả đạt được, Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở các đơn vị.

Đầu tiên phải kể đến đó là một số sở GD&ĐT xây dựng và tổ chức thanh tra còn dàn trải như: Sở GD&ĐT Điện Biên có tới 43 cuộc thanh tra chuyên ngành, 9 cuộc thanh tra hành chính…

Ngoài ra, có tới 36 sở như Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái, Nam Định… lại không có thanh tra đột xuất.

Vẫn còn một số địa phương chưa sâu sát trong việc chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các vấn đề “nóng” mà báo chí phản ánh.

Nhiều sở GD&ĐT chưa chú trọng đến hoạt động giám sát của đoàn thanh tra theo quy định của Thanh tra Chính phủ; có sở nội dung kết luận thanh tra chưa nêu rõ được hạn chế, thiếu sót, sai phạm của đối tượng. Có tỉnh chưa kịp thời ban hành kết luận thanh tra như Điện Biên…

Cùng với việc thực hiện công tác thanh tra, năm học qua, các Sở GD&ĐT đã quan tâm tới công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các sở đã nhận 2.177 đơn, trong đó 198 đơn thuộc thẩm quyền và 9 đơn thư kéo dài đã được giải quyết.

Tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Bộ GD&ĐT cũng như các sở đã thành lập các đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các khâu của kỳ thi. Qua đó, đã kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục các thiếu sót, tồn tại.

Lực lượng… “mỏng”

Mặc dù khối lượng công việc nhiều, ngoài các cuộc thanh tra theo kế hoạch, thanh tra các sở GD&ĐT còn phải thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất, thanh tra các kỳ thi diễn ra trong năm, tiếp công dân, giải quyết khiếu nai, tố cáo… nhưng hiện nay, lực lượng thanh tra ở các sở GD&ĐT lại rất “mỏng”.

Theo con số thống kê của Thanh tra Bộ GD&ĐT, đến tháng 7/2019, cán bộ thanh tra của các Sở GD&ĐT có 293 người. Tuy nhiên, số lượng các sở có đội ngũ thanh tra ổn định, đảm bảo số lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ còn khiêm tốn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Nai, Tiền Giang.

Còn lại hầu hết các sở đội ngũ cán bộ thanh tra còn “mỏng”; một số sở số cộng tác viên (CTV) thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ ít, thậm chí nhiều sở chưa bồi dưỡng nghiệp vụ cho CTV thanh tra.

Thực tế, việc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra tại một số sở GD&ĐT còn nhiều bất cập. Vẫn còn có công chức thanh tra sở đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra song lại được điều chuyển sang các phòng chuyên môn khác của sở, dẫn đến lực lượng thanh tra sở thiếu những cán bộ có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản về nghiệp vụ.

Đáng quan tâm, nhiều sở GD&ĐT như Bắc Kạn, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên chỉ có 3 cán bộ thanh tra. Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, con số này chưa đảm bảo số lượng để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tại Thanh tra Sở GD&ĐT Quảng Nam, 5 người thì 3 người chưa bổ nhiệm ngạch thanh tra, trong đó 2 người là viên chức biệt phái, 1 người hợp đồng và hiện tại chưa có Chánh Thanh tra Sở.

Tình trạng “trống ghế” Chánh Thanh tra diễn ra ở nhiều tỉnh. Thống kê của Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, có 5 sở chưa bổ nhiệm Chánh Thanh tra là Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, Đăk Nông.

Cá biệt, Sở GD&ĐT Bình Phước sáp nhập Thanh tra Sở và Phòng Kiểm định chất lượng nên không có Chánh Thanh tra. Thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định, việc làm này là không đúng quy định của Luật Thanh tra.

Vì lực lượng thanh tra chính thức “mỏng” nên nhiều năm qua, các Sở đã tuyển CTV thanh tra. Tính riêng năm học 2018-2019, các Sở có 16.084 CTV thanh tra. Đội ngũ CTV là người thuộc sở, phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục và giáo viên giỏi, có kinh nghiệm trong công tác quản lý chuyên môn, tài chính.

Năm học 2018-2019, đã có 2.149 CTV thanh tra được bồi dưỡng cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, vẫn còn sở có ít CTV được bồi dưỡng nghiệp vụ như Cao Bằng, Phú Yên, Ninh Thuận, Bến Tre... Nhiều sở có ít CTV thanh tra như Cao Bằng chỉ 24, Bến Tre 59, Phú Yên 63...

Trước khó khăn về nhân sự mà thanh tra giáo dục đang gặp phải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, ngành Giáo dục cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới, bởi theo Thứ trưởng, lực lượng thanh tra cần phải nhanh - mạnh - tinh nhuệ để các đơn vị được thanh tra phải "tâm phục, khẩu phục"…

Thanh tra giáo dục là công cụ quan trọng để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những thiếu sót, vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm giữ vững trật tự, kỷ cương, phòng ngừa tiêu cực trong tuyển sinh, thi cử… Tuy nhiên, việc tổ chức lực lượng thanh tra như hiện nay ở nhiều nơi chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, đòi hỏi phải có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục trong việc xây dựng lực lượng thanh tra giáo dục cả về số lượng, chất lượng và nhân sự Chánh Thanh tra.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

(Thanh tra) - Trong tháng 11/2024, UBND thành phố Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng trong các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước hiệu quả và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công dân.

Chính Bình

15:33 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm