Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 06/03/2018 - 06:30
(Thanh tra)- Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018), lần đầu tiên hình sự hóa hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài. Để quy định mới không nằm trên giấy, theo các chuyên gia, cần thiết lập cơ chế thực thi, trong đó phòng ngừa, phát hiện là giải pháp hàng đầu và căn bản…
Ảnh minh họa
Bước tiến xử hành vi hối lộ
Từ thực tiễn và yêu cầu lấp “khoảng trống” pháp luật sau chu trình đánh giá thực thi Công ước Chống tham nhũng của Liên hợp quốc, Việt Nam đã hình sự hóa hành vi hối lộ công chức nước ngoài.
Khoản 6 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, “người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong đấu tranh chống tham nhũng một cách toàn diện và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường quản trị công, kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, TS Đào Lệ Thu, Đại học Luật Hà Nội lưu ý, quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nhưng so sánh với pháp luật của Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc thấy, quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài còn sơ sài, khó áp dụng.
Quan trọng hơn cả, Việt Nam đã chính thức ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự 2015, song phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại lại không bao gồm tội đưa hối lộ.
Theo bà Thu, đây được xem là rào cản chính và khác biệt căn bản so với luật hình sự của các nước khác, gây khó khăn cho Việt Nam trong hợp tác quốc tế đấu tranh chống hối lộ công chức nước ngoài.
Ngoài ra, nhận thức về tội phạm hối lộ công chức nước ngoài của cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế nên khả năng thực thi trở nên khó khăn.
Pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng chưa điều chỉnh các nội dung liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý trong nước các yêu cầu tương trợ như vấn đề phong tỏa, hạn chế chuyển nhượng tài sản hay tịch thu tài sản theo lệnh của tòa án nước ngoài tại Việt Nam hay việc dẫn độ một người để chuyển giao cho nước ngoài…
Rất khó tìm chứng cứ và bắt giữ
Đồng ý còn những bất cập, sơ hở, nhưng theo bà Lê Thị Hòa, Phó Trưởng phòng Hình sự (Vụ Pháp luật Hành chính Hình sự, Bộ Tư pháp), việc hình sự hóa hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài là một bước đi đầu tiên, đặt ra một loạt yêu cầu, kể cả hoàn thiện pháp luật hình sự và hệ thống pháp luật khác để đảm bảo phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.
Từ kinh nghiệm trong nước, ông Gerry McGowan, đại diện Cơ quan Phòng, chống tội phạm Anh, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho hay, công tác điều tra, xác định chứng cứ để khởi tố, luận tội tiêu tốn rất nhiều nguồn lực về con người và tiền bạc.
“Trong khoảng 20 - 40 tỉ USD bị đánh cắp hàng năm chỉ liên quan đến loại tội phạm hối lộ, thì Anh được xác định là một trong những địa chỉ chính nhận những khoản tiền phi pháp này. Nhưng những vụ chống tham nhũng có tính chất quốc tế thường phải 3 - 4 năm mới có thể xử xong, có những vụ còn kéo dài hơn", ông Gerry McGowan dẫn chứng.
Trong khi đó, công chức nước ngoài thường là công chức giữ chức vụ cao, hành vi hối lộ công chức nước ngoài thường liên quan đến lợi ích kinh doanh rất lớn của doanh nghiệp. Cho nên, rất khó tìm chứng cứ và bắt giữ những người này, đòi hỏi phải có tương trợ tư pháp hoặc có phối hợp của nước ngoài.
“Những người vi phạm có rất nhiều sự yểm trợ và thế mạnh đằng sau với vị trí là cán bộ cao cấp. Dù bức tranh khá ảm đạm ngay cả ở Anh, nhưng đây là thực tiễn mà chúng ta phải đối mặt”, ông Gerry McGowan nói.
Phòng ngừa vẫn là hàng đầu và căn bản
Vậy khuyến nghị nào cho Việt Nam? TS Thu và nhóm nghiên cứu bày tỏ ủng hộ dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định chế định liêm chính, đề ra trách nhiệm xây dựng thực hiện các bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp.
“Kinh nghiệm của các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản đã cho thấy, hành vi hối lộ công chức nước ngoài thì xử lý hình sự không phải là giải pháp duy nhất hoặc đầu tiên. Cơ chế pháp lý để phòng ngừa, phát hiện hành vi này mới là giải pháp hàng đầu và căn bản”, bà Thu cho hay.
Để bảo đảm tính đồng bộ của cơ chế pháp lý, các chuyên gia đề xuất, Luật Phòng, chống tham nhũng cần được sửa đổi theo hướng điều chỉnh cả hành vi đưa hối lộ, trong đó có đưa hối lộ cho công chức nước ngoài.
“Chỉ khi đó mới có cơ sở cho việc đưa ra những quy định ngăn ngừa, phát hiện hành vi đưa hối lộ, tạo cơ chế phòng ngừa và phát hiện hối lộ hiệu quả hơn”, TS Thu nhấn mạnh.
Còn với quy định của Bộ luật Hình sự, theo các chuyên gia, trước mắt, cần có những giải thích, hướng dẫn áp dụng cụ thể như “mục đích của hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài được hiểu giống như hành vi đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn của Việt Nam”…
Cùng với đó, tăng cường nhận thức về tội phạm đưa hối lộ cho công chức nước ngoài cho cán bộ thực thi pháp luật; củng cố và hoàn thiện cơ chế hợp tác quốc tế trong phát hiện, xử lý hình sự hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài.
Trong tương lai, tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng đưa hành vi hối lộ cho công chức nước ngoài thành một tội danh độc lập; quy định trách nhiệm hình sự của pháp luật thương mại đối với tội đưa hối lộ…
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/1/2025, theo Thông tư số 59/2024 ngày 7/11/2024 của Bộ Công an, sẽ tiến hành thu thập ảnh chân dung, vân tay của công dân tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
PV
15:40 13/12/2024(Thanh tra) - Sáng nay (13/12), tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 với cộng đồng doanh nghiệp phía Nam.
Trần Quý
15:21 13/12/2024Cảnh Nhật
12:51 13/12/2024Thái Hải
12:16 12/12/2024Thành Dương
22:33 10/12/2024Nam Dũng
21:51 10/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh