Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phạt “người ra đường không có lý do cần thiết": Hiểu thế nào cho đúng?

Thứ hai, 06/04/2020 - 18:02

(Thanh tra) - UBND Hà Nội chỉ xử phạt đối với các đối tượng có hành vi vi phạm Chỉ thị 16 và hành vi tự ý rời khỏi khu cách ly thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

Phố Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội ngày thường luôn đông đúc nay bỗng vắng lặng sau Chỉ thị của Thủ tướng. Ảnh: Đ.C.Đ

Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/03/2020 tuy không là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng là văn bản áp dụng pháp luật Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 vào về tình trạng khẩn cấp, tình trạng lây lan bệnh truyền nhiễm, tình trạng an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các tình huống cụ thể, để điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước, bảo đảm thống nhất và thông suốt trong cả nước, mang tính chất mệnh lệnh bắt buộc thi hành của người đứng đầu, có giá trị pháp lý thi hành.

Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chiều 3/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu: Tất cả các trường hợp có quyết định cách ly tại nhà phải thực hiện cách ly nghiêm túc. Đi ra ngoài vượt ngoài hệ thống cảnh báo GPS trên điện thoại thì lực lượng chức năng phải kiểm tra sát sao và xử phạt nghiêm; những người già và những người không có việc cần thiết thì trong 02 tuần tới không nên đi ra đường. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, những trường hợp nào không đúng thuộc diện được phép ra đường thì phải xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm.

Như vậy, UBND Hà Nội sẽ xử lý các trường hợp vi phạm: Tự ý rời khỏi khu cách ly tập trung và những trường hợp không được phép ra đường theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/03/2020.

Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm thông tin cụ thể hơn, UBND Hà Nội chỉ xử phạt đối với các đối tượng có hành vi vi phạm Chỉ thị 16 và hành vi tự ý rời khỏi khu cách ly thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

Chỉ thị 16/CT-TTg áp dụng quy định tại Mục 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định về “các biện pháp chống dịch”, nêu rõ: “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng”.

Luật sư Mai Thảo cho biết, quyền tự do đi lại của công dân theo Điều 23 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”. Có nghĩa là, trong thời bình, công dân Việt Nam có quyền tự di di chuyển không hạn chế phạm vi trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, ngày 01/04/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg, công bố, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra tên gọi Covid-19 là dịch bệnh toàn quốc, là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Trên cơ sở công bố đại dịch của Thủ tướng Chính phủ, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 nêu rõ, trong số các bệnh truyền nhiễm, nhóm A là các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả là lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh là biện pháp chủ yếu; kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh.

Theo luật sư Mai Thảo, biện pháp cách ly là biện pháp cần thiết nhất để phòng chống, dịch bệnh lây lan, gây nguy hiểm cho toàn xã hội. Việc cách ly được Chính phủ hướng dẫn rõ ở Chỉ thị 16. Trên cơ sở đó, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tuy không là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng là văn bản áp dụng pháp luật Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 vào về tình trạng khẩn cấp, tình trạng lây lan bệnh truyền nhiễm, tình trạng an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các tình huống cụ thể, để điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước, bảo đảm thống nhất và thông suốt trong cả nước, mang tính chất mệnh lệnh bắt buộc thi hành của người đứng đầu, có giá trị pháp lý thi hành.

Trong trường hợp các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, lực lượng chức năng đều có thể tham khảo hướng dẫn tại Chỉ thị 16 để lập biên bản vi phạm và căn cứ Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định về những hành vi bị cấm để xử phạt vi phạm hành chính.

“Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.”

Đối với mức xử phạt vi phạm hành chính: Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, các cá nhân không thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ năm đến mười triệu đồng và buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định.

“Những cá nhân, tổ chức nào có hành vi làm lây lan dịch bệnh một cách cố ý, với ý đồ gây lây lan dịch bệnh nguy hiểm toàn xã hội, còn có thể bị xử lý hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội có thể bị xử phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Lan Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm