Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Họp nhiều do Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh “đẩy” việc lên Thủ tướng

Thứ sáu, 23/09/2016 - 08:09

(Thanh tra)- Ngày 22/9, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tại Văn phòng Chính phủ (VPCP) về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị VPCP tham gia vào đánh giá chỉ số cải cách hành chính và là tấm gương cho các bộ, ngành, địa phương về cải cách hành chính. Ảnh: Thảo Nguyên

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua có tình trạng đùn đẩy lên Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ dẫn đến họp nhiều. Trong khi, nhiều việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh.

Nếu theo đúng thẩm quyền thì lượng văn bản đẩy lên VPCP sẽ giảm 20 - 25%. “Do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh không làm tròn trách nhiệm, né việc bằng cách xin ý kiến Chính phủ nhiều việc không cần thiết”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, trên thực tế, VPCP khi làm hết trách nhiệm nhưng ở một số bộ, ngành, địa phương không cùng quan điểm, chưa đồng tình, thậm chí là không “hài lòng” với sự tham mưu của VPCP cũng dẫn đến sự chậm trễ của văn bản cùng phối hợp xây dựng.

Để khắc phục, VPCP xác định vấn đề quan trọng là định mốc thời gian phải ra băn bản, với các “đèn tín hiệu” (xanh, đỏ), tất cả văn bản, hồ sơ đều được xử lý qua mạng và được công khai rộng rãi tình hình, tiến độ xử lý, hạn chế tối đa tình trạng chậm xử lý hoặc để quá hạn hồ sơ.

Tại buổi làm việc, ông Tống Quốc Đạt, Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng có giải pháp xử lý hiện tượng lạm dụng dấu mật trong các văn bản. “Tôi bức xúc lắm. Cái gì cũng mật, quá lạm dụng dấu mật. Trên mạng đăng đầy rồi còn cứ treo dấu mật. Cái gì đáng mật thì mật. Vì đã là mật là không được sao chép, không được phổ biến”, ông Đạt nêu.

Chia sẻ điều này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay: “Khi tôi về VPCP tôi đã nói tại sao VPCP văn bản mật quá nhiều. Có những việc không cần mật, không đến mức phải như thế”.

Đánh giá VPCP là đơn vị đi đầu trong cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, đảm bảo nhanh, chính xác, công khai minh bạch, nhưng an toàn, bảo mật, Trưởng đoàn Công tác, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh: “Để thực hiện những nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thì trước hết nhiệm vụ giao có sát không, có khả thi không, xuống bộ, ngành, địa phương có bị chồng chéo không. Vai trò của VPCP rất quan trọng”.

Tuy nhiên ông Thừa cũng thẳng thắn nêu, có một số ý kiến của các bộ, ngành kêu ca về “có cán bộ VPCP cửa quyền, hạch sách và có biểu hiện lợi ích nhóm”. Vì vậy, đề nghị VPCP tham gia vào đánh giá chỉ số cải cách hành chính và là tấm gương cho các bộ, ngành, địa phương về cải cách hành chính.

Trước đó, báo cáo với Tổ Công tác, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Tùng cho biết, từ đầu năm tới ngày 31/8, VPCP đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 13.733 văn bản (không kể văn bản mật), trong đó có 1.154 văn bản có giao nhiệm vụ cụ thể, với 6.272 nhiệm vụ mà các bộ, cơ quan, địa phương phải thực hiện.

Qua theo dõi, đôn đốc cho thấy, có 2.723 nhiệm vụ đến hạn phải hoàn thành, có 2.501 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 222 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa thực hiện xong. Số văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm còn thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ còn nợ 7 văn bản, sẽ trình ban hành trong tháng 10/2016.

Cũng trong 8 tháng, VPCP đã trình 288/379 đề án phải trình (đạt 76%); tham mưu, trình Chính phủ cho ý kiến, thông qua 19/20 dự án luật, pháp lệnh phải trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thẩm tra, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 116 nghị định, 73 nghị quyết, 32 quyết định, 24 chỉ thị, 72 thông báo kết luận, 312 công văn, công điện…

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm