Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều chính sách hỗ trợ mới cho DN nhỏ và vừa

Thứ ba, 27/03/2018 - 12:08

(Thanh tra)- Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (DNNVV) được nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như: Hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Ảnh minh họa: Nguồn Intetnet

Hộ kinh doanh chuyển thành DN được miễn các loại phí, lệ phí

Cụ thể, DNNVV được miễn phí truy cập thông tin trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Ngân sách Nhà nước cũng hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp cho DNNVV. Học viên của DNNVV thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, DNNVV do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo. Khi cử lao động tham gia khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng thì được miễn phí đào tạo.

Với hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành DN được UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương giao đơn vị đầu mối tư vấn, hướng dẫn miễn phí.

DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện về hồ sơ quy định được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh; miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Cùng với đó, được miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm và được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế, chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.

Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị như hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường…

Việc hỗ trợ về thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực… mang tính trung hạn hoặc dài hạn hay khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện theo Đề án hỗ trợ DNNVV.

Cơ quan chủ trì đề án do cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện, phối hợp, giám sát, đánh giá thực hiện và chịu trách nhiệm toàn bộ về Đề án.

Tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

Theo Nghị định, DNNVV được phân theo quy mô bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ, DN vừa.

- Với DN siêu nhỏ, trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

- DN nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ theo quy định.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ theo quy định.

- DN vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là DN nhỏ, DN siêu nhỏ theo quy định.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là DN siêu nhỏ, DN nhỏ theo quy định.

Nếu xác định theo lĩnh vực hoạt động, Nghị định nêu rõ, căn cứ vào quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, DNNVV được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất. Trường hợp không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, DNNVV được xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm