Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giám định trong hoạt động thanh tra

Thái Hải

Thứ sáu, 23/12/2022 - 23:00

(Thanh tra) - Là một trong những giải pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả giám định trong hoạt động thanh tra trong đề tài khoa học cấp bộ cùng tên do ThS Lê Đức Trung, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra làm Chủ nhiệm được Hội đồng Nghiệm thu đề tài đánh giá cao.

ThS Lê Đức Trung báo cáo kết quả nghiên cứu. Ảnh: TH

Theo ThS Lê Đức Trung, giám định trong hoạt động thanh tra là giám định ngoài tố tụng cà chỉ là một biện pháp nghiệp vụ, một hoạt động mang tính chất hành chính, quản lý được tiến hành nhằm xác định tính hợp pháp, hợp lý của hành vi, việc làm của đối tượng thanh tra.

Nội dung giám định trong hoạt động thanh tra là những vấn đề chuyên môn, kỹ thuật có liên quan đến hoạt động thanh tra làm căn cứ cho việc kết luận thanh tra.

Phạm vi hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra rất rộng, ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra nên nội dung giám định trong hoạt động thanh tra cũng rất phong phú.

Ví dụ, đoàn thanh tra có nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính, thì nội dung giám định có thể là về kế toán, kiểm toán; giám định về giá; giám định về chứng khoán, về thuế, về hải quan…

Khi thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan thì đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, cơ quan, tổ chức giám định. Cơ quan, tổ chức được yêu cầu phải thực hiện việc giám định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định…

Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Đề tài đã đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả giám định trong hoạt động thanh tra.

Trong đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, thủ trưởng các cơ quan thanh tra và các chủ thể tiến hành thanh tra trong hoạt động thanh tra nói chung, trong công tác giám định trong hoạt động thanh tra nói riêng. Theo quy định của pháp luật thanh tra thì thủ trưởng cơ quan hành chính, thủ trưởng các cơ quan thanh tra là người ra quyết định trưng cầu giám định có vai trò rất quan trọng trong quá trình tổ chức chỉ đạo và quyết định đến chất lượng, hiệu quả cuộc thanh tra. Với tư cách là người quyết định trưng cầu giám định, kết luận thanh tra, người ra quyết định có vai trò quan trọng việc đảm bảo chất lượng của kết luận giám định cũng như kết luận thanh tra.

Mặt khác, nhân tố chủ yếu tác động đến hiệu quả của giám định trong hoạt động thanh tra chính là nhân tố con người làm công tác thanh tra, người giám định trong hoạt động thanh tra bao gồm phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm. Vì vậy, nâng cao chất đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, người làm giám định trong hoạt động thanh tra là một trong những giải pháp hàng đầu để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra nói chung và việc thực hiện giám định trong hoạt động thanh tra nói riêng.

Toàn cảnh Hội đồng Nghiệm thu. Ảnh: TH

Tăng cường phối hợp giữa cơ quan thanh tra cớ cơ quan có thẩm quyền trong công tác giám định trong hoạt động thanh tra; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giám định ngoài tố tụng trong lĩnh vực xây dựng, ngân hàng, tài chính; phối hợp trong việc đảm bảo kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định ngoài tố tụng thuộc quyền quản lý; phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật với công tác giám định; kịp thời phát hiện, chẩn chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, né tránh, từ chối giám định, cố tình ban hành kết luận giám định không đúng…

Ngoài ra, cần chú trọng tổng kết thực tiễn công tác giám định trong hoạt động thanh tra nhằm nâng cao hoạt động này; bảo đảm cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định ngoài tố tụng và chính sách, chế độ ưu đãi đối với tổ chức cá nhân thực hiện giám định ngoài tố tụng; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, trong đó có hoạt động giám định trong quá trình thanh tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Để nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra mà trước hết là nâng cao chất lượng hoạt động giám định trong quá trình thanh tra, kết luận thanh tra thì việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thanh tra, quá trình thanh tra là vấn đề thiết thực đang đặt ra. Kiểm tra, giám sát để kịp thời nắm bắt diễn biến, kết quả hoạt động giám định trong quá trình thanh tra, xử lý các tình huống phát sinh; kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng quyền thanh tra để gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng được thanh tra qua hoạt động giám đinh trong quá trình thanh tra”, Chủ nhiệm Đề tài nhấn mạnh.

Đánh giá kết quả nghiên cứu đề tài, Hội đồng Nghiệm thu nhận định: Giám định trong hoạt động thanh tra được pháp luật quy định, nhưng thực tế để thực hiện còn ít và lúng túng, do có nhiều nguyên nhân, trong đó do cơ chế vận hành còn thiếu về nhận thức và phương pháp, cách thức tiến hành là vấn đề cần phải nghiên cứu. Đề tài đã đánh giá được thực trạng quy định của pháp luật và thực tiễn việc giám định trong hoạt động thanh tra, nhất là những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, từ đó đưa ra được các giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả giám định trong hoạt động thanh tra.

Đề tài có giá trị ứng dụng cao, giúp Thanh tra Chính phủ xem xét để ban hành quy định về giám định trong hoạt động thanh tra và nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên về hoạt động giám định trong hoạt động thanh tra một cách toàn diện. Các giải pháp đưa ra có tính đồng bộ, tính cụ thể và có tính khả thi, dễ hiểu, dễ vận dụng vào thực tế.

Với kết quả nghiên cứu đề tài, Hội đồng Nghiệm thu thống nhất xếp loại xuất sắc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm