Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 04/09/2020 - 19:37
(Thanh tra) - “Ta xóa bỏ sổ hộ khẩu là xóa vĩnh viễn, lâu dài về sau chứ không phải ngày một, ngày hai. Nếu nóng vội có thể gây phiền hà cho người dân”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đồng Tháp Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đồng Tháp Phạm Văn Hoà. Ảnh: TN
Chiều ngày 4/9, QH tổ chức hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách cho ý kiến Dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Một trong những vấn đề lớn được ĐB quan tâm là thay đổi phương thức quản lý cư trú mới, chuyển từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở Dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân.
Làm sao thuận lợi nhất cho người dân
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau về thời điểm xóa bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Loại ý kiến thứ hai nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới từ ngày luật có hiệu lực thi hành (1/7/2021) và không cần có quy định chuyển tiếp.
Nêu ý kiến sau đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) tán thành phương án có thời gian chuyển tiếp tới 31/12/2022 vì thuận tiện cho người dân, đồng thời không ảnh hưởng tới phương thức quản lý mới..
“Theo Luật Căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư lẽ ra phải đưa vào vận hành từ 1/1/2020, thế nhưng đến hôm qua Thủ tướng mới phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thẻ căn cước công dân gắn chip. Thẻ căn cước công dân được cấp trước đây cũng không khác gì chứng minh thư nhân dân. Thẻ đó không gắn chíp điện tử thì không thể nào đưa vào kết nối được”, bà Dung nói.
Bà Dung dẫn kết quả khảo sát tại TP Hồ Chí Minh cho thấy năm học vừa qua tăng thêm gần 55 nghìn học sinh, tuyển dụng gần 7.000 giáo viên.
“Nếu 1/7/2021, Cơ sở Dữ liệu quốc gia chưa hoàn thiện thì kết nối thế nào, khi thời gian vật chất không còn nhiều nữa. Chỉ ngần ấy học sinh cần đến sự xác nhận về hộ khẩu thì chúng ta cấp như thế nào?”, bà Dung băn khoăn và cho rằng cần lường đến tất cả mọi vấn đề để làm sao người dân được thực hiện một cách thuận lợi nhất.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho hay, bà nói “với tất cả mong mỏi của mình để làm sao Dự thảo Luật khả thi nhất, đặc biệt là làm sao cho tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân”.
Đề nghị chỉ để 1 phương án, bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021
Cùng quan điểm, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đồng Tháp Phạm Văn Hoà cũng lo ngại nếu “nóng vội” sẽ gây phiền hà cho người dân.
Theo ông Hoà, hiện có 27 loại giấy tờ, thủ tục hành chính có liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì liệu từ nay đến 1/7/2021 bỏ hoàn toàn thì các cơ quan có đảm bảo được không?
“Ngành Công an có thể thu thập được thông tin cư dân nhưng các cơ quan, ban, ngành khác với các dịch vụ từ bảo hiểm xã hội, y tế, hộ nghèo, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, đăng ký học hành... mà các ngành không áp dụng được, phải về địa phương xác nhận thì cũng là một loại giấy phép con”, ông Hòa nêu.
Ông Hoà cho rằng, việc lưu hành song song sổ hộ khẩu, tạm trú cho tới hết 31/12/2022 là phù hợp.
“Ta xóa bỏ sổ hộ khẩu là xóa vĩnh viễn, lâu dài về sau chứ không phải ngày một, ngày hai. Nếu nóng vội có thể gây phiền hà cho người dân”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đồng Tháp nhấn mạnh.
Giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị chỉ để một phương án tại Dự thảo Luật như nội dung Chính phủ trình QH. Theo đó, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ được tiếp tục sử dụng để giải quyết các giao dịch, giấy tờ, tài liệu được xác lập trước ngày luật có hiệu lực thi hành.
Theo ông Ngọc, Dự án Xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quyết định ngày 11/3/2020; trong đó, xác định thời gian thực hiện dự án là đến năm 2021. Bộ Công an sau đó có kế hoạch triển khai dự án, quy định rất cụ thể về thời gian từng việc, kể cả những việc phối, kết hợp với các bộ, ngành liên quan để đồng bộ có hiệu lực từ 1/7/2021.
“Dù dự án này chậm hơn so với dự án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư 6 tháng nhưng các bước tiếp theo, chúng tôi sẽ sắp xếp để đồng bộ với Dự án Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, có sự chia sẻ giữa hai dữ liệu với nhau, để bảo đảm có sự tiếp nhận thông tin của nhau, tiến tới gộp thành một trung tâm dữ liệu… Chúng tôi bảo đảm sẽ thực hiện được theo đề xuất là từ 1/7/2021, nếu luật này được QH thông qua”, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống ở trọng tâm là việc nhận diện và quản trị các rủi ro không chỉ ở cấp độ cá nhân, gia đình, mà còn mở rộng đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, và quốc gia. Đây là một thách thức toàn diện, đòi hỏi sự phối hợp đa chiều để đưa ra các giải pháp phòng ngừa và ứng phó hiệu quả.
Minh Huyền
22:30 22/11/2024(Thanh tra) - Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình xây dựng nghị định thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu trong đó có một số nội dung liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu; việc xem xét bỏ quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu.
Lê Phương
21:51 22/11/2024Nguyễn Điểm
15:57 22/11/2024Trần Quý
13:17 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương