Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quy chế Tiếp công dân của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2)

Thứ sáu, 19/01/2024 - 20:00

Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định ban hành Quy chế Tiếp công dân, thay thế các quyết định: Số 3328/QĐ-BVHTTDL ngày 09/10/2014 ban hành Nội quy, Quy chế Tổ chức tiếp công dân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; số 3327/QĐ-BVHTTDL ngày 09/10/2014 về việc giao nhiệm vụ tiếp công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trụ sở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Ảnh: Internet

(Tiếp theo và hết) 

Chương III: TRÁCH NHIỆM TIẾP CÔNG DÂN

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ trưởng

1. Bộ trưởng có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Tiếp công dân.

2. Trực tiếp tiếp công dân vào ngày 15 hằng tháng; nếu ngày 15 của tháng trùng với ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết thì tiếp công dân vào ngày làm việc tiếp theo của tháng đó. Tùy theo yêu cầu công việc, Bộ trưởng có thể ủy quyền cho Thứ trưởng tiếp công dân nhưng ít nhất mỗi quý, Bộ trưởng bố trí thời gian để trực tiếp tiếp công dân 01 buổi.

3. Tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Tiếp công dân.

4. Khi tiếp công dân, Bộ trưởng có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay thì chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân.

5. Sau khi tiếp công dân, chỉ đạo Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng trình tự, thủ tục luật định.

Điều 10. Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ

1. Trách nhiệm chung của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ

a) Phổ biến các quy định pháp luật về tiếp công dân cho công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình.

b) Trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe, xem xét, giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của mình hoặc thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

c) Tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân và kiểm tra, đôn đốc việc xử lý sau tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình.

d) Cử công chức, viên chức, người được giao nhiệm vụ tiếp công dân phối hợp với đơn vị được giao chủ trì khi có vụ việc liên quan tới cơ quan, đơn vị mình hoặc các vụ việc phức tạp, kéo dài.

2. Khi tiếp công dân, nếu vụ việc rõ ràng, cụ thể, có cơ sở và thuộc thẩm quyền giải quyết thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trả lời ngay cho công dân biết; nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì nói rõ thời hạn giải quyết và người cần liên hệ để biết kết quả giải quyết.

3. Khi Bộ trưởng tiếp công dân, chuẩn bị đầy đủ những thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị mình để phục vụ công tác tiếp công dân của Bộ trưởng.

4. Kết thúc việc tiếp công dân, Chánh Thanh tra ra thông báo kết luận tiếp công dân của Bộ trưởng, của Chánh Thanh tra Bộ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ ra thông báo kết luận việc tiếp công dân của mình.

Điều 11. Trách nhiệm của Văn phòng Bộ

1. Thực hiện quy định tại Điều 10 Quy chế này.

2. Bố trí phòng tiếp công dân và các điều kiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Bộ; chỉ dẫn, tiếp đón công dân theo đúng quy định.

3. Thông báo kịp thời cho Thanh tra Bộ khi có công dân đến yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

4. Thông báo lịch tiếp công dân của Bộ trưởng theo quy định của Quy chế này.

5. Bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân.

Điều 12. Trách nhiệm của Thanh tra Bộ

1. Sắp xếp việc tiếp công dân của Bộ trưởng khi có công dân đăng ký; sắp xếp ưu tiên việc tiếp công dân đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp, kéo dài.

2. Đối với trường hợp vụ việc liên quan đến trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, Thanh tra Bộ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, phân tích tính chất, mức độ, nguyên nhân của vụ việc để đề xuất các biện pháp giải quyết, đồng thời chuẩn bị văn bản để Bộ trưởng trả lời công dân.

3. Bố trí công chức thuộc Thanh tra Bộ thường trực tiếp công dân tại Phòng tiếp công dân của Bộ.

Việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải được ghi vào Sổ tiếp công dân hoặc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân và được lưu tại nơi tiếp công dân. Sổ tiếp công dân được thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Quy chế này.

4. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc tiếp công dân; phối hợp chuẩn bị hồ sơ, tài liệu khi Bộ trưởng tiếp công dân.

5. Hướng dẫn, trả lời việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc thẩm quyền của Thanh tra Bộ.

6. Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm tiếp công dân vào thứ Năm hằng tuần. Trường hợp vì lý do khách quan không thể tiếp công dân theo lịch thì Chánh Thanh tra Bộ sẽ tiếp công dân vào ngày làm việc tiếp theo hoặc có thể ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân.

7. Thực hiện chế độ báo cáo với cấp có thẩm quyền về kết quả công tác tiếp công dân của Bộ.

Điều 13. Trách nhiệm, quyền hạn của người thường trực tiếp công dân

1. Thực hiện quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8 Quy chế này.

2. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ, có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thì báo cáo Chánh Thanh tra và đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tiếp công dân.

Chương IV: THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM TIẾP CÔNG DÂN

Điều 14. Thời gian tiếp công dân

Việc tiếp công dân thực hiện trong giờ hành chính, tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

1. Tiếp công dân thường xuyên được thực hiện trong giờ hành chính các ngày làm việc trong tuần.

2. Tiếp công dân định kỳ:

- Bộ trưởng tiếp công dân định kỳ vào ngày 15 hằng tháng. (Văn phòng Bộ thông báo trong Lịch công tác tuần của Lãnh đạo Bộ).

- Chánh Thanh tra Bộ tiếp công dân vào thứ Năm hằng tuần.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đóng bên ngoài trụ sở Bộ căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị mình quy định thời gian tiếp công dân định kỳ hằng tuần.

3. Tiếp công dân đột xuất:

a) Tiếp công dân đột xuất trong những trường hợp sau đây:

- Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau;

- Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tiếp công dân đột xuất và thông báo thời gian tiếp để công dân biết, thực hiện.

4. Lịch tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân định kỳ được niêm yết tại địa điểm tiếp công dân.

Điều 15. Địa điểm tiếp công dân

Địa điểm tiếp công dân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm Phòng Tiếp công dân và địa điểm tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

1. Phòng Tiếp công dân được đặt tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số 51 - 53 đường Ngô Quyền, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Thanh tra Bộ chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và thường trực tiếp công dân tại Phòng Tiếp công dân.

2. Địa điểm tiếp công dân tại các cơ quan, đơn vị đóng bên ngoài trụ sở của Bộ. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đóng bên ngoài trụ sở của Bộ phải bố trí địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình. Địa điểm tiếp công dân của cơ quan, đơn vị phải được bố trí tại vị trí thuận tiện, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.

3. Tại địa điểm tiếp công dân phải niêm yết rõ ràng Nội quy tiếp công dân và các thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Tiếp công dân. Nội quy tiếp công dân trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ trưởng ban hành và được thực hiện thống nhất.

Chương V: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Chế độ báo cáo

1. Định kỳ hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm gửi báo cáo đến Thanh tra Bộ để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng về việc tiếp công dân thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình.

2. Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc báo cáo đột xuất về việc tiếp công dân theo yêu cầu của Bộ trưởng và các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 17. Quản lý công tác tiếp công dân

1. Chánh Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tiếp công dân.

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện công tác tiếp công dân trong phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm