Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra chuyên ngành BHXH được hưởng các chế độ gì?

Thứ ba, 12/04/2016 - 07:11

(Thanh tra)- Những nội dung này được quy định tại Nghị định số 21/2016 của Chính phủ về việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) của cơ quan BHXH. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2016.

Điều 7 Nghị định 21 quy định, trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT BHXH cấp tỉnh hằng năm, căn cứ định hướng chương trình thanh tra của BHXH Việt Nam, thanh tra cấp tỉnh, cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT tại địa phương, BHXH cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo BHXH Việt Nam, thanh tra cấp tỉnh và cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh.

Thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHTN, BHYT hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này giao; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra về đóng BHXH, BHTN, BHYT của BHXH cấp tỉnh; tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật thanh tra với các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Giám đốc BHXH cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh; quyết định thanh tra theo kế hoạch hoặc theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định này và thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT.

Kiến nghị các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này xử lý việc chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra về đóng BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý về BHXH, BHTN, BHYT và đình chỉ hoặc hủy bỏ các quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Về tiêu chuẩn, chế độ, trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT, Điều 9 Nghị định quy định, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao; am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm vững các quy định về chuyên môn, quy tắc quản lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nơi công tác; có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; có ít nhất 1 năm làm công tác chuyên môn liên quan đến hoạt động đóng BHXH, BHTN, BHYT (không kể thời gian tập sự).

Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT được cấp trang phục và thẻ thanh tra chuyên ngành theo quy định của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; được hưởng chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật; được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT.

Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT có trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra; trường hợp cần thiết có phó trưởng đoàn thanh tra; trong đó có ít nhất một thành viên là người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 53 Luật Thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định thành lập có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính; do Giám đốc BHXH cấp tỉnh quyết định thành lập có thẩm quyền kiến nghị Giám đốc BHXH cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.

Thành viên đoàn có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 54 Luật Thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao.

B.B.Đ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm