Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những chiếc “cầu nối” của ý Đảng, lòng dân

Hải Minh

Thứ hai, 17/10/2022 - 14:55

(Thanh tra) - Cuộc sống của đồng bào dân tộc ở xã Hưng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang từng bị đảo lộn bởi nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về an ninh, trật tự. Chính trong giai đoạn này, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn cuộc sống bình yên cho đồng bào. Họ được ví như chiếc “cầu nối” của ý Đảng, lòng dân.

Ông Lầu Văn Thào, người uy tín ở Nà Tang, xã Hùng Lợi trong một buổi tiếp xúc, nâng cao nhận thức cho dân. Ảnh: Hải Minh

Tiềm ẩn nguy cơ

Hùng Lợi là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn. Xã có 10 dân tộc, trong đó trên 47% là đồng bào dân tộc Mông. Ở đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại, nhất là ở những xóm có đông đồng bào Mông, Dao sinh sống. Nhiều cặp vợ chồng trẻ đang ở tuổi cắp sách tới trường nhưng đã con bồng con bế. Có những cặp vợ chồng, anh em cô bác lấy nhau sinh con ra ốm yếu, nheo nhóc… Tình trạng này khiến cuộc sống của các hộ gia đình vốn khó khăn lại càng khó khăn chồng chất khi chính những người trụ cột gia đình không có sức để lao động, nương rẫy phải để không, luôn chịu cảnh đói ăn thiếu mặc.

Nguy hiểm hơn, chính cuộc sống khó khăn thiếu thốn của họ lại lọt vào “tầm ngắm” của những đối tượng xấu khi chúng tìm mọi cách tuyên truyền lôi kéo đồng bào để đi theo những tà đạo được xem là “cứu rỗi”, mang lại cuộc sống ấm no, bình yên mà không cần phải lao động.

Tổ chức “Ân điển cứu rỗi” còn có tên gọi khác là “Ân điển đời đời” hoặc “Sự cứu rỗi” do một người đàn ông người Hàn Quốc sáng lập lợi dụng tình thế đã xâm nhập vào đất này. “Ân điển cứu rỗi” được coi là một hệ phái Tin lành, những người theo “Ân điển cứu rỗi” tin rằng: Chúa Giê Su đã chịu đóng đinh trên thập tự giá và chết trên thập tự giá để gánh mọi tội lỗi trên thế gian, nên khi con người phạm tội, lỗi lầm đều được tha thứ không cần ăn năn, cầu xin Chúa tha thứ.

Những đối tượng này sử dụng những luận điệu tuyên truyền cực đoan cổ vũ cho lối sống phóng túng, tự do (sống trong tội lỗi mà không cần ăn năn, day dứt, hối hận...); gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ gia đình, các tín đồ theo tin lành, làm ảnh hưởng đến đại bộ phận giới trẻ tin theo. Khi tham gia, họ sẽ đi chệch hướng, có lối sống buông thả, tha hóa về đạo đức, thúc đẩy các hoạt động, hành vi phạm tội là mối nguy hiểm cho xã hội.

Dù chỉ là những luận điệu xuyên tạc, những lời hứa hão huyền thế nhưng đã có không ít đồng bào Mông ở Hưng Lợi thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu nhận thức tin theo, làm cho tình hình an ninh địa phương có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về an ninh, trật tự.

Trung úy Trương Thế Công, Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh cho biết, trước những nguy cơ trên, đơn vị đã tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh tăng cường lực lượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vấn đề tôn giáo. Từ đó vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, các tổ chức tà đạo, tà giáo, hoạt động tôn giáo trái pháp luật, vận động quần chúng nhân dân không tin, không theo các tà đạo, tà giáo và có các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ chủ trương này, người Mông ở thôn Đồng Trang luôn được cán bộ xã, Công an xã đến tận nhà để phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, tôn giáo và phát triển kinh tế vì thế hiểu biết hơn về những luận điệu xuyên tạc của những kẻ tuyên truyền tà đạo. Từ sự nâng cao nhận thức này mà nhiều người Mông ở các gia đình đã không tin theo tà đạo, tà giáo, không theo các tổ chức hoạt động bất hợp pháp mà chỉ tập trung lên nương rẫy làm ăn.

Phát huy vai trò của người uy tín

Gần dân để hướng dẫn dân. Ảnh: Hải Minh

Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, của lực lượng công an thì những người uy tín được người dân tin tưởng bầu nên ở xã đã không quản khó khăn làm tốt vai trò là cầu nối tuyên truyền những đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mỗi đồng bào.

Ông Lầu Văn Thào, thôn Nà Tang là người đã phát huy vai trò người có uy tín của mình trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, tham mưu thành lập mô hình tự quản về an ninh trật tự tại thôn.

Ông Thào chia sẻ: Trong thôn có một số hộ đồng bào dân tộc Mông tin và nghe theo tổ chức bất hợp pháp. Ông đã tích cực tham gia tuyên truyền để họ nhận thấy đó là việc làm trái pháp luật, trái với phong tục tập quán của người Mông. Nghe theo ông, một số hộ đã viết đơn cam đoan không theo tổ chức bất hợp pháp và tham gia vận động các hộ khác trong thôn không theo tổ chức bất hợp pháp này nữa.

Việc tuyên truyền cho đồng bào về hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có nhiều kênh, nhưng có một kênh quan trọng, đó chính là người có uy tín truyên truyền đến từng hộ gia đình, làng xóm, cụm dân cư; tuyên truyền thông qua các buổi họp xóm, trong những ngày bà con tập trung để giúp nhau ngày công lao động gặt lúa, trồng ngô… Kết quả là từ khi được người có uy tín tuyên truyền, các hộ ký cam kết không để xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Chị Nông Thị Hạnh, xóm Pàn Kèng chia sẻ: “Khi được các bác, người có uy tín giải thích, tôi đã nhận thức rõ bản thân, nếu đủ 18 tuổi mới lấy chồng, tìm hiểu rõ ràng mới lấy. Khi cưới rồi thì mình chỉ nên đẻ 2 con thôi. Vợ chồng tôi có 2 con rồi, như thế mới có điều kiện cung cấp cho con ăn học. Trước đây, bố mẹ mình đẻ nhiều cuộc sống vất vả lắm, con cái không được đi học như người ta”.

Cách đây mấy năm, bản người Nùng, thôn Yểng còn tồn tại hủ tục anh em họ có thể kết hôn được với nhau và thôn cũng đã có gần chục cặp hôn nhân cận huyết thống. Điều này làm ông Lý Diu Lìn, người uy tín của thôn đau đáu mãi. Ông đến từng gia đình tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết. Ban đầu, nhiều người không tin, họ cãi lý, chỉ cần khác họ thì trai gái được lấy nhau.

Ông Lìn kiên trì đưa ra mọi lý lẽ thuyết phục, lấy “gương” ngay các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết có con bị bạch tạng, còi cọc không phát triển như người bình thường ra làm ví dụ để minh chứng. Ông cùng các cán bộ thôn thường xuyên vận động để người dân hiểu hậu quả của hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, nhiều năm qua thôn Yểng đã thoát khỏi tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh giúp đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tránh xa những tà đạo thì những người uy tín trong xã đã chung tay cùng chính quyền người dân tìm các giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã làm ăn khấm khá hơn.

Để chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Mông, xã Hùng Lợi đã huy động mọi nguồn lực từ các chương trình, dự án, nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất cho người dân. Từ năm 2020 đến nay, xã Hùng Lợi được đầu tư trên 9 tỷ đồng xây dựng 8 công trình bao gồm: Trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn Phan; các công trình nhà lớp học mầm non Khuổi Ma; phòng học và công trình phụ trợ trường THCS Hùng Lợi; nhà công vụ và các công trình phụ trợ Trường Tiểu học Hùng Lợi; cầu tràn liên hợp thôn Quân, thôn Chương và đập thủy lợi thôn Chương. Các công trình đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bà con, tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt và học tập, lao động.

Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình 135 đã có 26 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ mua giống bò cái sinh sản, tổng trị giá trên 240 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ tích cực cho bà con về cây, con giống, máy móc nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người Mông trong xã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất.

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế xã hội, những nét văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc Mông cũng đang được chính quyền địa phương và nhân dân lưu giữ và phát huy. Với những nỗi lực này, cuộc sống của đồng bào ở Hùng Lợi đang đổi thay từng ngày. Ổn định về tinh thần, vật chất chính là tấm khiến chắn vững chắc của đồng bào trước những hoạt động chống phá của những đối tượng xấu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

(Thanh tra) - Đầu cơ, "tạo giá ảo", "thổi giá", khan hiếm nguồn cung… được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) tăng chóng mặt trong thời gian qua, tuy nhiên, giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Trần Quý

13:17 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm