Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hội thảo đề tài khoa học “Chiến lược phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn”

Thái Hải

Thứ sáu, 08/10/2021 - 22:09

(Thanh tra) - Ngày 8/10, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) đã tổ chức hội thảo trực tuyến Đề tài Khoa học cấp bộ “Chiến lược phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn” do Th.S Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm.

Th.S Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT trình bày kết quả nghiên cứu đề tài. Ảnh: TH

Các nghiên cứu cho thấy tham nhũng là một hiện tượng xã hội có tính lịch sử, gắn liền với sự xuất hiện của chế độ tư hữu, sự ra đời và phát triển của quyền lực Nhà nước và các quyền lực công khác, được tạo thành bởi hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng quyền lực được ủy thác để phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Tham nhũng nảy sinh, tồn tại và phát triển ở tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị. Nó trở thành một vấn nạn mang tính quốc tế, có ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của từng quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung. PCTN không chỉ trở thành nhiệm vụ quan trọng, nan giải và phức tạp của mỗi quốc gia mà còn trở thành một cuộc chiến mang tính quốc tế. Sự thành công hay thất bại của chính sách PCTN có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và ổn định kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, sự tồn vong của mỗi chế độ chính trị.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định tình trạng tham nhũng trong bộ máy Nhà nước ở Việt Nam: “Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên Nhà nước... chưa bị trừng trị nghiêm khắc và kịp thời. Thực trạng nói trên làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan Nhà nước”.

Bên cạnh đó, trong vòng hơn 30 năm qua, Đảng đã ban hành 7 nghị quyết Đại hội Đảng và hàng loạt nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các chỉ thị… trong đó có đưa ra những chủ trương, định hướng chính sách PCTN, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. Trong đó, mục tiêu được xác định là: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính” và một số giải pháp được đưa ra như: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ công chức và nhân dân về công tác PCTN, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ phục vụ PCTN, lãng phí. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội. Thực hiện tốt công tác truyền thông về PCTN, lãng phí...

Trên cơ sở các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản pháp lý quan trọng để đấu tranh PCTN. Trong đó, Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 là văn bản quan trọng, xác định toàn diện các quan điểm, mục tiêu, các nhóm giải pháp, cũng như định rõ lộ trình để thực hiện công tác PCTN từ năm 2009 - 2020.

Theo Chủ nhiệm Đề tài, nhiều hạn chế đặt ra trong nội dung Chiến lược đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh cho giai đoạn tiếp theo nhằm tăng tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả như: Sự phù hợp của mục tiêu Chiến lược với thực tế tình hình tham nhũng chưa cao; sự mâu thuẫn và thiếu đồng bộ giữa mục tiêu với các nhóm giải pháp PCTN trong Chiến lược; thiếu các giải pháp, nhiệm vụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược như kiểm soát quyền lực, kiểm soát xung đột lợi ích… Một số giải pháp thiếu mạnh mẽ như xử lý hành vi tham nhũng, tổ chức các cơ quan có chức năng PCTN; sự phù hợp của nội dung Chiến lược với định hướng của Đảng cầm quyền, với thực tế nền kinh tế đang chuyển đổi, bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội, năng lực của đối tượng thực thi....

Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình hình này là nước ta chưa chú trọng việc xác định tổng thể hiện trạng tình hình tham nhũng và nguyên nhân gây ra để thiết kế Chiến lược đảm bảo tính khoa học, có mục tiêu phù hợp với hiện trạng vấn đề, có tính khả thi, hiệu quả, có hệ thống các giải pháp, công cụ đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu lực và tạo ra bước đột phá trong việc kiểm soát tình hình tham nhũng.

“Hiệu quả của Chiến lược đòi hỏi khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi không chỉ dựa trên yêu cầu của công tác PCTN, của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà còn phải đáp ứng yêu cầu của các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia trong đó có Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, các hiệp ước về kinh tế… và tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới” - Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.

Vì vậy, Đề tài “Chiến lược PCTN ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn” là cần thiết. “Đề tài sẽ luận giải các vấn đề lý luận, cơ sở chính trị, đánh giá tổng thể nội dung và việc thực hiện Chiến lược Quốc gia PCTN của Việt Nam giai đoạn vừa qua theo một hệ thống các yêu cầu/tiêu chí khoa học, chặt chẽ để tìm ra các hạn chế, lý giải các nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm xây dựng Chiến lược cho giai đoạn tiếp theo, đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của Chiến lược” - bà Hiền khẳng định.

Đề tài được chia làm 3 nội dung, bao gồm: Nội dung 1: Cơ sở lý luận về Chiến lược Quốc gia PCTN; Nội dung 2: Nội dung và thực trạng thực thi Chiến lược Quốc gia PCTN của Việt Nam giai đoạn 2009-2020; Nội dung 3: Quan điểm và kiến nghị xây dựng Chiến lược Quốc gia về PCTN của Việt Nam giai đoạn 2020-2030.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ đánh giá đây là một đề tài hay và rộng, Chủ nhiệm Đề tài đưa ra nội dung nghiên cứu sát với tên đề tài, cấu trúc đề tài phù hợp với nội dung nghiên cứu, các giải pháp đưa ra mang tính khả thi.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng, tại mục 1.1.2 về đặc điểm của Chiến lược Quốc gia PCTN cần phân tích thêm ở góc độ Chiến lược được thiết kế theo mô hình Kim Tự Tháp. Đỉnh Kim Tự Tháp là mục tiêu chung, tầng tiếp theo là các mục tiêu cụ thể để bổ trợ cho mục tiêu chung. Tầng 3 là các nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu cụ thể. Tầng 4 là những biện pháp cụ thể, chi tiết để thực hiện hiệu quả các giải pháp.

Bên cạnh đó, cần có thêm  phần đánh giá tình hình tham nhũng cũng như dự báo tình hình tham nhũng trong từng loại đối với hình thức tham nhũng công nghệ cao. Sau đó, đề xuất giải pháp, nhiệm vụ ở nội dung 3.

Đồng quan điểm, ông Ngô Mạnh Hùng, Cục Phó Cục PCTN cũng cho rằng, đề tài cần làm đậm hơn những phân tích, đánh giá việc thực hiện Chiến lược PCTN, đặc biệt là đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa các giải pháp PCTN đến năm 2020 với các biện pháp PCTN đã được quy định trong các văn bản pháp luật đã ban hành thời gian qua.

Đồng thời, bổ sung đánh giá việc các cơ quan chức năng ở các ngành, lĩnh vực tự xác định và xác định các hành vi được coi là tham nhũng trong ngành, lĩnh vực của mình và mục đích nhận diện và chủ động phòng ngừa.

Ngoài ra, cân nhắc thêm đánh giá việc thực hiện Chiến lược PCTN và các chiến lược hiện có về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

(Thanh tra) - Đầu cơ, "tạo giá ảo", "thổi giá", khan hiếm nguồn cung… được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) tăng chóng mặt trong thời gian qua, tuy nhiên, giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Trần Quý

13:17 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm