Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội

Thứ ba, 16/03/2021 - 06:00

(Thanh tra) - Hiện nay, đại đa số lễ hội, khu di tích, danh thắng ở nước ta bắt đầu hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Để hoạt động văn hoá diễn ra an toàn, đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19 và không bị “biến tướng”, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các lực lượng chức năng, đồng thời các địa phương cần chủ động hơn nữa trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội tại địa bàn.

Các địa phương cần chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội tại địa bàn. Ảnh minh họa: TH

Hằng năm, nước ta có khoảng gần 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội dân gian. Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương và Phú Thọ. Lễ hội truyền thống thường diễn ra vào hai mùa đẹp nhất trong năm là mùa Xuân và số ít vào mùa Thu.

Trong đó, một số lễ hội lớn ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn, tiêu biểu như: Hội Gióng, lễ hội đền Hùng, lễ hội chùa Bái Đính, Hội Lim, phủ Dầy, lễ hội Yên Tử, lễ hội bà chúa Xứ (An Giang)... Mỗi lễ hội có một đặc trưng, ý nghĩa riêng mang tính vùng văn hoá, từ đó tạo nên nền văn hoá mang bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Đáng chú ý, lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần - là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Qua đó, giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui. Chính vì vậy, lễ hội ở Việt Nam là nét văn hoá đặc trưng không thể thiếu vì mỗi lễ hội ở mỗi vùng miền mang một bản sắc khác nhau.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, không ít lễ hội đã bị biến tướng hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục, mất dần ý nghĩa văn hoá vốn có của nó. Chẳng hạn hình ảnh hỗn loạn tại Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) năm 2019 vẫn ám ảnh nhiều người khi hàng nghìn thanh niên trai tráng cùng lao vào sân cướp phết, bất chấp hệ thống hàng rào và sự ngăn cản của lực lượng chức năng. Hay tại lễ Khai ấn Đền Trần (Nam Định), hàng nghìn người dân chen lấn, xô đẩy tràn vào sân đền dâng lễ, xin lộc, xin ấn… Mặc dù, sau mỗi lễ hội, ban tổ chức, chính quyền địa phương cũng có sự đánh giá, nhìn nhận rút kinh nghiệm cho những năm sau, song một số hình ảnh phản cảm tại các lễ hội vẫn tồn tại.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hàng loạt các lễ hội lớn trong cả nước, như: Khai hội chùa Hương, khai hội chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, khai hội xuân Yên Tử, khai ấn đền Trần, lễ hội Gióng… hủy tổ chức hoặc không khai hội ngay trước thềm mùa lễ hội. Dù không khai hội nhưng các di tích vẫn mở cửa đón khách tham quan và yêu cầu du khách phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Do một số lễ hội không tổ chức khai hội và quy mô của lễ hội được thu hẹp, lược giảm nên công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cũng có sự thay đổi so với các năm trước.

Đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL cho biết, khi xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong quý I, Thanh tra Bộ tập trung kiểm tra công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán vì đây là thời gian diễn ra nhiều lễ hội nhất trong năm. Trong đó, Thanh tra Bộ thường tập trung kiểm tra công tác quản lý, tổ chức các lễ hội lớn, thu hút lượng người tham gia đông và các khu di tích, danh thắng nổi tiếng. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kế hoạch thanh tra của Bộ VHTTDL cũng được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, các tỉnh, thành không có dịch bệnh sẽ vẫn tiến hành kiểm tra công tác tổ chức, quản lý lễ hội.

Kết quả thanh tra, kiểm tra một số năm gần đây của Bộ VHTTDL cho thấy, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã có những chuyển biến tích cực và dần đi vào nề nếp. Hầu hết lễ hội ở các địa phương đã được các cấp chính quyền quan tâm như ban hành văn bản chỉ đạo, quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức, phê duyệt kế hoạch, phân công phân nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn một số tồn tại, như: Vẫn còn tình trạng ẩu đả, tranh cướp phết, lén lút xóc thẻ, rút quẻ thẻ, đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch giá, chen lấn xô đẩy, vứt rác bừa bãi, hoạt động cờ bạc, xem bói, cài giắt tiền vào tay tượng phật,… diễn ra tại một số lễ hội. Qua kiểm tra đã kiến nghị chính quyền địa phương các cấp, Ban quản lý di tích, Ban quản lý lễ hội kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư khi tham gia hoạt động lễ hội.

Những ngày gần đây, các khu di tích, danh thắng, chùa, phủ bắt đầu hoạt động trở lại khi dịch Covid-19 ở nước ta dần được kiểm soát. Trên thực tế, vẫn còn tồn tại những hình ảnh phản cảm hoặc du khách không tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu mở cửa trở lại, như: Còn tình trạng ăn xin, ăn mày ngồi ở hai lối đi vào nơi thờ tự; vất rác bừa bãi gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường; không đeo khẩu trang tại nơi đông người; còn hiện tượng chen lấn, xô đẩy…

Chính vì vậy, Thanh tra Bộ VHTTDL nói riêng và thanh tra ngành VHTTDL nói chung cần tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần chủ động các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội tại địa bàn. Thêm nữa, cần sự hợp tác, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia vào hoạt động lễ hội hay tham quan khu di tích, danh thắng để các lễ hội thực sự trở thành nét đẹp văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm