Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khiếu nại, tố cáo sai cao

Thứ ba, 14/04/2015 - 10:11

(Thanh tra)- Các chuyên gia pháp lý cho rằng, khi tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở chưa được thực hiện tốt thì tình hình khiếu nại (KN), tố cáo (TC) vẫn phức tạp, kéo dài và tệ quan liệu, tham nhũng còn là nguy cơ…

Theo các chuyên gia, chỉ khi bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của người dân thì người dân mới có thể tham gia vào quản lý Nhà nước, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Ảnh minh họa: Thúy Châu.

Chính quyền lơ là, dân thiếu chủ động

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người KN,TC còn hạn chế nên tỉ lệ KN,TC sai khá nhiều. Chỉ tính năm 2014, cả nước giải quyết 28.448 vụ KN, thì có đến 16.794 vụ KN sai (59,0%), 6.177 vụ việc KN có đúng, có sai (21,7%) hay trong 6.736 vụ TC đã được giải quyết, chỉ có 811 vụ TC đúng (12%), còn 4.255 vụ TC sai (63,2%)…

Đáng chú ý, có những vụ KN,TC đã được giải quyết nhiều lần, đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm có lý, có tình nhưng người dân vẫn tiếp khiếu tố, thậm chí có những phản ứng tiêu cực, gây rối hoặc bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động tham gia khiếu kiện đông người.

Thực trạng này cũng được nhiều địa phương phản ánh để khẳng định thêm vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong cuộc sống. Song, “không phải ở đâu, công tác này cũng được quan tâm. Nhiều người dân còn phản ánh không hiểu những gì cán bộ phổ biến dù mục đích là tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật, áp dụng được pháp luật”, bà Ngô Thị Thu Hà, Trung tâm Hỗ trợ kỹ năng cho phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết.

Các nguồn lực đầu tư cho việc đảm bảo tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở như hệ thống bảng thông tin, các phương tiện truyền thanh, các điểm truy cập Internet, tủ sách pháp luật thì “thiếu vắng”, “bấp bênh”.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã lại thấp. Trong khi đó, bản thân người dân cũng chưa có ý thức chủ động tìm hiểu pháp luật, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng cao, biên giới vẫn còn bị chi phối bởi nhiều phong tục tập quán, chưa có tư tưởng vận dụng pháp luật vào việc xử lý các mối quan hệ hành chính, dân sự thường ngày.

Bảo đảm minh bạch, không chỉ “lượng” thông tin

Thực tế cho thấy, thông tin được cung cấp một chiều hay cung cấp kiểu “không muốn cho biết” đồng nghĩa với việc không cung cấp thông tin. Khi quyền tiếp cận thông tin không được bảo đảm đầy đủ thì cơ hội để người dân tham gia vào quản lý nhà nước gần như bằng… không.

Bà Hà Thị Thanh Vân, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định, chỉ khi người dân tiếp cận pháp luật tốt thì khiếu kiện, bạo lực gia đình, tranh chấp mới giảm. Cho nên, cần hình thành ý thức, tình cảm pháp luật và hành vi của người dân thông qua công cụ phổ biến pháp luật, nếu không, pháp luật cũng chỉ “xa lạ” trong cuộc sống.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Phát triển thực hành pháp luật lưu ý, việc niêm yết các bảng biểu, thủ tục hành chính hay các văn bản pháp luật tại trợ sở chính quyền đơn thuần chưa thể minh bạch hóa thông tin hoạt động hành chính và không có tác dụng tạo ra cơ chế cho người dân hiểu pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị các quyết định hành chính xâm phạm.

“Cần có cách thức cung cấp thông tin bảo đảm tính minh bạch, cung ứng dịch vụ công tốt hơn ở cấp chính quyền cơ sở, chứ không chỉ phụ thuộc vào lượng thông tin được cung cấp”, GS. Lê Thị Châu, Viện Nghiên cứu Phát triển thực hành pháp luật đưa ra quan điểm và nhấn mạnh, phải hạn chế chủ thể ban hành văn bản pháp luật để giảm mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Hoàn thiện cơ chế tiếp cận pháp luật

Đứng dưới góc độ, bảo đảm “chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở”, theo TS. Đỗ Xuân Lân, quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, phải “nhận diện” đầy đủ và dự báo xu hướng phát triển để hoàn thiện chính sách về tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, nhất là trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo Dự án Luật Tiếp cận thông tin.

“Tôi cho rằng phải tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Quan trọng là huy động các nguồn lực xã hội tham gia đánh giá, kiểm tra, giám sát đối với kết quả đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó trước hết và chủ yếu là huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội và người dân”, ông Lân nói.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, đến việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn liền với cải cách nền hành chính quốc gia. “Khi tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở chưa được thực hiện tốt thì tệ quan liệu, tham nhũng vẫn là nguy cơ”, ông Nguyễn Phúc Quỳnh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đòi hỏi phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, giải quyết tốt công tác KN,TC, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo trong giải quyết KN

Bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho rằng, tham nhũng, KN,TC phức tạp không chỉ làm suy yếu đất nước mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các tầng lớp xã hội, làm giảm niềm tin của người dân đối với các cơ quan công quyền. “Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam đã thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật và Vận động chính chính (ALAC) nhằm hỗ trợ người dân có yêu cầu cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan trong giải quyết KN, tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và cộng đồng”, bà Lý nói.

Thông qua các hoạt động tư vấn trực tiếp, qua thư từ, email, đường dây nóng, lưu động tại cơ sở và các hoạt động tiếp cận cộng đồng khác, ALAC cung cấp thông tin về các thủ tục, quy trình pháp luật về KN, địa chỉ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết KN, cũng như các thông tin pháp luật khác chính xác, kịp thời, rõ ràng và đầy đủ để hỗ trợ người dân trong quá trình KN và để các cơ quan có liên quan có đủ cơ sở tiến hành giải quyết KN một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm