Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 4: Vì sao Thanh tra Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện thí điểm?

Đan Quế

Thứ ba, 13/04/2021 - 06:38

(Thanh tra)- Theo báo cáo của Bộ Y tế, 9 tỉnh, thành thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã có những kiến nghị khác nhau...

Ảnh: Đan Quế

Cần tiếp tục đánh giá kết quả

Thành phố lớn nhất là thành phố Hồ Chí Minh đề xuất tiếp tục thí điểm thêm 3 năm.

UBND tỉnh Gia Lai đề xuất không tiếp tục triển khai thí điểm do hết cán bộ được đào tạo.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị thực hiện luôn mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP tại cấp huyện, không tiếp tục thí điểm…

Có 5/9 tỉnh, thành đề xuất thí điểm tại các đơn vị hành chính cấp huyện là Hà Nội, Cần Thơ, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, trong đó Hà Tĩnh đề nghị thực hiện luôn mô hình tại cấp huyện. 3/9 tỉnh, thành đề xuất thí điểm tại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đã thí điểm là thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai. Có 4/9 tỉnh, thành phố đề xuất thí điểm 1 năm gồm Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ, Thanh Hóa.

Rõ ràng, hiệu quả đã nhìn thấy, nhưng những lúng túng, khó khăn cần tháo gỡ không phải là nhỏ. Cần nhất là một lực lượng chuyên nghiệp, đồng bộ, đảm bảo sự an toàn về thực phẩm cho nhân dân như mối quan tâm của Chính phủ. Đây cũng là băn khoăn của các bộ, ngành Trung ương khi giải bài toán quản lý Nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg tại cấp huyện, cấp xã tại 9 tỉnh, thành phố đã thực hiện thí điểm. Lý do mà đơn vị này đưa ra là thời gian thực hiện thí điểm vừa qua chưa đủ dài để đánh giá hiệu quả của mô hình. Cần căn cứ báo cáo của địa phương để đánh giá kết quả, làm rõ ưu, nhược điểm của mô hình thí điểm đã thực hiện, từ đó đề ra giải pháp cho thời gian thí điểm tiếp theo.

Bộ Công thương cho rằng, cần tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại cấp huyện, cấp xã là cần thiết, nhằm cung cấp thực tiễn phục vụ quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 trong thời gian tới.

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với 9 địa phương được thí điểm để bổ sung thông tin, làm rõ các kết quả thí điểm, đánh giá khách quan, toàn diện về hiệu quả của việc thí điểm tại các địa bàn, từ đó đề xuất các phương án và đánh giá tác động cụ thể của từng phương án (về tổ chức bộ máy Nhà nước, nguồn nhân lực; việc đáp ứng yêu cầu công tác thanh tra đối với lĩnh vực ATTP...), xác định lộ trình và cách làm phù hợp.

Còn Bộ Nội vụ thì đề nghị đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động khi thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cụ thể; làm rõ sự cần thiết tiếp tục thí điểm, xác định rõ thời gian, phạm vi tiếp tục thí điểm gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan trước khi tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn bản của Thanh tra Chính phủ về thanh tra chuyên ngành ATTP. Ảnh: Đan Quế

Kiến nghị gì với Thủ tướng Chính phủ?

Thanh tra Chính phủ cho rằng, thời gian đã thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 tỉnh, thành là 12 tháng, nhưng quá trình thực hiện gặp những khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động đáng kể đến kết quả thí điểm, nên các chỉ số đánh giá kết quả chưa rõ ràng.

Thanh tra Chính phủ nhất trí với việc tiếp tục thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại cấp huyện để có cơ sở đánh giá mô hình thí điểm. Đồng thời đề nghị cân nhắc việc có nên tiếp tục cho triển khai ở cấp xã trong thời gian tới hay không.

Trên cơ sở báo cáo đánh giá kết quả thí điểm, những khó khăn, hạn chế và đề xuất nêu trong báo cáo của UBND 9 tỉnh, thành thí điểm; ý kiến của các bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và quá trình theo dõi, giám sát của Bộ Y tế, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại các đơn vị hành chính cấp huyện của 9 tỉnh, thành phố đã thí điểm theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg, trong thời gian 3 năm (dự kiến từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 1/7/2024). Trong giai đoạn này, tạm ngừng việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại các đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Nghị định số 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, thì có 2 cấp thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về ATTP (thuộc 3 bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương).

Ở cấp bộ là thuộc về các tổng cục và tương đương, cục thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Điều 6).

Ở cấp địa phương, đó là các chi cục thuộc sở, chi cục thuộc cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Điều 8).

Điều 9 của Nghị định số 07/2012/NĐ-CP cũng nêu, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành còn có bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành. Bộ phận tham mưu này được thành lập tại cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quyết định của người có thẩm quyền. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thành phố Lạng Sơn: Hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo

(Thanh tra) - Trong tháng 11/2024, UBND thành phố Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng trong các lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước hiệu quả và đáp ứng kịp thời các yêu cầu của công dân.

Chính Bình

15:33 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm