Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không tự ý ghi hình ở trụ sở tiếp dân: Bộ Tư pháp sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ, Hà Nội

Thứ năm, 10/01/2019 - 20:45

(Thanh tra) - Bộ Tư pháp sẽ làm việc với Thanh tra Chính phủ, Hà Nội để cùng làm rõ tính hợp pháp của quy định công dân khi đến làm việc tại trụ sở tiếp dân “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” trong Nội quy Tiếp công dân của TP Hà Nội.

Trụ sở tiếp dân công dân của TP Hà Nội

Trao đổi với PV Báo Thanh tra chiều ngày 10/1, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho biết, ngày mai (11/1) Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ có cuộc làm việc với Thanh tra Chính phủ, UBND TP Hà Nội để xem xét tính hợp pháp của Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân TP, trong đó có quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

“Xin phép ghi hình, cán bộ tiếp dân đồng ý chứ có sao đâu”

Theo ông Điệp, từ lâu, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy định "không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, cán bộ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân”.

Trước thắc mắc việc khi quay phim, chụp ảnh phải “xin phép” khiến quyền giám sát của người dân bị ảnh hưởng, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương nhấn mạnh, quy chế không cấm mà quy định trước khi làm việc đó phải xin phép và được sự đồng ý từ người có thẩm quyền.

Theo ông Điệp, điều quan trọng nhất là thái độ của cán bộ, công chức khi làm việc với người dân. Qua tiếp xúc, người dân nhận thấy cán bộ cư xử đúng mực sẽ cảm thấy việc ghi âm, ghi hình là không cần thiết.

“Khi bà con xin phép ghi âm, ghi hình thì cán bộ tiếp dân đồng ý chứ có sao đâu. Bản thân tôi khi tiếp dân, bà con vẫn quay phim, ghi âm hết, tôi có ngại gì đâu”, ông Điệp nói và nhấn mạnh một lần nữa, mục đích là cùng nhau hợp tác để giải quyết công việc chứ không phải cứ đến trụ sở tiếp dân, gặp cán bộ tiếp dân là lập tức đưa máy lên quay hết mọi thứ mà không tập trung vào mục đích chính trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

“Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” là quy định đối với công dân khi đến làm việc tại Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội, đang nhận nhiều ý kiến khác nhau.

Bên cạnh ý kiến tán thành, cũng có ý kiến cho rằng, đây là một loại quy phạm pháp luật xác định quyền của người dân có điều kiện. Người dân chỉ được thực hiện quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm của mình khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân. Trong khi, đây là đây là văn bản hành chính cá biệt, nên trái luật và vi hiến.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba cho biết, sau khi nắm được thông tin, Cục đang cho tiến hành kiểm tra.

Còn cuộc làm việc ngày mai giữa Cục này với Thanh tra Chính phủ và UBND TP Hà Nội, theo ông Ba, đó là một cuộc trao đổi nội bộ giữa các chuyên gia và những người có trách nhiệm về nội dung chuyên môn của văn bản này.

Không vi phạm Hiến pháp, pháp luật

Trước đó vài ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố, trong đó nêu rõ quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Theo Chủ tịch Hà Nội, có quy định cấm ghi hình cán bộ tiếp dân nhằm “chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác”.

Trong trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. "Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch”, ông Chung nói.

Cũng theo ông Chung, tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình.

“Người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, chúng tôi sẽ trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận”, ông Chung cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết, ông đã đọc quy định trên và thấy rằng, nội quy của TP Hà Nội là dành quyền chủ động cho công chức quyết định. Cụ thể, nếu cán bộ tiếp công dân đó đồng ý thì người dân cứ quay phim, ghi âm bình thường cuộc làm việc.

"Quy định này của Hà Nội không vi phạm Hiến pháp, pháp luật. Bởi Hà Nội không cấm mà chỉ nêu khi cán bộ tiếp dân chưa đồng ý thì người dân không được quay, chụp, ghi âm. Quy định này là cần thiết để tránh tình trạng có người dân quay phim xong đưa lên mạng với mục đích không lành mạnh làm ảnh hưởng đến công việc của Nhà nước, xâm phạm đến hình ảnh, quyền của cán bộ tiếp dân”, ông Nhưỡng nêu.

Trao quyền chủ động cho cán bộ

Cũng theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, trụ sở tiếp công dân là cơ quan công quyền, tại đó phải có nội quy khi công dân đến làm việc phải tôn trọng nội quy. Khi quay phim, chụp ảnh đối với không ít cán bộ tiếp công dân họ cảm thấy bị phân tâm, làm việc khó. Nhưng cũng có người cảm thấy bình thường.

Chia sẻ thêm về việc tiếp công dân của mình, ông Nhưỡng nói, bản thân khi tiếp công dân, nếu ai đó muốn xin quay phim, ghi âm, chụp ảnh, ông sẵn sàng đồng ý để họ thoải mái làm.

"Khi công dân đã quay phim, ghi âm thì tôi càng làm việc cẩn thận hơn và mình làm việc đúng quy định của pháp luật, động cơ trong sáng, không có gì khuất tất thì không ngại chuyện ai đó chụp ảnh, quay phim hay ghi âm", ông nói thêm.

Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định trên không phải là cấm mà là giao quyền chủ động cho cán bộ.

“Ở vào tình huống cụ thể, có thể cán bộ tiếp công dân đồng ý cho quay phim, có trường hợp không đồng ý. Đây là quy định có tính chất linh động”, ông Xuyền nêu quan điểm.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trụ sở tiếp dân khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” là cần thiết và phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

“Theo hệ thống pháp luật về tiếp công dân cũng như đảm bảo quyền giám sát của công dân (Hiến pháp năm 2013, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân…), tất cả đều cho phép công dân có quyền giám sát, đảm bảo tính công khai và dân chủ trong hoạt động tiếp dân. Dù vậy, cùng với đó, có nguyên tắc phải đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong khu vực cơ quan công quyền và tiếp công dân.

Điều 16 của Luật Tiếp công dân có nêu vấn đề phối hợp trong việc bảo vệ tại trụ sở tiếp công dân, người tiếp công dân, tức là đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự cho người tiếp công dân tại trụ sở cũng như người đến làm việc”, luật sư Hướng nêu.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm